Sống trong… sợ hãi

VIỆT HÙNG - TRƯỜNG TRUNG 03/11/2016 02:11 GMT+7

TTCT- Khi những khu đô thị tại Đà Nẵng mọc lên ngày càng nhiều cũng là lúc những ngọn núi, quả đồi ở phía tây TP, xã Hòa Nhơn, Hòa Phong (huyện Hòa Vang) bị đào, khoét dữ dội hơn để phục vụ việc xây dựng.

Những ngọn đồi, núi Hố Trầu, Hố Bạc (xã Hòa Nhơn) đang bị đào khoét lấy đất đá   -V.Hùng
Những ngọn đồi, núi Hố Trầu, Hố Bạc (xã Hòa Nhơn) đang bị đào khoét lấy đất đá -V.Hùng

 

Nhìn từ quốc lộ 14B, những đồi núi dọc xã Hòa Nhơn, Hòa Phong nham nhở như chiếc áo vá. Việc đào núi, khoét đồi bao năm qua đã lấy đi hàng triệu mét khối đất đá khiến cuộc sống người dân đảo lộn, luôn phải sống trong cảnh ô nhiễm, hiểm nguy rình rập.

Nhà luôn kín cửa

Con đường liên thôn với những nhánh rẽ vào các xóm thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn) ngày cuối tháng 10 không mưa nhưng đầy bùn non nhão nhoẹt. Trên con đường làng rộng chừng 5m vừa được tưới nước để giảm bụi, từng hàng xe ben chở đất đá nặng nề nối đuôi nhau nhích từng mét để nhường đường một chiếc xe ben hướng đối diện.

Không có lối đi cho xe máy, chúng tôi phải tấp vào hiên nhà dân tránh bụi, tránh hiểm nguy từ đoàn xe ben được ví là “hung thần”.

“Dù mưa hay nắng thì con đường ở thôn này không bao giờ khô. Ôtô tải chở đất đá chạy ngày đêm rung chuyển kinh hoàng, đá mới tưới nước trước đó, một tiếng sau đã khô lại, bụi bốc lên mù mịt” - anh Lê Hùng, một người dân, bức xúc.

Anh Hùng than thở đường ở thôn này tập trung rất nhiều xe ben, từ 3g sáng khi giấc ngủ còn sâu là rì rầm tiếng động đến tối mịt, làng xóm chưa có được ngày bình yên, trừ ngày tết. Lượng xe ben chở đất đá đông đảo đã “cày” những con đường làng tan nát.

“Chỉ hai thôn nhỏ này (thôn Phước Thuận, Phước Hậu), hơn sáu năm nay thành phố đã cho phép khai thác đến 12 mỏ đất đá. Các ngọn núi, quả đồi trước đây che chở cho dân làng nay trọc lốc hết. Bão thì gió thốc vào nhà mạnh hơn, mưa lũ thì nước tràn đồng, tràn vào nhà nhiều hơn trước đây” - anh Hùng cho biết.

Chúng tôi bám đuôi theo chiếc xe ben cuối cùng của đoàn xe hơn chục chiếc để vào các mỏ. Trời nắng chang chang nhưng làng xóm bị bụi phủ như sương mù. Nhìn từ xa, cây cối xung quanh đều bạc phếch vì phủ bụi. Đi từ đầu thôn tới cuối xóm không thấy ngôi nhà nào mở cửa, cả làng quê này đều kín cửa để chống chọi với bụi, tiếng ồn.

Ông Trần Trung (tổ 1, thôn Phước Thuận) cho biết đến cây cối còn chết vì bụi phủ trên lá. Trẻ nhỏ không dám cho ra đường vì sợ xe ben, có nhà gửi con về nội ngoại để tránh bụi vì lo sợ bệnh, tai nạn. “Gia đình tôi hiện còn hai vợ chồng ở, đứa con lớn thuê nơi khác sinh sống vì ở đây cứ luôn nơm nớp, sợ hãi. Một số gia đình khác đã phải “di tản” đến chỗ ở mới” - ông Trung nói.

Dù đóng kín cửa, bụi đá vẫn bám đầy nhà ông Trần Trung, thôn Phước Thuận-             V.Hùng
Dù đóng kín cửa, bụi đá vẫn bám đầy nhà ông Trần Trung, thôn Phước Thuận- V.Hùng

 

Nghe nổ mìn đến quen tai

Hơn 12g nhưng các mỏ đất đá vẫn ầm ầm khai thác, xe ben ra vào nườm nượp. Càng vào gần chân núi, góc đồi, tiếng máy nổ khoan đá, tiếng gầm rú của xe múc vang lên át góc trời.

Đứng nói chuyện với bà Võ Thị Duyệt (70 tuổi) ở tổ 3, Phước Thuận, nơi cách công trường khai thác đá cả cây số đường chim bay mà vẫn nghe tiếng ầm ầm phá đá. Trốn vào trong nhà, đóng kín cửa để đỡ tiếng ồn và tránh đá rơi vãi nhưng chúng tôi vẫn nghe tiếng nổ mìn phá đá ầm ầm vang lên từ rừng núi Hố Khế gần đó, kéo dài gần nửa tiếng.

Bà Duyệt cho biết: “Những mỏ đá đó cứ khoan xong lỗ nào lại đặt mìn nổ bất kể trưa chiều, bữa cơm của người dân.

Nhà ai cũng rêm lúc mìn nổ, còn nhà trong bán kính cỡ 400m trở lại thì bị nứt tường, chân tôn giật hết. Nhiều hôm cả nhà đang thiu thiu ngủ thì bị đánh thức bởi những tiếng nổ rền trời, cửa rung bần bật vì hai ba mỏ cùng nổ một lúc.

Do các mỏ đất đá ở trên ngọn núi, quả đồi nên không ít lần đất đá bay vèo vèo xuống khu vực xung quanh. Đôi lúc còn ngửi được mùi thuốc nổ nồng nặc lẫn với bụi bay xuống nhà dân”.

Vòng quanh các khu rừng, đồi núi Trảng Rang, Hố Khế, Hố Trầu, Hố Bạc, Hố Vị, Hố Rái, thay thế cho núi rừng xanh um cây cối trước đây là các mảng đất đá bị đào khoét đến tận chân, rừng loang lổ. Còn những cánh đồng lúa ở thôn Phước Thuận, Phước Hậu từ lâu cũng trong tình trạng đồng khô cỏ cháy.

Ông Lê Văn Tuân, trưởng thôn Phước Thuận, cho biết hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay những hộ dân còn trồng lúa, trồng màu trong số 185 hộ toàn thôn với diện tích khoảng 1ha.

Phần lớn diện tích lúa, cây màu (hoa, đậu, rau) không sống nổi khi những khu rừng, đồi núi bắt đầu bị đào khoét để lấy đất đá phục vụ việc xây dựng tại Đà Nẵng. “Nguồn nước dẫn từ trên núi xuống đã bị các doanh nghiệp đắp bờ ngăn lại lấy nước phục vụ các máy nghiền đá.

Còn mỗi lần trời mưa là nước trên các núi ở Phước Thuận ào ạt đổ xuống, cuốn theo đất đá xuống ruộng gây bồi lấp. Trời nắng thì bụi phủ đầy nên lúa không trổ bông, thành ra ruộng đồng bỏ hoang” - ông Tuân cho biết.

Theo thống kê của ông Tuân, ra vào khu vực thôn có gần 600 xe tải các loại, tính ra mỗi hộ dân phải “sống chung” với hơn ba đầu xe. Mùa cao điểm có hàng nghìn xe tải chạy vào khu vực này. “Nếu không phải vì quê hương, bản quán sống qua nhiều thế hệ, chắc chắn không hộ dân nào chịu sống ở đây” - ông Tuân nói.

Tiếng là cách trung tâm thành phố 10km nhưng kêu bán nhà không ai dám mua. “Dự kiến năm 2017 con đường mới vào các mỏ đất đá sẽ làm xong, hạn chế xe đi vào khu dân cư. nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để giảm lượng xe vào khu dân cư, vì một số tuyến đường nhánh từ mỏ đá đều đi qua nhà dân. Người dân ở đây mong muốn nếu cơ quan thẩm quyền tiếp tục cấp phép khai thác đất đá thì phải di dời dân hoặc ngược lại” - ông Tuân kiến nghị.■

Ông Trần Văn Thu (phó chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn): “Cứ thử vào ở nhà dân một ngày sẽ biết khổ thế nào”

Không những dân bị ảnh hưởng bởi các mỏ đất đá, mà các trạm bêtông trong khu vực cũng góp phần khiến ô nhiễm ở thôn Phước Thuận ngày càng nặng. Nếu tiếp tục để các doanh nghiệp khai thác đá khu vực này thì giải pháp duy nhất là di dời dân. Vừa qua, sau khi nghe kiến nghị của cử tri, ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng - đã đến hiện trường kiểm tra. Thành phố đã làm hết sức, nhưng dân còn ở đó thì không thể nào không bị ảnh hưởng. Hiện công tác kiểm kê, kiểm đếm nhà dân đang thực hiện. Tôi nói mấy ông chủ doanh nghiệp cứ vào ở nhà dân một ngày sẽ biết dân khổ, dân tội thế nào. Anh có tưới nước, che chắn, chạy tới tốc độ 10 km/h thì với lưu lượng xe tải kiểu đó, không đằng nào không gây ra hậu quả cho dân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận