Trailer phim 'Song song'
Song song, làm lại từ kịch bản Tây Ban Nha, khai thác chủ đề hiệu ứng cánh bướm. "Con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc xoáy ở Texas" là câu nói nổi tiếng của nhà khoa học Edward Lorenz (Mỹ).
Trong điện ảnh, hiệu ứng cánh bướm thường được dùng để nói về luật nhân quả và nghịch lý thời gian.
Do đó, các phim dạng này thường có cốt truyện du hành thời gian và nhấn mạnh ảnh hưởng của nhân quả. Với Song song, nhân vật Trang (Nhã Phương) cố cứu mạng một cậu bé đã chết cách đó 21 năm.
Người mẹ Nhã Phương và 'thiện không đúng chỗ sẽ trở thành ác'
"Việc thiện khi không được đặt đúng chỗ sẽ trở thành tội ác" - diễn viên chính Nhã Phương từng nói về câu chuyện trong Song song.
Trong Song song (thể loại giật gân, tâm lý, khoa học viễn tưởng), Nhã Phương vào vai Trang, người mẹ hết mực thương yêu con gái Cún (Mona Bảo Tiên) và người chồng Quân (Trương Thế Vinh).
Nhã Phương trong vai Trang - người mẹ yêu thương con gái trong phim Song song - Ảnh: ĐPCC
Bước ngoặt xảy ra khi Trang kết nối với cậu bé Phong (Thuật Phát) - người qua đời 21 năm trước, thông qua chiếc tivi cũ. Muốn giúp Phong tránh số phận bi thảm, Trang cảnh báo cậu.
Có lẽ, nói "thiện trở thành ác" không thật chuẩn. Hành động trắc ẩn của Trang đã cứu sống cậu bé Phong, đó là điều tốt lành.
Nhưng khi Phong được bình yên, bí ẩn về một tội ác khác lại được giấu kín, kẻ ác không phải đền tội. Còn với Trang, vì "hiệu ứng cánh bướm" từ hành động của mình, cô gần như mất tất cả.
Khi một người cố cưỡng lại số phận, ép quá khứ không xảy ra như nó vốn có, luôn có những hậu quả khôn lường.
Đây là vai diễn khó vì nội tâm phức tạp - Ảnh: ĐPCC
Bên cạnh câu chuyện "loạn não" với nhiều cú lật bất ngờ, cộng với lý thuyết du hành thời gian và thực tại song song, kịch bản còn là câu chuyện xúc động của người mẹ tuyệt vọng tìm cách trở lại tương lai, tìm về với cô con gái yêu quý.
Nhân vật người mẹ là trung tâm của tác phẩm, do đó diễn xuất của vai người mẹ là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của phim. Nhã Phương rất nỗ lực khi đây là vai người mẹ đầu tiên của cô sau khi sinh con, khi đã trở thành một người mẹ thực sự.
Cậu bé Phong và chiếc tivi định mệnh - Ảnh: ĐPCC
Dù ngoại hình vẫn còn khá trẻ trung, non nớt so với nhân vật, Nhã Phương mang đến nét dịu dàng, không quá bùng nổ nhưng cũng không "ngập trong nước mắt" như nhiều vai diễn trước đây của cô.
Một Tiến Luật lạ và cảm xúc chưa bùng nổ
Tiến Luật vào vai ông Sơn - người đàn ông hàng xóm đáng sợ của cậu bé Phong. Dù gắn chặt với nhiều vai hài, nam diễn viên lại tạo được dấu ấn bất ngờ với vai diễn không chút hài này.
Diễn xuất của Tiến Luật góp phần mang lại không khí gay cấn, kịch tính cho phim. Ở phân đoạn giữa ông Sơn và cậu bé Phong giữa phim, Tiến Luật diễn xuất bằng đôi bàn chân đầy đe dọa, từ góc nhìn hẹp và sợ hãi của cậu bé đang ẩn nấp.
Tiến Luật có vai phản diện đầu tiên trong Song song - Ảnh: ĐPCC
Việc pha trộn giữa giật gân, án mạng và tình cảm gia đình, tình yêu, nội tâm người phụ nữ cũng tạo nên cái khó cho Song song khi cảm xúc khó được đẩy đến mức bùng nổ.
Do phim lật giở từng bí mật, cú lật, phần đầu bị bao trùm bởi bầu không khí bí hiểm. Sự gắn kết giữa nhân vật Trang và con gái chưa đủ chạm đến trái tim người xem.
Tổng thể, Song song là tập hợp của những mảnh ghép khớp nhau trên nền kịch bản gốc khá vững.
Phim được Việt hóa tốt ở khâu sản xuất khi bối cảnh chính là ngôi nhà, các đạo cụ như chiếc tivi, đồng hồ, sự khác biệt giữa các đồ đạc xưa và nay cũng đậm nét Việt Nam. Thế nhưng, chính vì là những mảnh ghép, đôi khi phim gây cảm giác khô cứng và trôi tuột về cảm xúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận