10/07/2014 02:31 GMT+7

Sống ở thành phố ít bị viêm não Nhật Bản

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Từ đầu năm đến nay, TP.HCM mới có một trẻ em bị viêm não Nhật Bản. Theo các chuyên gia, TP.HCM không phải là vùng nguy cơ dịch tễ của bệnh này. Dù vậy, TP vẫn triển khai chiến dịch tiêm văcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi.

t65T5oSf.jpgPhóng to
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - kiểm tra sức khỏe cho bé H.N.T.K. (2 tuổi, quê ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) bị viêm não Nhật Bản - Ảnh: Hữu Khoa

Trước thông tin ở Hà Nội, số ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản tăng bốn lần so với cùng kỳ năm 2013, bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho biết số trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị chỉ tăng rất ít so với cùng kỳ năm trước. Đa số trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản đều ở tỉnh chuyển lên, còn trẻ sống tại TP.HCM, đặc biệt sống trong nội thành ít có nguy cơ mắc bệnh này.

90% trẻ mắc bệnh sống ở nông thôn

Triệu chứng của viêm não Nhật Bản

Trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản thường có khởi bệnh đột ngột như sốt cao, đau đầu, ói mửa, lừ đừ, bỏ ăn có thể kèm theo ho, tiêu chảy, sau 1-2 ngày xuất hiện co giật, hôn mê và có thể tử vong rất nhanh nếu không điều trị kịp thời. Khi được điều trị kịp thời trẻ có thể lành bệnh và không để lại di chứng.

Ngày 7-7, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 10 trẻ mắc bệnh viêm não nằm điều trị, trong đó có bốn trẻ được xác định mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Bé H.N.T.K., 2 tuổi, ở Gò Công Đông, Tiền Giang, mắc bệnh viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh nhân nặng đang hôn mê sâu, phải thở máy tại phòng cấp cứu khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1. Anh H.M.T. - 33 tuổi, ba của bệnh nhi - kể lại ngày 17-6, con anh bắt đầu sốt và hai ngày sau gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Gò Công Đông khám, được bác sĩ cho nhập viện và chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, viêm não đa số là do virút tấn công thẳng vào tế bào não. Có nhiều loại virút khác nhau như viêm não Nhật Bản lây từ muỗi, virút đường ruột lây qua đường ăn uống và các loại virút khác lây qua đường hô hấp. Tuy nhiên, khi muỗi chích từ chim, heo qua người không phải tất cả virút viêm não Nhật Bản đều gây ra viêm não mà có thể gây sốt siêu vi, viêm màng não không hôn mê, viêm não hôn mê, dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng. Tương tự các loại virút khác cũng vậy, virút đường ruột có thể chỉ gây tiêu chảy, nôn ói; virút hô hấp gây bệnh hô hấp; chỉ có một số virút đi thẳng lên não gây viêm não, gây hôn mê, co giật. Triệu chứng của viêm não chủ yếu là sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn ói, nặng hơn sẽ thay đổi tri giác, co giật, hôn mê sâu, suy hô hấp, tử vong. Tỉ lệ cứu được trẻ viêm não trở về hoàn toàn bình thường chỉ chiếm 60%. Những di chứng thường gặp là trẻ vẫn đi lại được nhưng chậm phát triển trí tuệ, có trẻ bị động kinh suốt đời, có trẻ bị yếu tay chân, sống đời sống thực vật.

Về bệnh viêm não Nhật Bản, bác sĩ Khanh nhấn mạnh đây là tình trạng viêm não cấp do siêu vi viêm não Nhật Bản gây ra. Siêu vi gây viêm não Nhật Bản truyền sang người từ heo, chim có mang mầm bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Muỗi Culex tritaeniorhynchus hút máu heo hay chim có chứa siêu vi trùng, sau đó chích người và truyền siêu vi gây bệnh cho người. Loại muỗi này thường chích ban đêm. Chính vì những lý do này mà 90% trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản sống ở nông thôn, nơi có nuôi heo và trồng lúa. Bác sĩ Khanh khuyên khi thấy trẻ sốt cao, ói mửa, đau đầu, co giật, hôn mê, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp tỉnh, thành phố để được điều trị kịp thời. Sở dĩ trẻ em mắc bệnh viêm não Nhật Bản cần được đưa đến bệnh viện cấp tỉnh, TP điều trị vì bác sĩ Khanh cho rằng điều trị căn bệnh này tương đối khó.

Chiến dịch tiêm văcxin viêm não Nhật Bản

Dù người dân TP ít có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, chỉ có một số ít người dân TP ở ngoại thành mắc bệnh nhưng bác sĩ Khanh vẫn khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản nên đưa trẻ đi chủng ngừa. Trẻ có thể bắt đầu chích ngừa viêm não Nhật Bản từ 12 tháng tuổi. Điều cần lưu ý là chích ngừa viêm não Nhật Bản chỉ ngừa được viêm não Nhật Bản, chứ không thể ngừa được các bệnh viêm não khác.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, cho biết từ đầu năm đến nay TP.HCM mới chỉ có một trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, giảm so với cùng kỳ năm trước (có 4 trẻ). TP.HCM không phải vùng dịch tễ của bệnh viêm não Nhật Bản, không có nguy cơ cao nhưng theo chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và Viện Pasteur TP.HCM, sau tháng 7 này TP sẽ triển khai chiến dịch tiêm văcxin viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ từ 1-5 tuổi trong toàn TP. Theo bác sĩ Trí Dũng, ở miền Bắc đang là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản, còn ở miền Nam không có mùa giống như miền Bắc mà các ca bệnh viêm não Nhật Bản có rải rác quanh năm.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên