Theo tiêu chí thống kê về nhà ở của Tổng cục Thống kê, những người sống trên lồng bè nuôi cá như thế này cũng được công nhận là có nhà ở - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuổi Trẻ trao đổi với các chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị, người dân xung quanh vấn đề này.
* Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh - Trưởng phòng Thống kê dân số - văn xã, Cục Thống kê TP.HCM:
Thống kê hộ "có nhà ở" không dựa trên chủ quyền căn nhà
Theo định nghĩa, khái niệm sử dụng trong thống kê, nơi ở là nơi con người dùng để ở (ăn, ngủ, sinh hoạt). Đó có thể là một ngôi nhà/căn hộ nhưng cũng có thể là những nơi không phải là ngôi nhà/căn hộ nhưng được cải tạo hoặc thu xếp để làm nơi cư trú, hoặc là nơi được sử dụng làm nơi cư trú mặc dù thực sự nó không được dự định để làm nơi cư trú, như: toa xe, toa tàu, gầm cầu...
Hộ được xác định là có nhà ở nếu hộ ở trong một công trình xây dựng gồm có 3 bộ phận: tường, mái và sàn và được dùng làm nơi ở cho 1 hoặc nhiều hộ. Thống kê về hộ có nhà ở không dựa trên tình trạng sở hữu nhà, chủ quyền nhà. Những người sống ở nhà trọ, những người ở nhờ nhà cha mẹ, người thân... vẫn tính là có nhà ở.
Nhà ở có thể là 1 ngôi nhà, căn hộ, phòng ở cũng có thể là gầm cầu thang, toa xe... nếu đáp ứng được đủ điều kiện sàn, mái, tường thì được xác định là có nhà ở.
Trường hợp không đáp ứng điều kiện trên sẽ xác định là hộ không có nhà ở. Trường hợp hộ sống dưới gầm cầu thang mà che chắn đủ 3 bộ phận, có lối đi riêng... thì vẫn tính là có nhà ở.
Các khái niệm, định nghĩa về nhà ở, nơi ở trong cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở kỳ này do Bộ Xây dựng thống nhất với Tổng cục Thống kê xác định. Tất cả các định nghĩa, khái niệm, thời gian... của tổng điều tra nhằm thu thập thông tin thống nhất trên phạm vi cả nước chứ không riêng trên địa bàn TP. Kết quả thống kê dựa trên lời khai của người dân kết hợp với quan sát thực tế của điều tra viên.
* Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn - Chuyên gia hành chính:
Có "độ vênh" trong khái niệm của ngành thống kê với quan niệm thông thường
Những số liệu về nhà ở vừa được công bố sau cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tại TP.HCM có thể đã gây bất ngờ với nhiều người. Tôi cho rằng nguyên nhân do có "độ vênh" giữa khái niệm, tiêu chuẩn của ngành thống kê với suy nghĩ, quan niệm thông thường trong xã hội. Nếu nhìn ở góc độ chuyên môn của ngành thống kê thì hoàn toàn có thể chia sẻ vì đó thuộc về chuyên môn sâu.
Việc xây dựng các tiêu chí, quy chuẩn về mặt kỹ thuật trong thống kê phần lớn dựa trên các nguyên tắc của điều tra xã hội học. Điều này lý giải tại sao đa phần dư luận khó tránh khỏi những băn khoăn, nghi ngờ, bởi hai bên đang đứng ở góc nhìn khác nhau, đặc biệt về mặt câu từ, ngữ nghĩa, khái niệm.
Tuy nhiên, ngành thống kê cũng nên nghiên cứu, xem xét liệu có cần điều chỉnh tiêu chí để sát với thực tiễn, cập nhật kịp thời quá trình thay đổi của đời sống xã hội hay không?
Nói đơn giản là khi đời sống ngày một khấm khá, nhu cầu con người cao lên thì tiêu chuẩn về nơi ăn chốn ở cũng theo đó mà nâng cấp hơn. Nếu cứ lấy tiêu chuẩn thống kê có từ rất lâu rồi đem khảo sát thì không phản ánh hết thực tiễn sinh động của cuộc sống. Kết quả thống kê khó trở thành chất liệu chuẩn xác để hoạch định các chính sách phù hợp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
* Tiến sĩ Đinh Công Tịnh - Trưởng bộ môn Quản lý xây dựng, Đại học Kiến trúc TP.HCM:
Phải có chuẩn nhà ở
Với cách nhìn nhận chỉ cần chỗ tránh mưa nắng tạm thời, hay rúc dưới gầm cầu, cầu thang chung cư... vẫn xem là có nhà ở là chưa ổn.
Trước đây, chúng ta chưa có khái niệm, định nghĩa rõ ràng như thế nào là chuẩn nhà ở, đó là nhà ở tạm thời chứ chưa nói là chuẩn nhà ở của người dân. Đến Luật Nhà ở năm 2014 có nêu khái niệm "nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân".
Ngoài khái niệm đó ra thì chúng ta chưa có tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng để phân loại công trình nào là nhà ở. Đó cũng là lý do có sự nhập nhằng giữa việc cơ quan thống kê phân loại có và không có nhà ở. Tôi cho rằng bài toán thu thập dữ liệu thống kê như vậy chưa hợp lý, chưa sát thực.
Theo tôi, một nơi ở để có thể gọi là nhà ở tối thiểu phải đảm bảo 3 điều kiện: không bị tác động tối thiểu của môi trường, thời tiết (che mưa, nắng); có không gian riêng biệt để tổ chức sinh hoạt; có điều kiện tối thiểu về hạ tầng (điện, nước).
* Bà Đinh Xuân Lan - Quận 7, TP.HCM:
"Nhà" trong tâm thức người Việt là nơi ở tươm tất, không tạm bợ
Để đánh giá mức độ ổn định, thành công của một con người, thông thường chúng ta hay căn cứ vào các mốc: học hành thành tài, lấy được vợ (chồng), sinh được con, làm được nhà.
Nói như vậy để thấy "nhà" trong quan niệm của nhiều người là một công trình có ý nghĩa quan trọng, phải là nơi tươm tất, đàng hoàng, không tạm bợ. Tiêu chí một công trình gồm 3 bộ phận: sàn, mái, tường và "được dùng để ở" như ngành thống kê xác định là "nhà ở" thì tôi cho rằng chỉ nên gọi là chỗ ở.
Để được gọi là nhà thì tôi nghĩ cần đáp ứng tiêu chí cao hơn: diện tích tối thiểu bao nhiêu, mức độ kiên cố, chịu lực, chống chịu mưa gió như thế nào... Khi đó, giả sử khi thống kê được toàn TP có trên 99% người có "nhà ở" thì chúng ta mới có thể vui mừng, vì thực tế số người có nhà cửa đàng hoàng đã chiếm đa số.
Vừa rồi, lãnh đạo Cục Thống kê TP có cho biết những số liệu công bố chỉ là kết quả sơ bộ ban đầu. Hi vọng khi công bố chính thức, ngành thống kê sẽ chỉ rõ trong số 99,3% hộ dân TP sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố, thì có bao nhiêu phần trăm nhà kiên cố, bao nhiêu phần trăm bán kiên cố.
Ngoài ra, bao nhiêu hộ có nhà thiếu kiên cố, bao nhiêu hộ có nhà rất đơn sơ, bao nhiêu người hiện chỉ mới dừng lại ở mức độ có nơi ở là gầm cầu, toa xe, toa tàu... Có phân tích chi tiết như vậy, bức tranh về nhà ở đô thị mới rõ ràng, người làm chính sách mới có căn cứ để hoạch định đúng chính sách phát triển nhà ở cho người dân TP.
* Ông Ngô Anh Vũ - Phó giám đốc Viện quy hoạch xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP:
Nhà ở phải bảo đảm điều kiện sống
Tôi thấy ngạc nhiên với con số thống kê chỉ có 39 hộ không có nhà ở tại TP.HCM. Chỉ riêng cầu Ông Lãnh hằng ngày tôi đi qua vào buổi tối đã thấy 4-5 người ngồi, nằm ở đó. Những người lang thang ngủ ở cầu, trên đường trước nhà dân... cả TP này sẽ là bao nhiêu. Dù TP.HCM có kinh tế - xã hội phát triển hàng đầu cả nước thì con số chỉ có 39 hộ không có nhà ở cũng khó thuyết phục.
Nếu thống kê xem những người nguyên gốc là có nhà ở, có tên trong hộ gia đình (nhưng ra ở lang thang vì nguyên do nào đó) vẫn được tính là có nhà ở thì họ đã thống kê phủ hết hay chưa? Nếu chỉ căn cứ số liệu nhân khẩu theo hộ mà không thống kê phủ hết những người lang thang thì con số thống kê đưa ra liệu có sát thực tế?
Theo tôi, phải có tiêu chí nhà ở như thế nào là phù hợp. Phải có tiêu chuẩn diện tích nhà ở trên nhân khẩu. Đơn vị nhà ở phải đủ chuẩn, phải đạt mức sống tối thiểu, phải có chuẩn về không gian sinh hoạt, phải có dịch vụ điện nước...
Vì vậy, tôi cho rằng tiêu chí chọn để thống kê là chưa hợp lý. Theo tôi, nên thống kê số liệu những hộ có nhà ở đạt chuẩn là bao nhiêu, còn lại là bao nhiêu để tính toán các bài toán quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn. Chứ số liệu lấy những người sống tạm bợ vẫn được xem là có nhà ở để đưa vào quy hoạch thì chưa ổn, tính toán sẽ khó sát thực.
Nhà ở phải có 4 đặc điểm cơ bản
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một đơn vị nhà ở là một nơi ở tách biệt và độc lập vốn được dùng để cư trú bởi một hộ gia đình. Hoặc đó cũng là một nơi vốn không được dùng để cư trú nhưng lại được sử dụng như các khu sinh sống bởi một hộ nào đó vào thời điểm điều tra dân số. Đơn vị nhà ở có thể là nơi đang được sử dụng, nơi đang bị bỏ trống, hoặc di động.
Trong khi đó, theo Văn phòng thống kê Liên Hiệp Quốc (UNSD), một nhà ở truyền thống cần có 4 đặc điểm cơ bản. Thứ nhất, nó gồm một phòng hoặc dãy phòng. Thứ hai, nó tọa lạc tại một tòa nhà cố định vĩnh viễn. Thứ ba, nó có khả năng tiếp cận một con đường hoặc một không gian chung. Cuối cùng, nó được xây để một hộ gia đình cư trú.
BÌNH AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận