Khoa nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Q.Hà Đông, Hà Nội) luôn quá tải vì dịch sốt xuất huyết bùng phát ở nhiều nơi - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Bà Hoàng Thị Kim Xuyến, tổ trưởng tổ dân phố 5E, P. Liễu Giai, Q. Ba Đình (Hà Nội) kể năm nào ở tổ dân phố này cũng có người bị sốt xuất huyết (SXH) nhưng chưa khi nào dịch lại nghiêm trọng như lần này.
Cách tốt nhất phòng tránh sốt xuất huyết vẫn là vệ sinh, tiêu diệt môi trường sống của muỗi, lăng quăng, ngăn ngừa muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp dự phòng khác như ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài... để phòng tránh muỗi đốt... |
Ông NGUYỄN NHẬT CẢM (giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) |
Cả gia đình cùng mắc bệnh
Theo bà Xuyến, từ tháng 5 đến nay đã có khoảng 50 ca bị sốt xuất huyết trên khoảng 225 hộ dân trong địa bàn bà quản lý. Trong số này, đã có không ít gia đình có từ 2 - 3 người mắc bệnh. Điển hình là ngách 113/189 Hoàng Hoa Thám, tính từ đầu tháng 7 đến nay, hầu như nhà nào cũng có người mắc SXH.
Theo bà Xuyến, từ tháng 5 khi phát hiện ca mắc SXH đầu tiên bà đã báo ngay lên y tế phường để xử lý ổ dịch, nhưng việc phun diệt muỗi không đồng loạt. Khi phun diệt muỗi, xử lý xong ở ngách này thì ngách khác lại phát hiện ca mắc bệnh mới.
Sau nhiều lần phun lẻ tẻ từng ổ dịch và hai đợt phun thuốc diệt muỗi tổng lực kết hợp với vệ sinh diệt lăng quăng, tình hình SXH tại đây có vẻ lắng lại khi trong vòng hai ba ngày gần đây không phát hiện ca mới. Tuy nhiên, bà Xuyến vẫn bày tỏ sự lo lắng SXH có thể quay trở lại khi người dân không có ý thức phòng chống muỗi, như ngủ mắc màn, vệ sinh nơi ở, diệt lăng quăng...
Chị H. ở ngõ 189 Hoàng Hoa Thám (P.Liễu Giai) chia sẻ gia đình chị vừa trải qua giai đoạn "kinh hoàng" khi cả ba mẹ con đều bị SXH. Đầu tuần trước, chị mắc bệnh phải nằm viện, hai con nhỏ phải nhờ hàng xóm trông nom. Rồi trong khi chị H. chưa ra viện thì hai đứa con cũng nhập viện điều trị SXH.
Tại thôn Văn Nội, P.Phú Lương (Q.Hà Đông), hàng trăm hộ dân đang sống trong bất an vì dịch SXH bao trùm khắp cả phường. Phường này có 22 tổ thì hầu hết các tổ đều có người bị SXH. Trong đó các tổ 3, 5,11, 12, 19 có số lượng người bị SXH khá lớn.
Ghi nhận chung cho đến nay, tất cả 28 bệnh viện ở nội thành Hà Nội đều có người bị SXH đến điều trị. Nhiều bệnh viện đang trong tình trạng quá tải căng thẳng, bệnh nhân SXH phải nằm ghép chung giường như Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông...
Đừng lạm dụng thuốc xịt muỗi
Suốt mấy ngày gần đây nghe những thông tin về dịch SXH nguy hiểm với nhiều ca mắc và biến chứng nặng, thậm chí tử vong, bà Tám ở Thanh Trì (Hà Nội) rất lo lắng cho hai đứa cháu nhỏ của mình.
"Chúng tôi vẫn làm vệ sinh, diệt lăng quăng, ngủ mắc màn, phun thuốc diệt muỗi... theo như khuyến cáo của ngành y tế nhưng vẫn thấy có muỗi xuất hiện trong nhà nên không an tâm. Tôi rất muốn phun thuốc xịt muỗi để dự phòng SXH nhưng phường chỉ phun thuốc khi có ổ dịch, trong khi tôi không dám mua thuốc bên ngoài về tự phun vì sợ không đảm bảo chất lượng" - bà Tám nói.
Không cân nhắc như bà Tám, nhiều gia đình ở Hà Nội đã chủ động mua thuốc về xịt muỗi để dự phòng, thậm chí nhiều hộ gia đình rủ nhau mua thuốc về cùng phun xịt đuổi muỗi nên dịch vụ phun diệt muỗi tại nhà đang nở rộ.
Nhiều người đi đến tận ngõ ngách trong các khu phố để chào mời phun diệt muỗi với giá trên dưới 100.000 đồng/ lít sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết việc phun thuốc diệt muỗi khi phát hiện ổ dịch SXH như hiện nay được xem như biện pháp khẩn cấp, không có ý nghĩa dự phòng. Thuốc phun ở ổ dịch chỉ có tác dụng từ 1 - 2 ngày, sau đó muỗi vẫn có thể phát triển bình thường.
Ông Cảm khuyến cáo việc người dân mua thuốc xịt muỗi về tự phun dự phòng là không nên, vì làm như vậy bà con luôn phải sống trong môi trường có hóa chất. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc phun xịt muỗi còn có nguy cơ làm muỗi kháng thuốc.
TP.HCM: số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ Mặc dù vậy nhưng một lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo bệnh nhân mắc SXH sẽ tiếp tục tăng nếu không có những biện pháp phòng chống dịch tích cực. Ghi nhận ngày 28-7, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 58 trẻ mắc SXH đang nằm điều trị, trong khi ngày cao điểm trước đó lên đến 80 trẻ. Số trẻ nằm điều trị mỗi ngày tại khoa này trong tháng 7 cao gần gấp đôi so với tháng 6. Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết từ đầu tháng 7 đến nay đã có hai cháu bé mắc SXH tử vong tại bệnh viện (một bé 11 tháng tuổi ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM và một bé ở Đồng Nai). Theo bác sĩ Việt, điều trị cho trẻ dưới 1 tuổi gặp nhiều khó khăn và trẻ ở độ tuổi càng nhỏ càng dễ có nguy cơ tử vong hơn do sức đề kháng của trẻ còn kém. Trong 58 ca SXH đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, có 5 trường hợp nặng, 7 trường hợp cảnh báo (có nguy cơ nặng). Bác sĩ Lê Bích Liên, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng cho biết từ đầu năm đến nay có hai bệnh nhi mắc SXH tử vong tại bệnh viện này. Ngày 28-7 có 86 bệnh nhi mắc SXH đang nằm điều trị tại bệnh viện. Số ca mắc SXH trong tháng 7 đến bệnh viện tăng 126% so với tháng 6. Đáng chú ý là năm nay số bệnh nhi mắc SXH đến bệnh viện có nhiều ca nặng hơn những năm trước, với tỉ lệ bệnh nhân nặng chiếm khoảng 30%. Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến ngày 20-7, TP có 10.652 ca mắc SXH nhập viện, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016 (8.814 ca). So với những tuần trước, số lượng bệnh nhân mắc SXH có giảm nhẹ... Cả nước có gần 60.000 người mắc sốt xuất huyết Theo thông tin từ Bộ Y tế, 7 tháng đầu năm 2017, số người mắc SXH trên cả nước lên đến gần 60.000 người. Trong đó, 17 người đã tử vong. So với cùng kỳ 2016, số người mắc SXH tăng trên 12%. Có 26/61 địa phương có số người mắc SXH tăng. Trong đó, tại Hà Nội số người mắc SXH đã tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ 2016. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận