11/02/2025 10:56 GMT+7

Sốt, đau người nhưng không sổ mũi, ho: Có phải bị cúm không?

Những ngày gần đây, ca mắc cúm gia tăng khiến nhiều người lo lắng mình mắc bệnh. Bên cạnh triệu chứng phổ biến của cúm mùa thì nhiều người có triệu chứng sốt, đau người nhưng không ho, ngạt mũi.

Sốt, đau người nhưng không sổ mũi, ho, có phải bị cúm không? - Ảnh 1.

Bác sĩ khuyến cáo cảnh giác với triệu chứng sốt, đau người, sổ mũi - Ảnh minh họa

Nhiều người băn khoăn, liệu với những triệu chứng này họ có thể đã mắc cúm hay không?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho hay thời tiết hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển và gây các bệnh đường hô hấp.

Với những triệu chứng như sốt, đau người, bác sĩ Hùng cho hay việc cơ thể xuất hiện cơn sốt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì vậy, để xác định rõ nguyên nhân gây sốt cần phải thực hiện các xét nghiệm lâm sàng.

"Thời điểm này phổ biến người dân mắc cảm lạnh và cảm cúm. Mặc dù cảm lạnh và cảm cúm có triệu chứng gần giống nhau như ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, sốt… 

Nhưng so với cảm lạnh thì dấu hiệu của cảm cúm có phần nặng hơn, có nguy cơ chuyển nặng cao hơn.

Hầu hết người vốn có hệ miễn dịch tốt, khỏe mạnh mắc cúm, cảm lạnh có thể tự khỏi bệnh sau vài ngày. Đối với người có hệ miễn dịch suy giảm như người có bệnh nền, người cao tuổi, trẻ nhỏ… cần cẩn trọng vì bệnh có thể chuyển nặng", bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Bác sĩ Hùng cũng cho hay khó có thể phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm thông qua triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, không phải lúc nào người bệnh cũng có toàn bộ các triệu chứng. Một số người có hệ miễn dịch suy giảm, các triệu chứng biểu hiện có thể nặng nề hơn người khỏe mạnh.

Bên cạnh đó ngoài vi rút cúm A, B gây bệnh đường hô hấp phổ biến hiện nay thì một số vi rút có thể gây bệnh hô hấp khác như corona vi rút, vi rút hợp bào hô hấp, adeno vi rút…

"Vì vậy, bạn tuyệt đối không được chủ quan khi mắc bệnh, nên theo dõi cơ thể và kiểm tra để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Đối với trường hợp người khỏe mạnh bình thường, có thể theo dõi tại nhà và điều trị các triệu chứng như hạ sốt, bù nước, vệ sinh mũi, họng...

Đối với người có hệ miễn dịch suy giảm, mắc bệnh lý nền, người cao tuổi, trẻ em… cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh và theo dõi các biến chứng, ngăn bệnh chuyển nặng", bác sĩ Hùng khuyến cáo.

5 biện pháp phòng bệnh hô hấp

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện 5 biện pháp phòng bệnh cá nhân, gồm:

- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người.

- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Sốt, đau người nhưng không sổ mũi, ho, có phải bị cúm không? - Ảnh 2.Phòng cúm mùa: Nhiều người đeo khẩu trang, không ít vẫn lơ là

Trước tình hình cúm mùa diễn biến phức tạp ở nhiều nước, TP.HCM đã khuyến cáo người bệnh khi đến cơ sở y tế thăm khám phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên