10/06/2019 11:18 GMT+7

Sống treo - Kỳ 3: Nỗi khổ của người dân

TIẾN LONG - TRẦN MAI
TIẾN LONG - TRẦN MAI

TTO - Ở khu quy hoạch ga Bình Triệu (Q.Thủ Đức, TP.HCM), người dân đang chờ đợi để thôi những "đêm dài" sống treo. Cách đó không xa, người dân phường Linh Xuân (Q.Thủ Đức) cũng chờ công viên quy hoạch treo hơn 15 năm qua...

Sống treo - Kỳ 3: Nỗi khổ của người dân - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở khu quy hoạch ga Bình Triệu (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn làm nông nghiệp trong khi chờ ngày dự án thực hiện - Ảnh: TRẦN MAI

Năm 2003 bắt đầu quy hoạch, không biết khi tui qua đời còn quy hoạch không, hay rồi tới đời con tui cũng bị quy hoạch chụp đầu.

Ông Trương Quang Tâm (56 tuổi) nhớ về một thời ga Bình Triệu là ga chính của Sài Gòn, tàu về là dừng lại ở đây thay vì ga Hòa Hưng như bây giờ. Nhưng đó đã là 20 năm về trước. Khoảng năm 1995 tàu không dừng ở đây nữa.

Bao giờ tàu lại về ga

"16 năm rồi chờ mà chẳng thấy làm ga, dù đã có quy hoạch lấy Bình Triệu làm ga chính thay ga Hòa Hưng. Dân cứ sống thấp thỏm mong dự án ga làm nhanh để chúng tôi được di dời đến nơi ở mới ổn định hơn".

Nhiều lần thấy các đơn vị về đo đạc, cắm mốc, ông Tâm lại ngồi dưới gốc cây bàng mừng thầm nhưng rồi cứ bị hụt hẫng. quá lâu vô tình biến nơi này trở thành xóm trọ. Nhà trọ lụp xụp có ở khắp nơi, người thuê chủ yếu là dân lao động và sinh viên.

Chủ đất là những người sống lâu năm ở đây, dính quy hoạch quá lâu không bán đất được, không đến nơi ở mới được, không thể chia cho con cháu hay dựng nhà kiên cố nên họ đành dựng tạm trên phần đất của mình những phòng trọ để mưu sinh.

Ông Quang, tổ trưởng tổ 39 (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh), cho biết có nhiều hộ dân lúc trước ở các phường của quận Bình Thạnh, sau khi giải tỏa kênh Nhiêu Lộc, có tiền đền bù nhưng không đủ mua đất trung tâm nên dạt ra đây mua nhà, mua đất giấy tay. Giờ dính quy hoạch kéo dài nên đành chịu đựng.

Theo ông Quang, đa số người dân ai cũng bức xúc. Dính quy hoạch kéo theo nhiều cái khổ. Vậy nên việc người dân xin xây trọ như giải pháp tạm thời tình thế để tìm kế sinh nhai. Treo rồi thì có làm gì được đâu, cất được vài ba phòng trọ tháng cũng kiếm được ít triệu đồng.

"Cực nhất là việc người dân có con lớn xin chuyển mục đích đất để chia tách cho con xây nhà nhưng không được, hộ khẩu chuyển về đây cũng không được" - ông Quang cho biết.

Sống treo - Kỳ 3: Nỗi khổ của người dân - Ảnh 3.

Ông Trương Quang Tâm (56 tuổi) giải bày về quãng thời gian gần 20 năm sống trong khu quy hoạch làm nhà ga Bình Triệu - Ảnh: TIẾN LONG

Khổ vì quy hoạch treo

Tương tự như người dân sống ở khu ga Bình Triệu là câu chuyện của những người dân dính dự án công viên cây xanh "treo lơ lửng" nhiều năm nay tại phường Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Ông Xuyên, một người dân ở Linh Xuân, kể gia đình ông mua mảnh đất rộng hơn 2.000m2 năm 2011. Tiền mua mảnh đất là tích cóp cả một thời quần quật làm

lụng đến quên cả chuyện lập gia đình của ông. Hơn 40 tuổi, ông mới yên bề gia thất. Khi về đây ở ông Xuyên tá hỏa khi biết khu đất này thuộc quy hoạch công viên cây xanh.

Dù ông tìm đủ cách để làm ăn trên phần đất của mình như xin mở cơ sở trồng nấm, mở trung tâm thể hình và mới nhất là kinh doanh container cũ có bánh xe để cho thuê làm nơi chứa đồ, tất cả đều không được chính quyền chấp thuận.

"Trong thời gian chờ đợi dự án thì người dân cũng cần phải sống chứ, cần thu nhập để nuôi con cái. Thử nghĩ coi nếu Nhà nước đồng tình với phương án làm trang trại nấm thì có phải sáu năm qua gia đình tôi đã không khốn khổ như hiện nay, còn Nhà nước thu được thuế, hai bên đều có lợi" - ông Xuyên nói một cách tiếc nuối.

Còn ông Tư Tròn, 77 tuổi, sống ở đây tự bao đời với khu đất rộng 1,4ha mua từ năm 1960. Ông tuân thủ lệnh quy hoạch, không bán buôn gì, chỉ trồng cỏ nuôi bò giữ đất.

"Bao đời chủ tịch lên rồi xuống, quy hoạch vẫn còn nằm im lìm trên giấy. Năm 2003 bắt đầu quy hoạch, không biết khi tui qua đời còn quy hoạch không, hay rồi tới đời con tui cũng bị quy hoạch chụp đầu.

Khổ truyền kiếp đời này qua đời khác. Chỉ mong Nhà nước có hướng làm gì thì làm đi, bồi thường cho dân đi. Không thì dỡ bỏ quy hoạch cho dân còn tính toán làm ăn" - ông Tư Tròn nói.

Lời ông Tư Tròn cũng là mong mỏi của những người sống trong vùng quy hoạch treo khắp thành phố này.

2016-2020: 4.800 dự án quy hoạch

bai4_tangiacmo 1 (1) 3(read-only)

Khu đất của ông Tư Tròn mua từ năm 1960 đến nay vẫn chỉ có cỏ hoang, giấc mơ xây cất căn nhà đàng hoàng cho con cái của ông vẫn xa vời vì quy hoạch treo - Ảnh: TRẦN MAI

Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, TP.HCM có trên 4.800 dự án đưa vào quy hoạch tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo quy định, hằng năm phải lập kế hoạch sử dụng đất, tức trong số 4.800 dự án, dự án nào qua kiểm soát đủ điều kiện về vốn, năng lực chủ đầu tư... sẽ đưa vào kế hoạch sử dụng đất của năm đó để triển khai. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ ba năm nay nhưng chủ đầu tư không triển khai.

Cụ thể từ năm 2010 - 2018, TP đã rà soát 4.082 dự án và đến nay đã thu hồi, xử lý 717 dự án chậm triển khai. Trong đó, giai đoạn từ năm 2010 - 2015 TP rà soát hơn 1.200 dự án thì thu hồi hơn 537 dự án. Giai đoạn từ 2015 - 2018 rà soát 2.882 dự án, trong đó thu hồi 180 dự án không thực hiện.

Hiện TP.HCM đang tiếp tục rà soát các dự án để xử lý theo hướng những dự án chậm tiến độ nhưng có tính khả thi, phù hợp quy hoạch, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống. Xem xét điều chỉnh và chỉ gia hạn một lần cho những dự án không còn phù hợp quy hoạch.

Riêng những dự án chủ đầu tư không có khả năng thực hiện, TP kiên quyết thu hồi quyết định giao đất, văn bản thỏa thuận địa điểm và các chủ trương khác có liên quan để kêu gọi đầu tư theo quy định và quy hoạch được duyệt.

Kỳ tới: Giải pháp nào giúp dân?

TIẾN LONG - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên