09/06/2019 10:22 GMT+7

Sống treo - Kỳ 2: 300m và hai thế giới đối lập

TIẾN LONG - TRẦN MAI
TIẾN LONG - TRẦN MAI

TTO - Chỉ cách nhau có chừng ấy thôi nhưng cuộc sống của hai phía đối lập hoàn toàn. Tấm biển thông báo đã "nhốt" sự phát triển của người dân ở phía bên trong buộc họ phải chờ quy hoạch. Và chờ đến bao giờ thì không ai biết...

Sống treo - Kỳ 2: 300m và hai thế giới đối lập - Ảnh 1.

Tấm biển thông báo làm đảo TIẾN LONG - TRẦN MAI lộn cuộc sống của người dân nằm trong diện quy hoạch xã Hưng Long, huyện Bình Chánh - Ảnh: TRẦN MAI

Chúng tôi chẳng khác nào bị bỏ rơi. Chúng tôi cũng cần sống chứ.

Bà NGUYỄN THỊ BẠCH MAI

Nếu theo bản vẽ quy hoạch, ấp 1, 5 và 6 (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã là một làng đại học khang trang, rộng gần 600ha từ hơn chục năm về trước. Thực tế sau chừng ấy thời gian, nơi đây vẫn là ruộng lúa, nhà cửa xập xệ, đường sá lồi lõm và những phận người bất lực trước quy hoạch.

Ngay ngã ba đường liên ấp, chính quyền xã Hưng Long dựng lên tấm biển thông báo đỏ chói với nội dung đủ để mọi người hiểu đây là vùng quy hoạch: "Thông báo: Nghiêm cấm mọi hành vi phân lô đất, san lấp, xây dựng công trình nhà ở khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật". 

Tấm biển vô tri dựng ngay ngã ba ấy đủ sức làm đảo lộn cuộc sống của người dân nằm trong diện quy hoạch làng đại học.

Giữa hai... thế giới

Nếu lấy ngã ba có tấm biển ấy làm mốc lộ giới, rẽ về hướng trung tâm thành phố là những con đường nhựa phẳng lì, nhà cửa mọc lên, phố thị hiện ra. Rẽ về hướng có quy hoạch thì con đường như vừa trải qua một trận bom được sửa tạm thời sau chiến cuộc, nhà cửa thưa thớt nhỏ bé, nghèo khó. Và một con kênh mà nước đen ngòm vô tình trở thành mốc lộ giới quy hoạch để người dân phân định dù có vài chỗ quy hoạch "lẹm" qua bên kia kênh.

Người dân ở đây biết quy hoạch nhưng chẳng ai biết chính xác vị trí cụ thể. Ông Nguyễn Văn Sanh (Tư Sanh, 63 tuổi) là người hiếm hoi ở đây biết rõ quy hoạch. Ông chỉ cánh đồng rộng thênh thang vây quanh là những mái nhà, bảo rằng tính từ đường liên ấp lùi vào 300m là bắt đầu có quy hoạch. 

Chỉ cách nhau có chừng ấy thôi nhưng cuộc sống của hai phía đối lập hoàn toàn, cũng là hàng xóm với nhau mà 300m phía ngoài, buổi chiều tiếng nhạc vang lên, người dân tụm lại chuyện trò, chẳng có lấy một nỗi lo. Còn phía trong 300m ấy, cũng vào buổi chiều mà có biết bao nhiêu người ngồi bó gối trước hiên nhà, họ nào có đủ an yên trong tâm trí để mà nghỉ ngơi vui vẻ? 

Tấm biển thông báo đã "nhốt" sự phát triển của người dân ở phía bên trong buộc họ phải chờ quy hoạch. Và chờ đến bao giờ thì không ai biết. "Ai đó làm ơn nói cho chúng tôi biết cụ thể ngày tháng nào khởi động dự án để chúng tôi thoát khỏi cảnh này đi chứ!" - người dân ở đây nói vậy.

Ông Tư Sanh chia sẻ: "Tôi ở đây từ sau giải phóng đến giờ cũng như là thổ địa, tôi thấy thành phố mình phát triển sôi động nhưng ở đây không phát triển gì hết. Người dân lúc nào cũng mơ hồ, nửa tin nửa ngờ, chẳng biết có đi hay không đi. Cất nhà cũng không được. Muốn làm cái gì đó đặng mần ăn lâu dài cũng không được. Nói chung là rất khổ, dẫn đến bức xúc của bà con".

Tổ 104 nơi ông Tư Sanh được tín nhiệm làm tổ trưởng cũng chỉ mình ông chịu khó đi dự họp quy hoạch rồi về phổ biến lại cho dân. Cuộc họp gần nhất mà ông tham dự cách đây đã bốn tháng. Những phổ biến của ông cho bà con cũng lặp đi lặp lại như nhau: "Không xây nhà, không buôn bán đất, chờ đợi cơ quan có thẩm quyền quyết định".

"Tôi cũng chỉ biết vậy, còn nghe loáng thoáng thì đến năm 2020 thành phố sẽ quyết định giữ hay bỏ quy hoạch làng đại học này. Cũng chỉ biết động viên bà con chờ mười mấy năm còn được, giờ thêm năm nữa thì cố ráng. Chứ làm ẩu cất nhà lên rồi bị đập thì khổ thân hơn" - ông Tư Sanh phân trần.

Sống treo - Kỳ 2: 300m và hai thế giới đối lập - Ảnh 3.

Có 1.000m2 đất nhưng bà Nguyễn Thị Bạch Mai và các con phải sống trong những căn nhà tôn tạm bợ, xập xệ - Ảnh: TIẾN LONG

Mong sự "thay da đổi thịt"

Làng đại học chưa biết bao giờ mới lộ diện hình hài, còn người dân ở đây đa phần là dân cố cựu trăm năm. Đất đai phần lớn là hương hỏa bao đời để lại. Điều tồn tại trăm năm không "thắng" được bản vẽ quy hoạch. 

Ở Hưng Long, người dân cũng mong sự thay da đổi thịt của vùng đất này, quy hoạch họ không phản đối, nhưng treo lơ lửng quả thật là cực hình. Ai cũng có cả nghìn mét đất... chờ. Họ cũng cần sống, cần những nhu cầu thiết yếu của con người mà đất đai có thể mang lại cho họ nếu không bị quy hoạch.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai (66 tuổi) sống ở đây từ trước năm 1975, sinh đến bảy người con. Bà từng chẳng lo lắng gì về chỗ ở cho đàn con, bởi ngôi nhà hiện tại của bà rộng đến 300m2, cạnh đó còn 1.000m2 đất nữa. Vậy mà bây giờ bà Mai đứng trước bao nỗi lo lắng cho người con thứ bảy.

Trên phần đất 1.000m2 ấy, năm căn nhà được dựng từ năm 2001, thế là những người con yên ổn sống. Chỉ có người con gái thứ bảy làm y tá ở một bệnh viện, chồng làm "thợ đụng", cuộc sống quá khó khăn, không đủ sức chi trả tiền thuê nhà. Hai người anh thương tình nhường ít đất cho em dựng nhà. Vậy mà khi gửi đơn, lập tức bị UBND xã Hưng Long từ chối.

Nỗi lòng của người mẹ thêm nặng bởi ngôi nhà rộng 300m2 làm từ năm 1976 đã rệu rã, toàn bộ nhà trên và nhà ngang đã hư hỏng, phải chống đỡ tạm giữ phần mái khỏi đổ sụp. Công năng sử dụng chỉ còn phần nhà bếp rộng chừng 40m2. Ngôi nhà không thể sửa chữa được nữa. Muốn ở chỉ có thể xây mới. Không ai cho phép nên bà sống tạm dưới bếp và chờ ngày được "cởi trói".

Buổi chiều, nắng đổ vàng trên cánh đồng, bà Mai dẫn chúng tôi qua xem căn nhà bà xây "liều" cho con gái. Ngôi nhà xây lên ba hàng gạch, không đổ móng, vách tôn ngăn đủ một phòng khách, phòng bếp, không phòng vệ sinh. Tổng chi phí 25 triệu đồng. Vậy mà con gái vẫn chưa dám về ở bởi sợ chính quyền đến tháo dỡ nửa chừng.

Nhìn về hướng phố phường sầm uất cách đó vài trăm mét, bà Mai ước một ngày được phép xây dựng nhà cửa kiên cố trên mảnh đất của mình. Chắc đó là lúc xóa đi quy hoạch ngự trị mười mấy năm qua, hoặc làng đại học thành hình và người dân được tái định cư ở một nơi ở mới...

Sống treo - Kỳ 2: 300m và hai thế giới đối lập - Ảnh 4.

Ông Tư Sanh (trái) kể khổ với PV Tuổi Trẻ - Ảnh: TIẾN LONG

"Chúng tôi cần sống"

Ở cái tuổi bà Mai, chẳng còn điều gì trên đời khiến bà phải trăn trở ngoài con cháu. Đời bà khổ nhiều rồi, bà chẳng muốn con cái rơi vào vòng luẩn quẩn. Vậy mà hiện tại cuộc sống trầy trật vì quy hoạch trong khi thành phố phát triển nhanh. "Chúng tôi chẳng khác nào bị bỏ rơi. Chúng tôi cũng cần sống chứ" - bà Mai cay đắng.

____________________________

Kỳ tới: Nỗi khổ của người dân

Sống treo - Kỳ 1: Mỏi mòn ở Thanh Đa

TTO - Với cách làm quy hoạch như hiện nay, rất nhiều phận người sống bấp bênh, lay lắt trên mảnh đất của chính mình...


TIẾN LONG - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên