26/07/2015 09:49 GMT+7

Sống như một người lành lặn

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TT - 36 năm qua, dù là thương binh 1/4, mất sức đến 95% nhưng ông Phan Văn Tịnh (58 tuổi, ấp Hải Sơn, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn luôn nỗ lực, bươn chải làm đủ nghề mưu sinh, sống như một người lành lặn.

Ông Phan Văn Tịnh sửa xe máy - Ảnh: Tiến Long
Ông Phan Văn Tịnh sửa xe máy - Ảnh: Tiến Long

Sáng 24-7, chúng tôi gặp ông tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Long Đất (huyện Long Điền) trong bộ quần áo xanh lính vui vẻ, hát vang những ca khúc đời lính để đón đoàn công tác từ TP.HCM đến thăm.

Lát sau đã thấy ông tay chân nhem nhuốc sửa xe cho khách tại nhà. Ngồi trên xe lăn, công việc chính của người thợ đặc biệt này là phụ việc cho thợ chính sửa chữa, lắp ráp phụ tùng phần trên xe.

Bà Trịnh Thị Kim Anh - phó giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Long Đất - cho biết trong số 23 thương, bệnh binh được hỗ trợ an dưỡng cùng gia đình, ông Tịnh là người làm kinh tế giỏi nhất. Từ lúc ở trung tâm ông đã tự xoay xở, bươn chải làm đủ nghề, không cam chịu số phận tật nguyền.

Ngày ngày, ông cùng vợ chở từng thùng nước ngọt trên chiếc xe lăn nặng nề ra bán ở bãi biển. Số tiền lời ít ỏi ông dành dụm mua heo giống về nuôi. Hai ba tháng mua một con, cứ thế chuồng heo của vợ chồng cũng thành đàn.

“Hồi đó chuyện ông Tịnh thương binh nuôi đàn heo nái hơn chục con khiến anh em ai cũng trầm trồ thán phục” - bà Anh chia sẻ.

Ông Tịnh kể quê ông ở Nghệ An. Khi bị thương nặng tại chiến trường biên giới Tây Nam, vì không muốn mang gánh nặng về cho gia đình nên ông xin ở lại Bệnh viện 175 (TP.HCM) điều trị. Vợ ông lúc đó là giáo viên mầm non được nhà trường tổ chức đi thăm thương binh.

Gặp mặt, hai người bắt chuyện làm quen rồi yêu thương nhau. Không người thân thích, không một đồng dính túi, tài sản duy nhất của vợ chồng ông khi ấy là tình yêu, sự cảm thông, sẻ chia của hai trái tim cùng đôi bàn tay trắng. Họ có với nhau ba người con.

Năm 1988, ông Tịnh được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Long Đất. Đến năm 2003, gia đình ông xin ra ở hẳn bên ngoài lập nghiệp. Mới ra kinh tế khó khăn, chỉ có mảnh đất do Nhà nước cấp là có giá trị, ông phải cầm cố vay vốn ngân hàng mở tiệm sửa xe nhỏ.

Lúc đó ông thuê một thợ sửa chính, còn ông hằng ngày vừa phụ giúp vừa tranh thủ học nghề. Dần dần ông thạo việc như thợ chính.

Lấy lãi làm vốn, thời gian ngắn sau ông trả xong nợ và xây cất một tiệm sửa xe khang trang, sắm sửa đầy đủ phụ tùng.

Tiệm sửa xe của ông Tịnh thường nhận học sinh nghèo nghỉ học, thanh niên chưa có việc làm vào học nghề miễn phí. Người ở các tỉnh Tây Nam bộ lên xin học ông cho ở lại nhà nuôi luôn cơm nước.

Nói về việc làm của mình, ông Tịnh chia sẻ: “Bọn trẻ ở quê nghèo khó không đủ tiền ăn học đến nơi đến chốn, mình có điều kiện thì giúp họ học được cái nghề để họ có đường mà sống, lại bớt chơi bời hư hỏng”.

Năm năm trở lại đây, tiệm sửa xe nhà ông Tịnh cũng trở thành điểm phát cơm từ thiện. Đều đặn mỗi tháng vào ngày rằm và mồng một, ông bà lại nấu cơm chay cho người nghèo.

Ông nói hồi trước mình còn đói khổ không làm được gì, giờ có chút tiền dư dả phải cố gắng giúp đỡ người khó khăn và đó cũng là đạo lý của cuộc đời.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên