Giữa tháng 9-2023, ông Trần Văn Lưu - 70 tuổi, ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn - phát hiện nhà máy chế biến cao su xả thải trực tiếp ra sông Sa Lung, khiến tôm cá chết hàng loạt.
Nước sông ô nhiễm, thả tôm là chết
24 năm trước, thấy cây lúa làm ra không dư thừa bao nhiêu, ông Lưu mạnh dạn cải tạo 8.000m2 ruộng lúa thành vuông nuôi tôm.
Hai năm trở lại đây, tôm càng nuôi càng lỗ, chết bất thường không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, vụ tôm hè 2023 ông lỗ trắng tay. Tháng 5-2023, ông Lưu mua 35 triệu tiền giống thả trong hai hồ. Sau 20 ngày, tôm chết sạch.
Nghĩ dịch bệnh bất thường, ông cải tạo hồ, bơm nước Sa Lung vào, đến tháng 7-2023 tái thả đợt giống khác thì cũng chết sạch với chung biểu hiện. "Trong ba tháng hè ngắn ngủi, tôi thua lỗ 250 triệu đồng, tiền giống, thức ăn, vật tư và nhân công", ông Lưu nói.
Gần đó, ông Trần Văn Chung - 53 tuổi, thôn Phan Hiền - có hồ nuôi tôm công nghệ rộng 3ha. Tuy nhiên nguồn nước ô nhiễm, tôm chết hàng loạt. Vụ tôm vừa rồi, ông Chung dự kiến sản lượng là 10 tấn nhưng thực tế chỉ thu hoạch được 700kg. "Cả nhà thất thần, mất hơn 90% sản lượng", ông Chung nói.
Phát hiện nước sông Sa Lung ô nhiễm, tháng 9-2023, 619 hộ nuôi tôm thuộc 5 tổ nuôi tôm cộng đồng tại xã Vĩnh Sơn và Hiền Thành đồng loạt gửi đơn kêu cứu, phản ánh việc xả thải trái phép ra sông Sa Lung của các nhà máy ở thượng nguồn.
Theo UBND huyện Vĩnh Linh, trong vụ tôm hè 2023, toàn huyện có 260ha tôm chết ở các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Giang, do ô nhiễm nguồn nước, nắng nóng kéo dài...
Nhiều chỉ tiêu nguy hiểm, vượt ngưỡng
Đi tìm ngọn nguồn ô nhiễm, sau nhiều ngày đêm lăn lộn, những hộ nuôi tôm phát hiện Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị - tại thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Long - xả thải trực tiếp ra môi trường. Đầu tháng 10-2023, huyện Vĩnh Linh xử phạt vi phạm hành chính công ty này 50 triệu đồng.
Thượng nguồn sông Sa Lung có 3 nhà máy, lưu lượng nước thải lớn gồm: nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị (383m3/ngày đêm), nhà máy sản xuất giấy của Công ty cổ phần Bắc Trung Bộ (30m3/ngày đêm), cơ sở chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Trần Dương (27m3/ngày đêm).
Hè 2023, qua quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị nhận định chất lượng nước sông Sa Lung diễn biến xấu vào một số thời điểm, có dấu hiệu xả nước thải vượt quy chuẩn từ sản xuất công nghiệp, chăn nuôi.
Ông Nguyễn Hữu Nam - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị - cho biết: "Quan trắc từ tháng 6 đến nay, chất lượng nước sông Sa Lung có vấn đề, ô nhiễm một số chỉ tiêu hết sức nguy hiểm, có sự tham gia của các công ty xả thải. Trong đó, Công ty Đức Hiền để nước thải chưa qua xử lý tràn ra mương dẫn nước chảy ra sông Sa Lung".
Ông Võ Văn Hưng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay sông Sa Lung tự nhiên không bao giờ ô nhiễm như thế.
"Từ khi có nhà máy, sông ngày càng ô nhiễm. Tôi giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ, xử lý nghiêm, không thờ ơ trước phản ứng của người dân. Khuyến khích sản xuất nhưng không làm hại xã hội", ông Hưng nói.
Trong khi đó, hơn một tháng nữa là bước vào vụ tôm mới, các hộ dân vẫn còn đầy nghi ngại về chất lượng nước sông Sa Lung. "Dân đuối sức rồi, chúng tôi nợ ngân hàng, không có tiền mua giống, nếu nước sông ô nhiễm, tôm chết thêm vụ nữa là phá sản", ông Lưu than thở.
Từ tháng 4-2023 đến nay, thông số TSS (tổng chất rắn lơ lửng trong nước) vượt giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT 2,2 lần, thông số NO2-N (Nito Dioxide) vượt giới hạn B2 12 lần, E.coli vượt giới hạn B1 47,6 lần, Coliform cũng vượt giới hạn B1.
Sở Tài nguyên và Môi trường vừa đề nghị tỉnh Quảng Trị giao sở này thực hiện nhiệm vụ "Đánh giá tổng thể nguồn thải, đánh giá sức chịu tải và đề xuất giải pháp quản lý bền vững môi trường nước sông Sa Lung".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận