Mỹ có ít lựa chọn trong việc đáp trả Bình Nhưỡng và dường như sẽ không đem lại nhiều tác dụng - Ảnh: Reuters |
Các chuyên gia cho biết vụ tấn công mạng nghiêm trọng do nhóm GOP gây ra cùng lời đe dọa mới nhất về việc công chiếu bộ phim The Interview có thể khiến gã khổng lồ điện ảnh Sony Pictures thiệt hại hàng trăm triệu USD và phải chịu thêm chi phí thu hồi phim khá lớn.
Theo AFP ngày 20-12 dẫn lời chuyên viên tư vấn an ninh mạng SSP Blue Hemanshu Nigam cho rằng Sony quyết định hủy bỏ công chiếu bộ phim nói về âm mưu ám sát lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un The Interview đã khiến những tổn thất của hãng này tăng vọt kể từ sau đợt tấn công trước đó của GOP.
Nhìn tổng thể, ông Nigam đánh giá cuộc khủng hoảng này có thể khiến Sony Pictures tổn thất khoảng 500 triệu USD.
Vụ tấn công mạng vào hệ thống máy tính của hãng Sony Pictures hôm 24-11 đã làm rò rỉ nội dung của ít nhất 5 bộ phim, trong đó phần lớn đều chưa được công chiếu.
Bên cạnh đó dữ liệu chứa đựng thông tin cá nhân của 47.000 nhân viên của hãng này cũng xuất hiện công khai trên mạng trực tuyến cùng với những tài liệu mật khác.
Mặt khác, GOP ngày 17-12 cũng đã cảnh báo các rạp chiếu phim sẽ hứng chịu hậu quả nếu chiếu bộ phim về đề tài ám sát lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Ông Nigam cho biết mặc dù Sony đang phát hành The Interview thông qua một số loại hình khác như đĩa VoD (video theo yêu cầu) hay DVD nhưng doanh thu đạt được từ mặt hàng băng đĩa sẽ chỉ là một con số nhỏ.
Ngoài ra, cố vấn an ninh cấp cao Kevin Haley của Symantec cho rằng việc nâng cấp, quét virút và thay thế máy tính sau cụ tấn công của GOP cũng khiến Sony thiệt hại hàng chục triệu USD.
Trong khi đó truyền thông Trung Quốc ngày 20-12 đăng tải hàng loạt thông tin công kích Sony Pictures, cho rằng The Interview là một bộ phim bất kính và cáo buộc các nhà làm phim Mỹ đang sai trái khi làm phim chế giễu lãnh đạo Kim Jong Un.
"Người Mỹ luôn cho rằng họ có thể đâm chọt lãnh đạo của các quốc gia khác chỉ bởi vì họ có thể tự do chỉ trích hoặc chế nhạo các lãnh đạo của nước họ", tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đăng tải.
Bộ phim đã khiến nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tức giận và gọi đó là một "hành động khủng bố".
Mỹ có ít lựa chọn đáp trả CHDCND Triều Tiên
Giới quan sát nhận định Mỹ có ít lựa chọn trong việc đáp trả lại CHDCND Triều Tiên sau vụ tấn công hệ thống máy tính của hãng Sony Pictures và kinh tế yếu kém của Bình Nhưỡng lại là một điểm mạnh đáng ngạc nhiên.
Giới chuyên gia nhận định không ai trông đợi việc Mỹ sẽ mở một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, theo AFP, việc tăng cường cấm vận CHDCND Triều Tiên hoặc thậm chí là tấn công mạng đáp trả vào hệ thống Internet yếu kém của nước này cũng sẽ không đem lại nhiều tác dụng.
Theo trang CNBC, Mỹ đang xem xét các lựa chọn để đáp trả lại CHDCND Triều Tiên. Một trong các lựa chọn là đưa nước này vào danh sách khủng bố với xếp loại nhà nước tài trợ cho khủng bố.
Mỹ cũng đang tham vấn nhiều nước về vụ tin tặc vừa qua, trong đó có cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga.
Năm 2008, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước khủng bố với hy vọng sẽ khuyến khích các cuộc đàm phán để Bình Nhưỡng ngưng việc triển khai tên lửa hạt nhân.
Trước đó, Mỹ đã đưa ra bằng chứng và cáo buộc CHDCND Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng của Sony Pictures . Vụ việc đã khiến nhiều nghị sĩ Mỹ tức giận. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã gọi đây là “hành động chiến tranh”.
James Lewis, chuyên gia an ninh mạng thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói xét trên bối cảnh rủi ro leo thang căng thẳng, sự đáp trả của Mỹ sẽ bị hạn chế và vì vậy sẽ không có tác dụng gì mấy.
“CHDCND Triều Tiên có được một sự miễn nhiễm bởi vị thế đặc biệt của họ. Bình Nhưỡng có một lợi thế khác, đó là họ không có một nền kinh tế” - ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận