02/05/2023 14:18 GMT+7

Sống như Ý ở... TP.HCM

Người Ý có ba thứ tự hào với thế giới là ẩm thực, thời trang và bóng đá. Riêng ẩm thực, đất nước hình chiếc ủng nổi tiếng với pizza, pasta, phô mai... Với sự hãnh diện đó, người Ý mang ẩm thực đến nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Đầu bếp người Ý Federico Pinzi

Đầu bếp người Ý Federico Pinzi

Ở Việt Nam, cơ hội để phát triển và mở rộng rất nhiều. Ngoài ra, có lẽ vì Việt Nam là quốc gia đầu tiên tôi đến trong đời sau Ý nên tôi yêu Việt Nam và con người nơi đây
LEONARDO BORRUSO mong muốn tiếp tục phát triển sự nghiệp ở Việt Nam


Tại TP.HCM, cộng đồng người Ý cũng đã có mặt từ nhiều năm nay. Nhiều người chọn ẩm thực để lập nghiệp, để mang hương vị quê nhà đến với người Việt, và cũng từ đó, họ có được cuộc sống thoải mái, hài lòng như ý muốn.

Chuyện của Federico

Federico Pinzi hiện đang là chủ hai nhà hàng Ý ở thành phố Thủ Đức và là nhà sáng tạo nội dung số với gần 200.000 người theo dõi trên mạng. Mỗi ngày Federico dậy từ 5h30 sáng để bắt đầu một ngày bận rộn của mình. Nghe tất bật là vậy, nhưng Federico nói Việt Nam cho mình cuộc sống "nhẹ nhàng" hơn lúc trước, anh không phải "chiến đấu" mỗi ngày để tồn tại.

"Ở Ý, ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn rất khắc nghiệt. Lúc còn ở Ý, tôi làm việc trong một khách sạn 5 sao, tôi làm việc điên khùng đến mức bàn chân tứa máu. Rồi tôi bắt đầu nghĩ mình đang sống cuộc đời gì thế này", Federico kể về quyết định ra nước ngoài lập nghiệp của mình.

Rồi hành trình lập nghiệp đưa Federico đến nhiều nơi. Anh từng có thời gian ở Singapore và mở công ty cung cấp dịch vụ tiệc, có cơ hội đi các nước Đông Nam Á trước khi quyết định mở nhà hàng của riêng mình tại Việt Nam.

Đầu bếp người Ý Federico Pinzi làm món mận cơm lắc muối ớt

Đầu bếp người Ý Federico Pinzi làm món mận cơm lắc muối ớt

"Tôi chọn Việt Nam vì một số lý do. Khí hậu là một trong số đó, đặc biệt là ở miền Nam, nơi có khí hậu nhiệt đới. Con người, thời tiết, ẩm thực và lối sống là những gì khiến tôi thích sống ở Việt Nam", Federico nói.

"Đứng ở góc nhìn kinh doanh, thị trường lúc đó đang rất phát triển. Những năm qua kinh tế Việt Nam liên tục đi lên", anh chia sẻ và cho biết thêm rằng người nước ngoài cũng được tạo điều kiện kinh doanh ở Việt Nam.

Hành trình kinh doanh nhà hàng của Federico bắt đầu từ một ki ốt nhỏ bán thức ăn nhanh của hai anh chàng người Ý ở Thảo Điền (khi đó thuộc quận 2, TP.HCM) vào năm 2016, nơi Federico và người bạn của mình lao động cật lực gần 14 giờ mỗi ngày. Khi đó, hai anh chàng tự đi siêu thị mua thực phẩm, đứng bếp rồi bán hàng.

"Lúc đầu các nguyên liệu từ Ý khá khó tìm, nhưng giờ đã có nhiều công ty nhập khẩu thực phẩm và nguyên liệu rồi nên mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều. Nguyên liệu tươi thì chúng tôi lấy từ các nguồn cung cấp cao ở Việt Nam như rau tươi từ Đà Lạt, thịt ở TP.HCM", Federico chia sẻ khi trò chuyện cùng chúng tôi tại chi nhánh mới của Pasta Fresca vừa khai trương ở phường Thạnh Mỹ Lợi (TP. Thủ Đức) hồi đầu tháng 4.

Tìm thấy "ước mơ phô mai"

Ở một câu chuyện khác, việc nhiều nét ẩm thực Ý chưa phổ biến tại Việt Nam lại mở ra cơ hội cho Andrea da Gasso. Ông đang là chủ thương hiệu Ottima Cheese có trụ sở ở Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức.

Ông Andrea kiểm tra kết cấu phô mai - Ảnh NVCC

Ông Andrea kiểm tra kết cấu phô mai - Ảnh NVCC

Hơn 15 năm trước, Andrea đến Việt Nam - nơi ông tìm thấy "ước mơ phô mai" của mình.

Trong lúc say sưa khám phá ẩm thực địa phương, Andrea nhận ra phô mai ở Việt Nam là "điều gì đó còn thiếu, chưa được "trọn vẹn", đặc biệt trong giai đoạn 2008 - 2014".

"Vốn là một người Ý với sẵn hiểu biết về phô mai, tôi và vợ đã quyết tâm thực hiện ước mơ phô mai ở Việt Nam", Andrea chia sẻ khi tiếp chúng tại xưởng của ông vào cuối ngày.

Vậy là khoảng năm 2014, Andrea cùng người vợ Việt của mình bắt tay vào sản xuất phô mai với sự hỗ trợ của một đầu bếp người Ý khác, áp dụng cách làm phô mai truyền thống của Ý, đặt mục tiêu trở thành một hình mẫu cho phô mai ngon và có chất lượng tốt tại Việt Nam, không chỉ dừng lại ở mozzarella mà còn nhiều loại phô mai khác.

"Ở Ý, các gia đình có truyền thống làm phô mai, một người đàn ông 60 tuổi có thể đã bắt đầu làm phô mai từ khi 10 tuổi. Quy trình làm phô mai rất kỳ diệu, khi bạn chứng kiến phô mai dần thành hình, có thể kéo và nắn, khi chỉ vài giờ trước đó vẫn còn đang ở dạng sữa lỏng", Andrea say sưa nói về phô mai.

Trên website của mình, Ottima Cheese giới thiệu sản phẩm của mình là "phô mai tươi, được sản xuất bởi người Ý, theo cách của Ý, tại Việt Nam".

"Trong hành trình chín năm của phô mai Ottima, được chứng kiến những người thợ Việt Nam làm phô mai chuyên nghiệp như những người thợ Ý đối với tôi là hình ảnh rất đẹp. Họ kéo và nhào phô mai thuần thục như người Ý, chỉ khác là họ có khuôn mặt và vóc dáng của người Việt Nam, điều này rất thú vị", ông nói thêm.

Andrea da Gasso tự tin phô mai mình sản xuất ở Việt Nam cũng có chất lượng ngon như ở Ý. "Sữa bò ở Việt Nam có chất lượng rất tốt.

Loại chúng tôi đang dùng ở Việt Nam không khác nhiều so với loại tại Ý nên có thể nói là vị phô mai chúng tôi đang làm ở Việt Nam gần như không có khác biệt so với loại được làm ở Ý", ông nói.

Không những chinh phục được người Việt, phô mai của Andrea cũng làm hài lòng khách hàng nước ngoài, trong đó có cả người Ý.

"Phô mai của Ottima rất tươi, ngon. Tôi có thể nói vị gần như phô mai ở Ý. Dĩ nhiên là không thể nói y hệt được, vì ở Ý có khí hậu khác, có giống bò khác, sữa bò cũng khác" - anh Leonardo Borruso, một người Ý đã ở TP.HCM bảy năm, nhận xét.

Ottima Cheese hiện đang cung cấp phô mai cho một số nhà hàng, các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam như Phú Quốc, Sài Gòn, Hạ Long, Hà Nội... và xuất khẩu sang Campuchia, Hong Kong.

"Phô mai được làm ở Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất tốt khi không tốn nhiều thời gian vận chuyển qua Hong Kong, tôi tin đây là một lợi thế khi phô mai nhập khẩu từ Ý sang tốn khá nhiều thời gian và làm ảnh hưởng đến chất lượng", ông nói.

Leonardo Borruso đã có bảy năm kinh doanh kem gelato ở Việt Nam - Ảnh NVCC

Leonardo Borruso đã có bảy năm kinh doanh kem gelato ở Việt Nam - Ảnh NVCC

Hiện nay 80 - 90% khách hàng của tôi là người Việt, ngược lại với lúc tôi mới mở nhà hàng
FEDERICO PINZI

Gelato cà phê sữa đá

Chúng tôi hẹn gặp Leonardo Borruso tại tiệm kem gelato Dolce Vita Ice Cream của anh ở khu Thảo Điền vào một buổi chiều. Cửa tiệm nhỏ vừa kê đủ vài chiếc bàn, bày bán khoảng 30 vị kem, toàn bộ là tâm huyết của ông chủ tiệm kem đến từ Sicily.

Ba chục khay kem bày đủ các loại, từ những vị "cơ bản" như sô cô la, vani đến những vị "lạ" như hoa hồng, chanh và lá húng tây, sô cô la cay... Đặc biệt, quầy kem của Leonardo còn có những hương vị rất quen thuộc với người Việt như mãng cầu xiêm, bơ, sầu riêng, dừa, xoài và cả cà phê sữa đá.

Leonardo Borusso giới thiệu cách làm kem gelato cho các em học sinh - Ảnh NVCC

Leonardo Borusso giới thiệu cách làm kem gelato cho các em học sinh - Ảnh NVCC

"Kem dâu này làm từ dâu nhập từ Đà Lạt đấy", Leonardo "khoe". "Ăn thử kem sầu riêng do người Ý làm nhé", anh chàng tươi cười mời chúng tôi với vẻ mặt hãnh diện.

Một trong những hương vị thể hiện rõ nhất tinh thần Ý - Việt trong tiệm kem của Leonardo có lẽ là kem cà phê sữa đá. Leonardo cho biết anh dùng cà phê espresso nhưng pha với sữa đặc theo cách của người Việt, rồi biến nó thành hương vị kem gelato cà phê sữa đá.

Leonardo mở tiệm kem đầu tiên cùng một người bạn Việt Nam trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) vào năm 2016, đây cũng là cơ sở kinh doanh đầu tiên trong đời anh.

Trước đó, Leonardo có nhiều năm làm việc trong ngành sản xuất giày. Tuy chỉ mới sống ở Việt Nam được vài năm nhưng mối duyên của anh với Việt Nam bắt đầu từ tận hơn 20 năm trước.

Năm 2002, anh được công ty cử đến Việt Nam để làm việc, và đây cũng là lần đầu anh đi nước ngoài.

Chàng thanh niên 18 tuổi năm đó chưa nói nhiều tiếng Anh, còn hình dung Việt Nam qua những hình ảnh chiến tranh, rừng rậm... đã bất ngờ khi lần đầu đặt chân đến TP.HCM, thấy xe đạp xe máy trên đường và ở hẳn trong một khách sạn 5 sao giữa trung tâm thành phố một thời gian dài.

Quầy bày bán các loại phô mai tươi Ottima ở siêu thị Tops Market - Ảnh NVCC

Quầy bày bán các loại phô mai tươi Ottima ở siêu thị Tops Market - Ảnh NVCC

Cho đến cách đây 7-8 năm, Leonardo lại được cử sang Việt Nam, và lần này cuộc sống của anh bước sang một trang khác. "Trong thời gian ở đây, tôi nhận ra mọi người rất thích ăn kem, nhưng tôi không tìm được chỗ bán kem nào đúng ý mình.

Thật ra ban đầu tôi tính mở tiệm ở Trung Quốc vì tôi từng sống bảy năm ở đó, tuy nhiên tôi nhận thấy người dân ở đó không thích đồ lạnh, họ chỉ thích ăn đồ nóng. Còn ở đây, người ta thích ăn đồ lạnh, uống bia cũng cho đá vào, nên tôi quyết định mình sẽ làm kem ở đây", anh chia sẻ.

Vốn có kinh nghiệm và kiến thức học được trong thời gian làm việc bán thời gian cho một tiệm kem hàng đầu ở gần Venice từ lúc còn đi học, Leonardo bỏ thời gian để học thêm trước khi quyết định sang Việt Nam lập nghiệp.

Sau khi đã lận lưng đủ "vốn liếng", anh chất đầy một container các loại máy móc làm kem, đồ nghề, khay đựng kem... rồi chuyển từ Ý sang.

Đây cũng là lúc thử thách bắt đầu. "Rắc rối đầu tiên là khi tôi nhận thấy sự khác nhau trong khẩu vị của người Ý và người Việt là ở lượng đường trong kem, người Việt không thích ăn kem quá ngọt. Vì vậy tôi cần phải thay đổi công thức của mình, và bớt đường đi quả thật là một thử thách lớn với tôi", Leonardo kể.

Nói chuyện với ông chủ tiệm kem 39 tuổi này, có thể cảm nhận được sự hào hứng với thế giới gelato đầy hương vị và sắc màu của anh.

Cứ mỗi hai tuần, anh lại cho ra một vị kem mới. "Khách hàng đến đây và bảo tôi làm vị này vị kia, xem như họ đặt ra thử thách cho tôi và tôi cứ thế mà làm thôi", Leonardo cười khi chúng tôi hỏi anh lấy cảm hứng sáng tạo ra các vị gelato của mình từ đâu. Có lần, anh còn tạo ra gelato vị kem nước mắm đậu phộng cho một nhà hàng hải sản ở TP.HCM.

Sau bảy năm làm kem, hiện Leonardo có hai tiệm kem ở Thủ Đức và quận 7, đồng thời cũng đang tính mở lại một tiệm ở quận 1.

Anh còn sản xuất và phân phối kem cho nhiều nhà hàng trong thành phố cũng như hướng đến việc mang sản phẩm của mình vào các siêu thị. Leonardo ước chừng mỗi tháng anh bán và phân phối khoảng 1.000kg kem gelato.

Leonardo nói Việt Nam cho mình cuộc sống mà anh mong muốn.

Ở đó, anh được thỏa thích làm kem, được quen biết nhiều người, có nhiều thời gian hơn để đi du lịch đó đây, được đi đá banh hằng tuần với hội bạn, được chạy xe máy thảnh thơi lòng vòng, chứ không phải "bù đầu bù cổ" như công việc trước kia.

"À ở đây thời tiết cũng tuyệt vời nữa, người ta có thể ăn kem cả ngày, quanh năm", anh cười tươi rói.

Pha trộn văn hóa trong phô mai

Sắp tới, công ty của ông Andrea da Gasso còn dự định sẽ tự mở một trang trại bò sữa của riêng mình với sự trợ giúp của nông dân Việt Nam. Ông cũng sẽ thử làm phô mai từ sữa dê và sữa trâu và sẽ giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam.

Vốn sống 15 năm ở Việt Nam cũng mang đến cho Andrea tư duy "hội nhập" trong cách sử dụng phô mai.

"Hãy dùng phô mai theo phong cách pha trộn văn hóa giữa Việt Nam và Ý, bạn có thể thử ăn phô mai với nước tương. Bạn cũng có thể dùng thử phô mai burrata với cơm chiên giòn, chiên cơm sau đó đặt burrata vào giữa rồi cắt làm đôi, phô mai sẽ hòa quyện cùng cơm. Tôi cũng ăn bánh xèo với burrata nữa", ông vui vẻ nói.

Ghi dấu ẩm thực Việt bằng văn hóa, thẩm mỹ và trải nghiệmGhi dấu ẩm thực Việt bằng văn hóa, thẩm mỹ và trải nghiệm

Đó là chia sẻ của Ông Alain Nguyễn - Phó chủ tịch Hiệp Hội FBA Việt Nam, trong vai trò giám khảo Vòng tuyển chọn Top Chef Việt Nam diễn ra vào ngày 19-4-2023 tại khách sạn Sofitel Saigon Plaza.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên