Người dân khổ sở với khói bụi khi đi qua đoạn đường song hành xa lộ Hà Nội, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những đề xuất của dự thảo này nếu được triển khai đồng loạt hoặc có lộ trình cụ thể thì việc cải thiện chất lượng không khí có hi vọng trời sẽ trong xanh hơn. Các cơ sở công nghiệp bắt buộc phải thực hiện biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh bụi, khí thải lớn và xử lý nóng các nguồn gây ô nhiễm. Đây rõ ràng Bộ Tài nguyên - môi trường đang hướng đến nguồn phát thải lớn đến từ các khu công nghiệp trong lòng hoặc các khu vực lân cận thành phố.
Xe cộ quá đông là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí thứ hai. Việc đẩy nhanh phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, loại bỏ xe cộ cũ nát, không đủ tiêu chuẩn lưu hành trong thành phố là cần thiết. Nếu làm được sẽ có hiệu quả kép: cải thiện giao thông và giảm ô nhiễm không khí đô thị. Khi xe công cộng phát triển, không khí sẽ tốt hơn hiện tại.
Tôi luôn có ước muốn ra đường không phải đeo khẩu trang để được hít thở khí trời, muốn không phải mặc áo khoác để được hưởng nắng trời và áo quần không ám mùi xăng khói. Ước muốn nhỏ nhoi vậy cũng không thể khi không khí ở TP.HCM ô nhiễm ngày càng nặng hơn.
Tôi ao ước sẽ có một ngày mình được chạy đến trạm tàu điện ngầm, có thể đọc sách, xem báo trong khi đợi đến trạm cần xuống rồi lại thong thả bước đến trạm xe buýt gần đó để di chuyển đến chỗ làm y hệt như từng được trải nghiệm ở nước ngoài.
Còn thực tế: bao người vẫn đang trùm kín mít từ đầu đến chân, chen chen lấn lấn mỗi tấc đường. Hằng tuần vẫn tính số phải chi để đổ xăng (và tất nhiên là đã thải khí bẩn ra môi trường). Chen nhau trên tàu điện ngầm hay xe buýt sạch sẽ, đúng giờ vẫn còn sướng hơn là lấn nhau trên đường kẹt xe, nhiều rủi ro bằng xe máy và đua nhau xả khí. Vậy bao lâu nữa chúng ta mới thoát cảnh ô nhiễm hiện nay?
Vì sao chúng ta chưa có chính sách khuyến khích phát triển xe điện? Muốn người dân thay đổi thói quen, tăng chất lượng không khí, cần tạo nền tảng thay thế tốt để họ chẳng phải chần chừ suy nghĩ thiệt hơn.
Có một điểm trong dự thảo này tôi cảm thấy không hợp lý ở việc bố trí nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung, tăng cường số lượng các trạm quan trắc môi trường không khí tự động. Đành rằng hiện tại TP.HCM vẫn còn phải thực hiện việc đo đạc chất lượng không khí bằng thủ công nên cần lắp đặt nhưng có những trạm quan trắc vài triệu USD rồi sao nữa? Liên tục cập nhật thông tin về chất lượng môi trường không khí, có chỉ số nguy hại lên đến màu cam, màu tím mà không có thiết bị, công cụ để xử lý ngay thì đo để làm gì?...
Hãy áp dụng các giải pháp trước mắt, thực tế đã. Hãy phạt thật nặng những chủ dự án thi công công trình xây dựng, giao thông không thực hiện các biện pháp che chắn, phun tưới để ngăn bụi tràn ra đường, ùa vào nhà dân như hiện nay. Cũng phải phạt thật gắt những chiếc xe tải cồng kềnh chở vật tư, xà bần... ra vào các công trình lưu thông trên đường vì bụi từ đây mà ra mặc nhiên xộc vào mũi mọi người. Và cần có thêm không gian xanh, mặt nước cho đô thị.
Bao giờ có khí sạch hơn để thở?
Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng cách giảm ô nhiễm không khí bền vững nhất là phải giảm được các nguồn phát thải ô nhiễm (theo Tuổi Trẻ 18-7). Và đang còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết trên phạm vi liên kết vùng để giảm ô nhiễm không khí bền vững tại các đô thị.
Thực tế nguồn gây ô nhiễm thì nhiều: từ sản xuất công nghiệp, khói xe, bụi đốt rơm rác, công trình xây dựng không che chắn. Hiện chúng ta chưa thể tách bạch nguồn ô nhiễm. Vậy rồi làm sao? Chờ đến bao giờ mới tách bạch nguồn xả khí thải và chờ tiếp giải pháp sau đó nữa? Nếu cứ đùn đẩy trách nhiệm thì đến bao giờ có khí trong lành hơn để thở?
Câu chuyện giao thông ở TP.HCM, Hà Nội càng nóng hổi hơn khi con người trong những đô thị hàng chục triệu dân này đang sống khổ hơn vì kẹt xe và khói xe. Mùa này, thêm cả chuyện ô nhiễm khói bụi từ các bãi rác...
Cần một chính sách quyết liệt và lộ trình thực hiện nhanh nhất các giải pháp để giữ môi trường không khí đô thị trước khi mọi chuyện tệ hại hơn, thị dân khổ hơn vì bệnh tật khi phải hít thở khí bẩn và độc hơn xung quanh mình.
PHẠM NGỌC TƠ
40.000
Theo nghiên cứu của TS Lê Việt Phú, ĐH Fulbright, hằng năm Việt Nam có khoảng 40.000 người chết do ô nhiễm không khí với thiệt hại kinh tế 12 tỉ USD, đến năm 2035, số người chết vì ô nhiễm sẽ tăng lên 100.000.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận