Sống xa hoa - không chỉ là chuyện cá nhân

TTCT - Việc dùng vật chất để “lượng giá” một con người đã có từ xa xưa, có lẽ từ lúc con người có ý thức về việc sở hữu vật chất mình có được. Điều này đã trở thành động lực - có thể nói là lớn nhất - thúc đẩy con người làm ra nhiều của cải vật chất hơn để phục vụ mình.

Hàng hóa hay nhân cách?

LTS: Tiếp tục loạt bài “Hàng hóa hay nhân cách?”, Câu chuyện cuộc sống kỳ này giới thiệu góc nhìn về vai trò của xã hội trong việc đề cao các giá trị nhân cách.


Ngày nay, những vật chất mang tính tiện nghi đang dần mang thêm chức năng chứng minh giá trị của chủ sở hữu, và ngày càng nhiều thứ không có giá trị sử dụng mà chỉ để làm vật trang sức. Ví dụ những viên đá quý đính trên chiếc điện thoại đời mới chẳng nâng cao thêm tính năng sử dụng của phương tiện liên lạc này nhưng chắc chắn sẽ cho biết mức độ “chịu chơi” của chủ nhân nó.

Nếu một người xem hàng hóa đồng nghĩa với nhân cách thì đó là việc của một cá nhân, nhưng nếu cả xã hội cũng sùng bái lối thể hiện này thì phải chăng đó là sự yếu kém của chính não trạng và nền tảng đạo đức của xã hội đó? Một khi xã hội quá đề cao vật chất và sự xa hoa thì chưa thể nào chấm dứt những cuộc chơi phù phiếm của những kẻ giàu có lẫn những kẻ cố - gắng - làm - ra - vẻ - giàu - có; vì đây là cách nhanh nhất để đáp ứng được sự định giá của xã hội đó.

Nói vậy cũng có nghĩa xã hội có khả năng đưa ra những cách định giá mới để chống lại sự suy tôn quá mức đối với thói xa hoa, nhất là trong hoàn cảnh toàn cầu đang chống chọi với sự suy thoái kinh tế hiện nay. Nếu các vụ “đốt tiền” vào hàng hiệu hoặc các vụ chơi ngông của người nổi tiếng còn được tung hô thì làm sao đề cao được các giá trị nhân cách?

Hiện nay ở Việt Nam chắc chắn rằng những biểu hiện tò mò, ham hố, “sành điệu” của một tầng lớp “nhà giàu mới” đề cao lối sống phù hoa có xuất phát từ sự ảnh hưởng của lối sống phương Tây, từ tâm lý hưởng thụ sau những năm dài chiến tranh gian khổ và cả sự suy yếu trách nhiệm cá nhân đối với gia đình và cộng đồng nữa.

Nhưng nên nhớ rằng phương Tây có nhiều thế kỷ hình thành nên cấu trúc xã hội với các tổ chức vận hành từ cơ sở đến thượng tầng hiệu quả, giúp chúng có khả năng “định lượng” giá trị một cá nhân qua những hoạt động khác nhau chứ không phải chỉ vật chất.

Như vậy không thể lên án một chiều những người thể hiện và cả những người tung hô giá trị hàng hóa, mà cần tìm cách giải ngay trong việc đề cao các giá trị nhân cách, đồng thời phải tìm kiếm những sự bảo hộ các giá trị đó về mặt đạo đức.

Dù được bào chữa hay biện minh là vô tình, không cố ý, “tôi giàu tôi có quyền” thì việc đốt tiền vào những siêu đám cưới, những bộ trang phục chỉ mặc vài lần có giá bằng cả một đời làm việc của công nhân, vẫn gợi lên sự liên hệ chua xót với rất nhiều cảnh đời đang chạy ăn từng bữa. Đã đến lúc hiện tượng khoe khoang cần được nhìn nhận với sự nghiêm khắc hơn và các biện pháp hay định chế xã hội cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để kiểm soát thói xa hoa, tiêu xài vô trách nhiệm.

__________

1. Trong thời gian Mark Zuckerberg - nhà sáng lập mạng xã hội Facebook - du lịch Việt Nam, ngạc nhiên trước sự giản dị của nhà tỉ phú trẻ, có độc giả của một tờ báo mạng lớn đã nhận xét: “Không biết ông này để tiền làm gì!”. Thắc mắc này cũng dễ hiểu vì trong vài năm trở lại đây, tại nước ta đã mặc nhiên hình thành một quan niệm là hễ thành đạt thì phải phủ lên mình những món hàng xa xỉ, tới mức chúng được không ít người xem là biểu hiện cho sự thành công và giá trị của một người.

Phóng to
Mads Mikkelsen vai Rochefort trong Ba chàng ngự lâm - Ảnh: moviebuzzers.com

Tất nhiên ai cũng có quyền sử dụng đồng tiền của mình theo ý thích (và trong khuôn khổ của luật pháp), nhưng khi quần áo, đồ phụ tùng, giày dép... được xem như những tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá một ai thì tất nhiên sẽ dẫn đến tình trạng có những người cố tạo cho mình giá trị ảo bằng hàng hóa thay vì bỏ công sức ra xây dựng những giá trị thật cho bản thân.

Tâm lý quan trọng hóa những món “hàng hiệu” còn dẫn tới một hệ lụy khác là một bộ phận không nhỏ người trẻ háo thắng và nông nổi, tìm mọi cách để sở hữu chúng cho “bằng chị bằng em”. Chuyện cậu học sinh Trung Quốc bằng lòng bán đi một trái thận để mua iPhone, được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, là một minh chứng cụ thể cho sự quyến rũ đầy nguy hiểm của ánh hào quang “hàng hiệu”!

Năm ngoái không ít người đã phải giật mình khi đọc thấy trên mạng lời rao của một cô bé sẵn sàng qua đêm với người lạ để đổi lấy chiếc vé xem buổi diễn của nhóm Super Junior. Cho dù chỉ là một chiêu gây sốc để thu hút sự chú ý, thì ý tưởng này cũng cho thấy ánh hào quang “sành điệu” có thể đưa những người trẻ và rất trẻ đi xa tới đâu.

2. Chẳng riêng tôi mà những bạn bè đã định cư lâu năm hoặc đang làm việc tại các nước phát triển phương Tây đều thấy choáng trước cách ăn xài của nhiều người tại TP.HCM và thủ đô Hà Nội hiện nay trong những chuyến về thăm quê hương.

Những “siêu xe”, những món trang phục mang mác các nhãn hiệu hàng đầu thế giới, những chiếc iPad, iPhone thường được giới thiệu tại Việt Nam sớm hơn trên thị trường Tây Âu từ 3-6 tháng, tuy có cho thấy sự phát triển nhanh chóng của đất nước nhưng cũng gợi lên không ít băn khoăn khi vẫn còn một khoảng cách rất xa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Năm 2011 GDP của ta chỉ là 3.354 USD/người, đứng hạng 129/181 nước (tụt hai hạng so với 2010). Thu nhập bình quân của người Việt năm 2011 là 1.382 USD (năm 2010 là 1.224 USD, đứng hạng 141/189 nước, Thái Lan là 5.281 USD, hạng 90/189, Indonesia là 3.469 USD, hạng 108).

Trào lưu sở hữu những món hàng xa xỉ của không ít người Việt có thể nhằm mục đích “lòe” thiên hạ, cũng có thể do bị lây bệnh “nhà giàu mới” (nouveau riche) đang lan rất nhanh tại các thị trường mới nổi. Trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy bao cấp sang kinh tế thị trường, không ít người có cơ hội phất lên nhanh chóng.

Nhiều người ngất ngây với sự đổi đời mau chóng này đã sa vào sự hoang phí thay vì tích lũy cho tái đầu tư và phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh; hoặc lưu danh bằng các công trình phục vụ lợi ích của xã hội và cộng đồng - như cách làm của nhiều nhà giàu tại các nước phát triển.

Những cách hành xử lố bịch, như một đại gia Trung Quốc chơi trội bằng cách rải tiền làm thảm cho con giẫm lên trong lễ cưới, những biểu hiện coi thường pháp luật, không tôn trọng những người xung quanh... gọi chung là tính trọc phú, là hệ quả tất yếu khi có khoảng cách đáng kể giữa nền tảng văn hóa, tri thức với khả năng kinh tế.

3. Trong cái có thể gọi là “cơn lốc hàng hiệu” hiện nay, chúng ta không thể không nói tới trách nhiệm của một bộ phận trong giới truyền thông. Khi những trang báo giấy, báo mạng tràn ngập hình ảnh các “sao” lớn nhỏ khoe khoang những món hàng đắt tiền mà giá mua nếu là hàng thật vẫn quá cao so với thu nhập khai thuế của không ít “sao”, thì không tránh khỏi những tác động nhất định lên công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Có nhiều người cho rằng phô trương, xa xỉ là đặc tính của giới showbiz, nhưng những ngôi sao giàu có như Angelina Jolie cũng chỉ chưng diện khi thật sự cần thiết, chẳng hạn như lễ trao giải Quả cầu vàng. Diễn viên Trần Khôn (Chen Kun) - ngôi sao của Long Môn phi giáp - mặc trang phục thể thao trong buổi lễ nhậm chức đại sứ của Tổ chức Unicef tại Trung Quốc gần đây.

Bản thân tôi đã không nhận ra diễn viên Đan Mạch có đẳng cấp quốc tế Mads Mikkelsen (*) khi tình cờ gặp anh trong quán cà phê của ông bà thân sinh anh tại quê nhà anh Nykoebing S (gần Copenhagen). Có lẽ đối với Mads thì những vai diễn ấn tượng đáng chú ý hơn là trang phục.

George Clooney từng biến mình thành công cụ

Trong vòng một tháng qua, tài tử điển trai của Hollywood George Clooney liên tục xuất hiện trên truyền thông thế giới, với tần suất nhiều hơn trước đây và vì những lý do không liên quan tới điện ảnh hay vẻ điển trai của mình. Đặc biệt, ngày 19-3, Clooney tự nguyện vào tù cùng cha mình khi cả hai cứ đứng lỳ trong khuôn viên Đại sứ quán Sudan ở Washington.

Phóng to

Cảnh sát xuất hiện, còng tay anh và đưa vào tù (ảnh). Chỉ vài giờ sau anh ra tù. Tin “hot” lập tức lan ra khắp nơi trên thế giới: Clooney bị bắt vì biểu tình phản đối những hành vi bạo lực chống dân thường vô tội, trẻ em và phụ nữ, yêu cầu Chính phủ Sudan cho phép các tổ chức viện trợ nhân đạo vào để cứu giúp người dân nước này trước khi Sudan trở thành nơi khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới.

Vụ bắt giữ khiến Clooney cảm thấy “rất hài lòng” vì nó khiến thông tin về Sudan được nhắc tới nhiều hơn cả sau khi anh điều trần trước Quốc hội Mỹ. Anh làm mọi việc để đảm bảo truyền thông thế giới chụp được hình ảnh anh tay bị còng đằng sau.

Các hoạt động vì xã hội của các ngôi sao thế giới không phải là điều mới mẻ. Từ những năm 1960, Paul Robeson và Woody Guthrie đã trở thành hình mẫu trong lĩnh vực tăng cường nhận thức, gây quỹ và lên tiếng vì một vấn đề nào đó mà xã hội quan tâm. Không “mượn” hàng hóa để đánh bóng mình, nhiều ngôi sao nước ngoài còn biến mình thành công cụ nhằm đánh động quan tâm về những vấn đề xã hội lớn lao...

__________

(*) Mads Mikkelsen: 48 tuổi, được nhiều khán giả Việt Nam biết tới qua vai phản diện Le Chifre trong Casino Royale và mới đây là vai Rochefort trong Ba chàng ngự lâm phiên bản 2011

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận