Ngày 16-7, thông tin đến Tuổi Trẻ, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết nước thải sinh hoạt là nguồn ô nhiễm lớn nhất đối với sông Nhuệ - Đáy, chiếm tỉ lệ trên 65% trong tổng lượng nước thải xả vào lưu vực sông này.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, tại Hà Nội, nước thải sinh hoạt thải ra các sông nội đô sau đó đổ vào sông Nhuệ - Đáy khoảng 1 triệu m3/ngày đêm, trong đó mới chỉ khoảng 22% được xử lý.
Tại Ninh Bình, phát sinh khoảng 100.000 m3/ngày đêm, trong đó có 11% số đô thị có hệ thống xử lý, tỉ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt khoảng 15%.
Tại Hà Nam, lượng nước thải sinh hoạt phát sinh khoảng 114.000 m3/ngày đêm và chỉ có 60% số khu đô thị trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Nguồn gây ô nhiễm thứ hai trên sông Nhuệ - Đáy là các nguồn ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Hiện có khoảng 1.982 nguồn thải tác động, ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy. Đặc biệt, tỉ lệ các làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn rất thấp.
Việc chôn lấp chất thải rắn, quản lý chất thải chăn nuôi, hiện tượng nước mưa chảy tràn qua các khu vực ô nhiễm cũng góp phần không nhỏ đến ô nhiễm chất lượng môi trường nước sông Nhuệ - Đáy.
Thêm hình ảnh sông Nhuệ - Đáy đang bị ô nhiễm trầm trọng:
Nguồn lực hạn chế nên xử lý ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy còn nhiều khó khăn, bất cập
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, do nguồn lực hạn chế nên công tác ngăn chặn nguồn ô nhiễm, từng bước xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường tại các đoạn sông, nhánh sông trên sông Nhuệ - Đáy còn nhiều khó khăn, bất cập.
Trước đó, Tuổi Trẻ có phóng sự ảnh "Lời cảnh báo từ những dòng sông" (đăng ngày 6-7) phản ánh câu chuyện sông Nhuệ - Đáy và bốn dòng sông nội đô Hà Nội gồm: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Trong khi lòng dẫn sông Đà, sông Hồng bị tụt sâu đã khiến tình trạng sạt lở diễn ra phức tạp, cuốn trôi không ít diện tích đất bãi bồi, nứt nhà dân.
Đáng lo ngại hơn khi lòng dẫn của sông Đà, sông Hồng bị tụt sẽ khiến các dòng sông nhánh, kênh thủy lợi nói trên khó có thể "hồi sinh" vì ô nhiễm gia tăng do không có nước tạo dòng chảy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận