Hai người vợ dìu hai ông chồng say khướt trở về nhà từ chợ phiên Đồng Văn - Ảnh: NGỌC HIỂN |
“Người Mông là vậy, sống trên đá, nằm trên đá, chết trên đá, uống rượu ngô trồng trên đá. Đến chợ là để cho rượu ngô nó dẫn về nhà! |
Cụ THÀI PÀ NO (nhà ở Lũng Táo) |
Chen chân giữa đông đúc người mua kẻ bán, bỗng “Bịch!...” - một người đàn ông mặc áo đen ngã nhào xuống đất ngay trước mặt chúng tôi sau mấy bước tréo chân loạng choạng.
Khi chúng tôi đề nghị mấy người đàn ông đang ngồi uống rượu gần đó đỡ người ngã vào mái hiên đình chợ, bà lão bán rượu cạnh đó khoác tay: “Kệ nó, chờ lúc tỉnh nó tự dậy đi về nhà thôi!”.
Chồng nhậu vợ chờ
Cả khu đình chợ thơm nồng mùi rượu ngô, cả trăm người đàn ông ngồi quanh mấy dãy bàn rượu rôm rả nâng chén trong cảnh bán buôn đã vãn. Nhiều phụ nữ mặc váy áo sặc sỡ vẫn bình thản tựa lưng chờ chồng tàn cuộc nhậu.
“Uống một chén đi” - Lào Chống Ngô (37 tuổi) níu lấy tay tôi đưa chén rượu đầy, miệng cười tươi phà hơi men nồng nặc. Vừa cạn chén cay nồng cả cuống họng, Ngô lại rót thêm chén mới mời năm “bạn nhậu” trong bàn cụng ly, đánh ực.
Vây quanh Ngô là hàng chục bàn nhậu xôm tụ ngồi kín cả khu đình khiến cho bất kỳ ai vào chợ dù chưa chiêu ngụm rượu nào cũng đã thấy lâng lâng.
“Người Mông mình gặp nhau là phải làm chén rượu đấy” - Ngô vừa nói vừa nâng chén mời cả bàn cụng với chúng tôi. Kế bên Ngô, một cậu bé và hai người phụ nữ tựa cột đình, miệng luôn mỉm cười dõi theo bàn nhậu. Thì ra đó là mẹ, vợ và con trai của Ngô đang ngồi chờ... cha nhậu.
Buổi chợ này, Ngô chẳng bán buôn gì mà chỉ xuống chợ tìm bạn uống rượu cho “vui cái bụng”. Ngô uống đến chén thứ bảy nhưng cả gia đình vẫn vui vẻ chờ dù khuôn mặt đen giòn của Ngô đã chuyển sang đỏ phừng phừng.
“Mình phải chờ nó uống xong đã chứ, nó về mình mới được về, nó còn ở lại mình còn ngồi chờ” - chị Vừ Thị Chơ, vợ Ngô, nói thế.
Cũng trong bàn rượu, chị Lù Thị Dính (43 tuổi) điềm tĩnh chờ chồng Vừ Xía Cáo với khuôn mặt rượu đỏ như mặt trời. Chồng chị Dính quanh năm phải chăn dê, chăn bò và quần quật trên nương ngô nên xuống chợ là chị phải để cho chồng vui với bạn bè bên chén rượu.
“Có rượu, có bạn bè, chồng mình mới vui được” - chị Dính nói.
Trong sự lâng lâng của rượu ngô, chúng tôi men theo con đường nhựa dẫn lên đỉnh núi, nơi tụ tập rất đông người và gia súc trải dài mấy trăm mét. Dù không để bảng hiệu như ở “chợ bò Mèo Vạc” nhưng người ta vẫn gọi đây là “chợ bò Sà Phìn”, là nơi buôn bán gia súc của người dân các xã gần đó.
Tại đây có nhiều nhóm đàn ông tụm năm tụm ba uống rượu chuyện trò rôm rả với nhau, sau lưng luôn là người phụ nữ của họ. Thấy chúng tôi giơ máy hình lên, mấy người đàn ông cầm chén rượu đon đả: “Uống bát đã rồi chụp!”.
Một người đàn ông say mèm, nằm ngay giữa khu đình chợ Sà Phìn - Ảnh: NGỌC HIỂN |
Say vợ dìu về
Quá trưa, chúng tôi bắt gặp hai người đàn ông như “hai cọng bún” liêu xiêu trở về nhà. Hai người phụ nữ đi bên họ dù nặng nhọc dìu chồng nhưng vẫn nở những nụ cười điềm tĩnh.
“Quen rồi, chồng say thì mình phải dìu về thôi” - chị Lỳ Thị Tính nói với chúng tôi khi vừa bước ra khỏi chợ. Hai người chồng dù đôi mắt lim dim, chân nam đá chân chiêu nhưng cứ vài bước lại ngẩng mặt lên, vùng vằng khỏi tay vợ như thể còn quyến luyến chén rượu trong buổi chợ.
Kinh nghiệm 20 năm trời bán rượu ở chợ Sà Phìn, bà Sèo Thị Mỹ cho biết cảnh đó là bình thường: “Nó không dìu về thì chồng nó cũng lăn ra đây ngủ thôi, rồi nó cũng phải chờ chồng tỉnh để dìu về thôi mà!”.
Gọi là quán rượu nhưng bà Mỹ chỉ mang đến chợ một cái bàn gỗ, bốn cái ghế dài và 10 lít rượu ngô. Mỗi phiên chợ bà Mỹ bán được 6-7 lít rượu, cũng có phiên khách đến đông, la cà đến chiều thì bà bán sạch cả 10 lít.
Suốt 20 năm qua, bà Mỹ cho biết câu chuyện trên bàn nhậu vẫn xoay quanh mấy câu hỏi: Làm hết nương chưa? Vợ đẻ mấy đứa con? Nhà có ai ốm đau không? Dê nuôi được bao nhiêu con? Bò được bao nhiêu con?...
Theo bà Mỹ, đàn ông xuống chợ gặp bạn là phải uống rượu, bên chén rượu những lời hỏi han thân tình.
“Chúng nó đi làm rẫy, cách nhau cả mấy ngọn núi ngày thường chẳng gặp nhau được đâu. Xuống chợ gặp bạn bè chúng nó vui lắm, mà đàn ông Mông vui là phải uống rượu thôi, say thì có vợ dìu về rồi” - bà Mỹ nói.
Trên khắp các chợ phiên ở cao nguyên đá Đồng Văn, từ Khâu Vai, Nậm Ban, Niêm Sơn, Xín Cái, Sơn Vĩ... thuộc huyện Mèo Vạc, cho đến Lũng Phìn, Sủng là, Phố Cáo, Phố Bản... của huyện Đồng Văn đều có những khu uống rượu của đàn ông.
Đó là nơi đàn ông gặp gỡ, bên chén rượu ngô và tẩu thuốc lào, là nơi đàn ông Mông “đến để mà say” như thế. Họ có thể nằm ngay tại chợ, nằm ven vệ đường, và những cô vợ hoặc là cầm ô che mưa che nắng, nhẫn nại chờ chồng ngủ dậy, hoặc phải dìu chồng về trước khi chàng say... tới bến.
Khi chồng uống rượu, vợ luôn đứng cạnh bên chờ chồng tại khu chợ bò ở chợ phiên Sà Phìn - Ảnh: NGỌC HIỂN |
“Niềm tự hào” Theo TS Mai Thanh Sơn - Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, “chợ ở vùng cao có vóc dáng của hội; chợ là một ngày hội, phụ nữ ăn mặc phải đẹp, đàn ông đến chợ để gặp gỡ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn thông qua chén rượu. Chợ ở đây không chỉ là nơi mua bán mà là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể”. Còn theo bà Lý Trung Kiên - trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn, niềm tự hào của người phụ nữ Mông là khi đến chợ chồng mình có nhiều bạn, được nhiều người mời rượu, mời đến say thì thôi. Theo bà, đó là đức tính cam chịu và bằng lòng với cuộc sống của mình của người phụ nữ Mông. Khi chồng say, họ còn tự hào và luôn sẵn sàng chờ chồng và xem đấy như là bổn phận của người vợ mà không hề than vãn. |
Kỳ tới: Lễ tang lạ lùng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận