11/06/2019 13:19 GMT+7

Sống...treo - Kỳ cuối: Giúp dân thoát quy hoạch 'treo'

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TTO - Cuối năm 2018, hay tin TP.HCM đồng ý việc xóa "treo" 180 dự án (812ha), người dân sống trong những dự án này mừng vui khôn xiết. Những dự án này lâu nay giậm chân tại chỗ do chủ đầu tư thiếu vốn, không có năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án.

Sống...treo - Kỳ cuối: Giúp dân thoát quy hoạch treo - Ảnh 1.

Ông Đặng Thái Hòa bán tạp hóa trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) vui mừng vì thoát khỏi quy hoạch “treo” - Ảnh: NGUYỆT NHI

Phải đảm bảo nguyện vọng của người dân thì quy hoạch mới bền vững.

Ông Nguyễn Đăng Sơn


Niềm vui được xóa... "treo"

Giữa trung tâm Q.1 đắt đỏ, người dân khu vực tam giác Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Phạm Ngũ Lão (Q.1) lâu nay sống tù túng khi khu đất bị vẽ lên dự án nhưng mỏi mòn không thấy chủ đầu tư thực hiện.

Tin các dự án được xóa "treo" làm người dân nơi khác vui một thì người dân khu vực này vui mười, bởi mỗi mét vuông đất ở đây có giá hàng trăm triệu đồng. Thoát "vòng kim cô" quy hoạch đồng nghĩa với việc họ được cấp giấy chứng nhận; tự do xây dựng, chuyển nhượng đất đai... Những dự định mưu sinh trên khu đất "vàng" cũng dần được người dân manh nha.

Sống trong dự án "treo" suốt hơn 20 năm qua, nhiều lúc vợ chồng ông Dương Anh Tuấn (60 tuổi, nhà số 4 Trần Hưng Đạo, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) rất mệt mỏi, thấp thỏm. Ngôi nhà hai mặt tiền của ông được xây dạng nhà ống nối từ Trần Hưng Đạo ra Phạm Ngũ Lão được đánh giá là vị trí đắc địa bậc nhất tại trung tâm TP, cách chợ Bến Thành vài chục mét. Ông Tuấn đang cho thuê góc diện tích mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, gia đình ông gồm bốn thành viên sống gian nhà phía sau đường Phạm Ngũ Lão.

Ông Tuấn chia sẻ, khi nghe tin khu đất nhà mình không còn quy hoạch nữa thì ai cũng rất vui, như gỡ bỏ bao nặng nhọc, lo lắng trên lưng xuống. Đó là niềm ước ao, mong mỏi của những người dân sống bao lâu nay tại khu phố chỉ cách chợ Bến Thành vài chục mét. Hàng xóm của ông có người bán đất về Q.2 ở, cũng có gia đình vẫn quyết trụ lại mảnh đất gắn bó nhiều thế hệ ở giữa trung tâm TP.

"Đất, nhà của mình nhưng 20 năm nay vợ chồng tôi không thể làm gì với nó. Giờ được gỡ quy hoạch, chắc tôi tính sửa, xây mới nhà khang trang. Dù giá đất trung tâm rất cao nhưng trước mắt gia đình tôi vẫn chưa tính phương án bán mà vẫn sinh sống ở ngôi nhà này vì nó gắn bó gia đình tôi mấy chục năm nay" - ông Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, gia đình ông Đặng Thái Hòa ở số nhà 581 Nguyễn Kiệm (P.3, Q.Gò Vấp) sống trong khu quy hoạch 24 năm, ngôi nhà ở ba thế hệ nhiều lúc muốn sửa tránh gió mưa nhưng vẫn không được. Khi chúng tôi nhắc đến dự án mở rộng đường Nguyễn Kiệm đoạn Nguyễn Thái Sơn đến ngã sáu Gò Vấp được UBND TP.HCM tháo gỡ quy hoạch, ông Hòa và gia đình rất bất ngờ và vui mừng vì không ai biết đến thông tin này.

"Tôi chưa nhận được văn bản chính thức từ chính quyền. Nếu tin này đúng thì đây có lẽ là tin rất vui với gia đình. Bây giờ chúng tôi có thể sửa nhà hoặc xây mới được rồi. Trước đây cứ sợ giải tỏa làm đường nhưng giờ thì vui và không còn lo lắng nữa. Tin này giúp chúng tôi ổn định tâm lý để đầu tư làm ăn" - ông Hòa nói.

Sống...treo - Kỳ cuối: Giúp dân thoát quy hoạch treo - Ảnh 3.

Dân cư khu đất tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) mới thoát khỏi quy hoạch “treo” suốt mấy chục năm qua - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Phải bỏ cách quy hoạch như hiện nay

Chia sẻ câu chuyện làm sao quy hoạch không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, nhiều chuyên gia cho rằng cách làm quy hoạch hiện nay có nhiều bất cập. Quy hoạch cũng đồng nghĩa với "treo" quyền lợi người dân trên những đồ án. 

Ông Nguyễn Đăng Sơn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - cho rằng bản đồ quy hoạch chỉ là dự kiến trong tương lai, muốn thực hiện quy hoạch phải có chiến lược phát triển địa phương.

Theo ông Sơn, các cơ quan tổng hợp, sở ban ngành như Sở Quy hoạch - kiến trúc, Xây dựng, Giao thông vận tải... phải tham mưu cho UBND chiến lược phát triển đô thị. Chiến lược này phải cân đối vốn nhà nước và tư nhân, cân đối giữa phát triển kinh tế với hạ tầng, kể cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; và cân đối phân bổ dân cư. Tổ tư vấn phải có quy hoạch phát triển được hằng năm, không thì ít nhất phải 5 năm.

Ông Nguyễn Đăng Sơn đề nghị các cơ quan tham mưu tổng hợp phải có trách nhiệm xóa đi quy hoạch "treo". "Anh không có tiền mà muốn quy hoạch, rồi để người dân chờ, chờ biết khi nào? Quy hoạch chỉ là nền tảng để đưa ra chiến lược phát triển, phải đảm bảo nguyện vọng của người dân thì quy hoạch mới bền vững" - ông Sơn cho biết.

Còn chuyên gia KTS Nguyễn Ngọc Dũng (TP.HCM) dẫn chứng cách thế giới làm quy hoạch để so sánh. Theo ông, trên thế giới người ta không lập quy hoạch tỉ lệ, lý ra nước ta nên bỏ quy hoạch tỉ lệ từ lâu. Cái quan trọng nhất của quy hoạch không phải làm theo tỉ lệ mà là sự đồng thuận giữa chính quyền, nhà đầu tư, người dân. Thế giới làm quy hoạch rất đơn giản, chỉ lập vài bản đồ làm quy hoạch thôi chứ không ai làm quy hoạch tỉ lệ cả.

KTS Dũng cho biết trên thế giới quy hoạch dựa trên bốn bản đồ, trong đó có một bản đồ tích hợp (tổng hợp) quản lý kinh tế, hạ tầng, cây xanh, phúc lợi xã hội... Sau đó họ dựa vào bản đồ này để quản lý sử dụng đất với hai loại đất công và đất tư. Đất công là đất dành cho giao thông, bến cảng, sân bay, công viên...; còn lại là đất tư. Kèm theo đó là bản đồ phân khu chức năng. Đây là bản đồ quy hoạch rõ ràng phân ra khu công cộng, dân cư, đường sá...

"Với cách làm quy hoạch đó, nhà nước quản lý rất dễ dàng, không có việc móc nối nhà đầu tư và chính quyền để thay đổi quy hoạch. Tất cả người dân bị ảnh hưởng từ dự án quy hoạch sẽ được thỏa thuận để đền bù. Mỗi đồ án quy hoạch được luật pháp công nhận đã có sự đồng thuận giữa người dân, chính quyền và chủ đầu tư" - ông Dũng nói.

Sống...treo - Kỳ cuối: Giúp dân thoát quy hoạch treo - Ảnh 4.

Người dân khu Mả Lạng (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) sống trong cảnh quy hoạch “treo” mấy chục năm qua - Ảnh: P.TUẦN

Các nước không như ta

Ở các nước, các đồ án quy hoạch luôn được pháp luật bảo hộ, không có sự giải tỏa như ở nước ta. Nếu đất công thì nhà nước phải tái định cư. Nếu tư nhân thì phải thỏa thuận mua bán. Trong đó, tất cả quyền lợi của người dân được bảo đảm.

Một dự án khả thi thì phải có đồ án quy hoạch cụ thể. Phải quy hoạch từng vùng. Khi đó nhà nước không cần bỏ tiền ra làm hạ tầng, mà sẽ kêu gọi công ty cổ phần làm điều đó.

Sống treo - Kỳ 1: Mỏi mòn ở Thanh Đa

TTO - Với cách làm quy hoạch như hiện nay, rất nhiều phận người sống bấp bênh, lay lắt trên mảnh đất của chính mình...

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên