Phóng to |
Vợ chồng Liên và Cabanel Serge cùng con gái 3 tuổi - Ảnh: Minh Tâm |
Những bức tranh của Cabanel Serge đã theo chân du khách đến nhiều nơi trên thế giới khiến công chúng ít nhiều biết đến con người, đất nước VN nói chung và đất Tây đô nói riêng...
Chồng Pháp, vợ Việt và du lịch miệt vườn
Sau khi tốt nghiệp ngành du lịch, từ TP Cần Thơ Nguyễn Thị Kim Liên lên TP.HCM làm cho một công ty du lịch. Liên có người dì lấy chồng Pháp rồi định cư bên đó. Quán ăn của vợ chồng dì Liên toàn món Việt. Cabanel Serge đến quán, mê món ăn riết rồi thân với ông bà chủ quán.
"Vợ chồng chị Liên chẳng những thuận thảo với nhau mà còn sống chan hòa với xóm giềng. Họ thường đóng góp cho những phong trào địa phương như xây cầu, làm đường..." Ông Lã Văn Hiền (trưởng khu vực Tân Lợi 1, P.Tân Hưng, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ) |
Đầu năm 2007, Cabanel Serge đến du lịch Việt Nam. Cùng thời gian đó, vợ chồng dì về thăm quê. Liên nhớ lại: “Về Việt Nam, dượng có điện rủ Cabanel Serge tham quan miệt vườn. Liên từ TP.HCM tháp tùng vợ chồng dì về Cần Thơ”. Ấn tượng của Liên về Cabanel Serge là rất vui tính. Còn Cabanel Serge thích đôi mắt đen lay láy và tiếng cười khúc khích của cô gái đồng bằng. Sau đó Cabanel Serge về Pháp, còn Liên trở lên Sài Gòn. Họ trao đổi email. Để hiểu hơn về Cabanel Serge, Liên chịu khó học tiếng Pháp. Còn Cabanel Serge cũng tìm đọc sách về văn hóa Việt. Qua một năm tìm hiểu, gặp gỡ, cả hai thấy không thể sống thiếu nhau nên tiến tới hôn nhân. Khi đó Liên 27 tuổi, còn Cabanel Serge 45...
Cả hai thích không gian yên tĩnh nên về Thốt Nốt, TP Cần Thơ sinh sống. Họ mua 3 công đất nằm cạnh dòng kênh Thơm Rơm lượn lờ chảy, thiết kế thành làng quê Tây Nam bộ thu nhỏ: có những bụi tre làng, ngôi nhà lá, cây cầu khỉ, con rạch, bờ mương...
Họ phân công rất cụ thể. Vợ lãnh phần nấu ăn bằng cách nấu các món ăn cho chồng thử trước. Chồng góp ý món này nhạt, món kia hơi mặn để vợ nêm nếm lại. Món nào “chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon” là đưa vô thực đơn. Món nào chồng lắc đầu hổng ngon thì vợ bỏ ra. Chồng có nhiệm vụ hướng dẫn khách tham quan. Có khi đi bằng xe gắn máy, có khi đi bằng ghe. Chạy đến đâu thấy lạ là ghé vô, chẳng hạn khi gặp đám cưới, chồng kể cho khách biết tục trầu cau. Có khi thấy cảnh người dân đang thu hoạch lúa, chồng tấp vô kể về cách trồng lúa. Ghé làng lưới Thơm Rơm, chồng nói về mùa nước nổi, người dân đánh bắt cá như thế nào... Cứ vậy chuyện đồng vợ đồng chồng làm du lịch với những nét riêng nhắm đến đối tượng là khách nói tiếng Pháp.
“Hợp đồng miệng”
Do khác biệt ngôn ngữ, phong tục tập quán nên giữa họ những khoảng khắc đong đầy hạnh phúc vẫn đan xen những phút giây mâu thuẫn như có lần vợ về nhà ba ngày phụ đám cưới người em. Khi về, chồng buồn hỏi tại sao đi đến mấy ngày như vậy. Vợ điện hỏi dì mới biết ở nước Pháp, chủ nhật là ngày dành riêng cho gia đình. Vợ xin lỗi, rồi giải thích cho chồng biết đám cưới người Việt phải có mặt đông đủ bà con vì đó là dịp trọng đại. Đó là nét văn hóa của người Việt. Chồng nghe thế vỡ lẽ và cũng xin lỗi vợ. Từ đó mỗi lần có tiệc tùng, giỗ chạp, từ sáng sớm chồng đã nhắc vợ qua tiếp cha mẹ. Liên bộc bạch: “Ông xã dần hòa nhập với cuộc sống cũng như phong tục tập quán bên vợ, giống như chàng rể Việt chính hiệu...”.
Vợ chồng giao ước trước với nhau chuyện gì không bằng lòng là góp ý thẳng thắn, sau đó không nhắc lại. Nhờ tuân thủ “hợp đồng miệng” đó nên họ vượt qua những bất đồng văn hóa cũng như tuổi tác. Sau mấy năm chung sống, niềm hạnh phúc càng nhân lên khi đứa con gái kháu khỉnh chào đời. Bé hiện 3 tuổi nói được tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Cabanel Serge cũng cắp cặp đi học tiếng Việt để chuyện trò cùng con và dòng tộc bên gia đình vợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận