28/04/2015 06:01 GMT+7

Sống xứng đáng với đồng chí, đồng đội

 PHÚC LINH ghi
PHÚC LINH ghi

TTO - Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi nói chuyện với các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ảnh: TTO

Ngày 15-4, tại Bảo tàng Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, hơn 200 cựu tù binh phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra) đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là lễ kỷ niệm hoàn toàn do anh em cựu tù tự tổ chức, tự lo kinh phí...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với tư cách là một đồng chí, đồng đội trong lao tù (nhà tù Phú Quốc) đã đến dự.

Tại đây Chủ tịch nước đã có cuộc trò chuyện chân tình nhưng rất cảm động, thuyết phục và thức tỉnh lòng người về ý nghĩa của ngày 30-4 đối với những người lính, người tù cách mạng.

Được phép của Chủ tịch nước, chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu gần như nguyên vẹn những suy nghĩ và trao đổi của ông, của anh Tư Sang với đồng đội, đồng chí:

Thưa các đồng chí, tôi thấy cuộc gặp mặt hôm nay rất là quý. Đa số anh em các tỉnh thành từ phía Bắc tề tựu về đây để ôn lại kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - một sự kiện hết sức trọng đại của dân tộc, ôn lại những kỷ niệm năm tháng không thể nào quên.

Trong bầu không khí này, tôi có mấy suy nghĩ muốn trao đổi xung quanh ý nghĩa của 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có một sự thật hiển nhiên, mặc dù 40 năm đã trôi qua nhưng hào khí của những ngày Tháng Tư lịch sử chắc chắn mỗi đồng chí ở đây vẫn nhớ như in trong lòng, trong tâm khảm của mình, vẫn tưởng chừng như nó đang diễn ra đâu đây xung quanh ta, và nó sẽ đi theo chúng ta suốt cuộc đời.   

"Tổ tiên ngàn đời trước đã phải trả giá bằng xương máu để có được giang sơn này để lại cho chúng ta, và chúng ta sẵn sàng hi sinh với bất kỳ giá nào để bảo vệ điều thiêng liêng ấy"
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Không thể chấp nhận thành rồng nhưng làm nô lệ

Dù khiêm tốn đến mấy thì cũng phải nói rằng, ngày 30 tháng 4 năm 1975, cả thế giới nhận ra rằng: À, thì ra không phải cứ mạnh về vũ khí, giàu về tiền của là có thể ăn hiếp được nước yếu hơn, một quân đội mà suốt 300 năm kể từ ngày lập quốc chưa chịu thua bất kì ai đã phải chấp nhận thất bại ở Việt Nam.

Đó cũng là cái ngày mà chúng ta chấm dứt cuộc hành trình dài, đánh bại 2 đội quân xâm lược nhà nghề hùng mạnh nhất thế giới.

100 năm Pháp thuộc, rồi 21 năm Mỹ thuộc mà gỡ được xích xiềng thì không dễ dàng một chút nào.

Lịch sử dân tộc đã chứng minh, mặc dù trong suốt chiều dài lịch sử đều phải đương đầu với các cuộc chiến tranh liên miên nhưng người Việt Nam không bao giờ là “người đầu tiên rút gươm ra khỏi vỏ”, đói nghèo ghê gớm mà vẫn phải cầm vũ khí.

Cầm súng từ cái thủa rất là thô sơ, rất thô sơ mà vẫn anh dũng chiến đấu kiên cường ròng rã, cuối cùng đã trở thành người chiến thắng. Cho nên chúng ta có quyền tự hào. Sự kiện lịch sử đó mãi mãi hằn sâu trong những trang sách, trong lòng dân tộc Việt Nam, và trong lịch sử nhân loại.

Những nhận xét đó là tiếng nói chân thật của những người có lương tri khắp năm châu, bốn biển. Nhưng để có niềm tự hào đó, để đổi lấy độc lập, đổi lấy tự do thì hàng triệu người chúng ta đã phải nằm xuống trên mảnh đất này.

Chúng ta phải nói điều đó để nhắc nhở chính bản thân chúng ta, nhắc nhở con cháu chúng ta không được quên một điều rằng, muốn giữ vững độc lập tự do phải đổi bằng xương máu.

Nhắc như vậy cũng để cảnh cáo ai đó cũng là người Việt Nam nhưng nói rằng, việc gì mà phải kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, không đánh đuổi đế quốc có khi đã trở thành rồng, thế tức là người đó muốn nói rằng hãy cam tâm chịu nô lệ nhưng trở thành rồng lại hay hơn. 

Họ nói công khai như vậy các đồng chí ạ, dù chỉ là cá biệt thôi, nhưng đã xuất hiện những kẻ như vậy... Họ muốn “pha loãng” để rồi đổi trắng thay đen, chà đạp lên lịch sử dân tộc.

Nếu cứ lập luận như vậy thì hà cớ gì mà Hai Bà Trưng phải cầm gươm, cầm giáo để cùng nhân dân khởi nghĩa, rồi 65 thành trì họp lại, đoàn kết lại để đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc.

Nếu chấp nhận nô lệ, chấp nhận phương Bắc đô hộ thì có lẽ bây giờ chúng ta không nói bằng ngôn ngữ của ta rồi. Biết bao anh hùng dân tộc đã dấy binh khởi nghĩa, rồi Ngô Quyền, Lê Hoàn, rồi đời nhà Lý, đến đời nhà Trần, rồi Lê Lợi, Nguyễn Huệ...

Dù có lật xới lịch sử thì cũng chỉ để khẳng định một điều là tổ tiên ngàn đời trước đã phải trả giá bằng xương máu, để có được giang sơn này để lại cho chúng ta, và chúng ta sẵn sàng hy sinh với bất kỳ giá nào để bảo vệ điều thiêng liêng ấy.

Những kẻ nào không hiểu hoặc cố tình không hiểu điều đó chắc chắn sẽ chuốc lấy sự ghẻ lạnh, dù có thể ta vẫn thấy họ ở đâu đó đang nhăn nhở cầm trong tay vài cắc bạc!

Tôi cũng có những đêm, những năm tháng khó ngủ

40 năm đã qua chỉ là một cái chớp mắt của lịch sử dân tộc, nhưng như thế cũng là nửa đời người, hơn nửa đời người. 

Với tinh thần như vậy tôi đề nghị vài điểm, những đề nghị này không phải mang tư tưởng chỉ đạo gì các đồng chí ạ, mà là tôi mong rằng tất cả chúng ta nên như vậy, trong đó có tôi. Hình như lúc nãy có đồng chí đã nhắn nhủ tôi rằng, các anh phải loại ra được những kẻ cơ hội chui vào cấp ủy...

Vâng, tôi cũng nghĩ rằng chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở nhau phải giữ vững cái phẩm chất của người lính. Mà ngồi tại đây phải nói cho đúng là giữ vững phẩm chất của người tù Cách mạng.

Chúng ta đã chấp nhận hy sinh, chúng ta đã chấp nhận bị tra tấn dã man, chúng ta chấp nhận thà chết không khai báo, mà chấp nhận một cách rất tự nhiên thì cũng phải dám chấp nhận đánh đổi mọi sự cám dỗ khác của ngày hôm nay chứ.

Để có hôm nay, may mắn còn ngồi cùng nhau ở đây là xương máu hy sinh vô bờ bến của nhân dân, của biết bao nhiêu đồng chí, của hàng triệu đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống.

Tôi nói như vậy chẳng qua để nhấn mạnh rằng, đã là những người tù không sợ chết, vượt qua biết bao nhiêu tra tấn cực hình, giữ vững được khí tiết, bảo vệ được đồng đội, bảo vệ được tổ chức

Đảng, mà còn sống đến hôm nay thì đối với những thách thức ngay trước mắt, đối với những cái gì đang cản trở sự phát triển của đất nước, gây mất lòng tin của nhân dân với chế độ, với Đảng, là chúng ta phải đấu tranh.

Đấu tranh bảo vệ lẽ phải, loại bỏ cái sai. Vì mục tiêu lý tưởng mà Bác Hồ đã căn dặn, nước nhà phải được độc lập, dân mình phải được tự do, được ấm no hạnh phúc. Rồi đưa nhân dân ta, đất nước ta sánh vai cùng năm châu bốn biển. Đó là sự ham muốn tột bậc của Bác.

Ngày hôm nay, mỗi đồng chí ở mỗi cương vị khác nhau nên chức trách cũng khác nhau, có đồng chí thì chức trách nhẹ hơn nhưng không có nghĩa là không có chức trách gì đối với xã hội, nó vẫn đè lên vai các đồng chí, lên vai tất cả chúng ta.

Tôi cũng có những đêm, những năm tháng khó ngủ, có những suy nghĩ trăn trở day dứt. Vui mừng khi đất nước đổi mới thành công, ra đường thấy trẻ con mặt mũi không đen đúa như ngày xưa nữa, hớn hở vui vẻ tung tăng đến trường, các cháu khỏe mạnh, mừng ghê gớm cho đất nước.

Nhìn cả nước thấy thay da đổi thịt nhiều. Nhưng tôi phải nhắc lại: cái gì còn cản trở, còn gây mất lòng tin vào chế độ, vào Đảng thì phải đấu tranh.

Mà đấu tranh này là trong hoàn cảnh mới, hồi xưa là sự thách đố giữa sống - chết để giành độc lập dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm, bây giờ thử thách nó khác, hoàn toàn khác và để đấu tranh, để vượt qua vẫn cần một đặc điểm chung, đó là lòng dũng cảm của mỗi một anh cán bộ, mỗi một anh chiến sĩ, của mỗi một anh cựu tù. Đó là điểm giống nhau.

Tôi lấy ví dụ thế này, bây giờ gặp trường hợp là đồng chí mình chứ không phải ta - địch như ngày xưa, ông này có khuyết điểm, dân cứ phê phán mãi nhưng  không chịu sửa,  chẳng lẽ chúng ta để dân  kêu hoài à?

Phải tìm cách góp ý kiến chứ, phải đấu tranh chứ, để cho ông ấy phải chừa đi, phải sửa chữa đi những điều mà nhân dân kêu ca, oán trách.

Nói đúng nơi đúng chỗ, mang tính xây dựng, chân thành. Nhưng có phải ai cũng dám làm điều tưởng chừng như đơn giản đó đâu, tôi thấy lạ là những chuyện như vậy lại đang là thách thức đối với chúng ta, nhiều người lẩn tránh và viện dẫn  lý do: sợ đồng chí đó nghĩ sai về mình! Thật đáng chê trách.

 Đừng để sự hi sinh của mình, của đồng đội bị uổng phí

Tôi cũng từng bị đồng chí ta trong cơn tức giận chỉ vào mặt tôi và nói rất nặng, có lẽ đồng chí này bị dân gây áp lực quá, ổng khó chịu quá nên gặp tôi là bốp chát luôn, dù tôi không làm gì trái lương tâm nhưng đồng chí ấy vẫn không thoát khỏi suy nghĩ nặng nề về thực trạng tham nhũng trong xã hội ta hiện nay chậm khắc phục.

Khi đồng chí ấy nói xong thấy mặt mày hớn hở hẳn lên, có lẽ do cởi được gánh nặng trong lòng. Các đồng chí cũng như tôi thôi, hàng ngày gặp nhau tâm sự, biết rằng nhân dân đang trách móc gì, dân đang phiền cái gì, khen chê gì, để rồi xác định mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trong đó.

Người có chức to thì trách nhiệm càng to, còn người về hưu như các đồng chí cũng chưa phải hết trách nhiệm. Vì cái ngày tuyên thệ trước cờ đỏ búa liềm, các đồng chí đã nói gì? Nguyện chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, đó là các đồng chí được kết nạp ở chiến trường hay trong nhà lao của địch.

Còn trong điều kiện hoà bình thì các đồng chí cũng đã nắm tay thề rằng suốt đời trung thành với Đảng, hết lòng hết sức vì Tổ quốc, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ.

Tất cả các cuộc kết nạp Đảng đều như thế. Ký ức không thể nào quên, lời thề lại càng không thể nào quên. Làm sao chúng ta góp sức vào để đất nước ngày càng phát triển, để Đảng ta ngày càng vững mạnh, lòng tin của nhân dân vào chế độ, vào Đảng phải trường tồn.

Về điều này tôi nghĩ rằng, các đồng chí đã trải qua những ngày tháng cực kỳ gian khổ và hy sinh, nhưng chúng ta vẫn giữ được còn là mình ngày hôm nay, thì hoàn toàn có đủ khả năng làm được điều đó.

Các đồng chí muốn tôi làm, vâng tôi đang làm, còn bây giờ thì tôi cũng đang mong muốn các đồng chí cũng phải làm như vậy.

Tôi nhớ trong những lúc địch đàn áp trong nhà lao rất ác liệt, chi ủy làm sao hội ý được nhưng mà anh em ta vẫn cứ xung trận thôi, không người này thì người khác đứng lên. Sao dũng cảm thế! Bây giờ vì lẽ gì mà đánh mất mình. Không thể sợ, phải giữ vững tính chiến đấu chứ.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôi nghĩ chắc chắn rằng sự dũng cảm vẫn luôn cần thiết, cho phép tôi nhấn mạnh lại, cái đức hy sinh, cái dũng khí không bao giờ được phép mất đi ở mỗi một con người Cách mạng.

Chúng ta hãy nói thật với nhau rằng cái nhược điểm lớn nhất hiện nay là tâm lý e ngại, sợ trù dập, rồi thì nể nang nhau không dám nói ra, như các đồng chí nói là bè phái, là bao che nhau.

Bảo vệ chế độ, bảo vệ lý tưởng, bảo vệ nhân dân, sống vì Tổ quốc thì phải có thái độ đúng,  tất nhiên tôi đề nghị phải nói có nơi, có chỗ. Địch không sợ, chết không sợ, ở tù không sợ, địch đánh đập bắt ta khai báo đồng đội ở đâu cũng không sợ, miễn giữ được khí tiết.

Giờ đến chuyện nội bộ lại sợ. Lạ đời. Lạ đời lắm. Chỉ sợ chúng ta đánh mất lý tưởng, không còn coi nhau là đồng chí nữa thôi!

Có cái “may” là chúng ta trải qua những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, nó giúp chúng ta suy nghĩ, tôi luyện trong cuộc sống rất nhiều, cho nên phải góp sức cho đời những năm tháng còn lại, giúp cho Đảng, cho nước, cho dân, chứ đừng để sự hy sinh của chúng ta, của đồng đội chúng ta, của nhân dân chúng ta trước nay bị uổng phí.

Đất nước đã phát triển rồi phải phát triển nhanh hơn nữa, phải rút ngắn được khoảng cách so với bạn bè quốc tế hơn nữa.

Người ta không dừng lại chờ ta đâu mà chúng ta phải chạy nhanh hơn nữa cho kịp bè bạn để đền đáp lại mong muốn của Bác Hồ kính yêu và của biết bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống.

Dứt khoát phải là như vậy, làm được như thế chắc chắn rằng các đồng chí sẽ được Đảng và nhân dân luôn tin yêu,  quý trọng.

Tôi nói có lẽ là dài lắm rồi, trước khi dừng lại, xin chúc tất cả các đồng chí, những ông bạn tù, bà bạn tù của tôi sức khỏe, thành công, tiếp tục có những đóng góp xứng đáng cho Đảng, cho dân.

PHÚC LINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên