21/07/2017 10:06 GMT+7

Sống nhờ mẹ biển

ĐÔNG HÀ - 
ĐỨC TRONG
ĐÔNG HÀ - 
ĐỨC TRONG

TTO - Làng chài Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nằm sát bên cụm nhiệt điện than Vĩnh Tân với những ống khói chọc trời.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân được xây dựng bên cạnh làng chài
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân được xây dựng bên cạnh làng chài - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Hằng ngày, hàng trăm ngư dân ở đây vẫn chèo những chiếc thuyền thúng và ghe nhỏ ra biển như một thói quen để kiếm sống. Biển chính là người mẹ đã cho tôm cá nuôi họ bao đời nay.

Con đường dẫn vào làng chài xóm 7 (tên cũ của cả xã Vĩnh Tân) lầy lội, nhiều ổ gà, cách quốc lộ 1 chưa đầy 1km. Ngôi làng nằm khép nép im lìm bên một bến cá và một bãi cát nhỏ. Mỗi sáng sớm, ngôi làng đón khá nhiều ghe, thuyền thúng cập bến để xuống cá, tôm. Có cả xe đông lạnh đến tận bãi cát mua hải sản.

Bến nhỏ, thuyền nhỏ nhưng từ bao đời nay hàng trăm hộ gia đình, hàng ngàn con người đã và đang sinh sống bằng sản vật của mẹ biển nơi này.

Người của xóm chài

Một sáng tháng 7-2017 trên bãi cát làng, anh Hà Đức Sỹ (30 tuổi) đang rủ lưới sau một đêm thả lưới bắt cá, tôm. Mẻ lưới hôm nay anh Sỹ kiếm được vài trăm ngàn đồng. Với số tiền kiếm được mỗi ngày như thế này, anh cũng dư chút đỉnh để có tích trữ lận lưng. Vợ anh bồng bế đứa con nhỏ trên tay cũng có mặt ở bãi biển phụ chồng.

Như bao ngư dân khác trong xóm chài, anh Sỹ lớn lên bằng nguồn sản vật của biển Hòn Cau. 14 tuổi, anh đã theo những người họ hàng ra biển đánh cá. Và 16 năm qua, ngư trường của anh chỉ gói gọn chừng 5 hải lý vuông từ Hòn Cau trở vô bờ. Anh lớn lên cùng con nước lên xuống của biển và cũng lấy vợ, sinh con như người ta.

Hoài niệm về ngày xưa, anh Sỹ bảo mỗi lần ra biển khi ấy, sáng sớm kéo cá tôm về anh kiếm được cả tiền triệu chứ không phải vài trăm ngàn như bây giờ. Nhờ những ngày đầy ắp sản vật của biển 10 năm trước đây, anh đã sắm cho mình được một chiếc ghe trị giá 50 triệu đồng.

Rồi nhờ có ghe riêng, siêng năng bám biển, anh mua được hơn 100m2 đất để xây nhà. Cả nhà và đất của anh hiện trị giá cũng hơn 100 triệu đồng.

Gia đình anh Sỹ có năm anh em thì hết ba người theo nghề biển. Anh Sỹ tâm sự với gia sản và nghề đánh cá hiện nay, anh ngước lên thì không bằng ai nhưng nhìn xuống cũng cảm thấy hài lòng vì còn nhiều người khác ở xóm chài này chưa có ghe riêng để đi biển và chưa có nhà để ở.

Anh Hà Đức Sỹ lo lắng khi nhìn về cụm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Anh Hà Đức Sỹ lo lắng khi nhìn về cụm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Cuộc sống yên bình

Cũng ở xóm 7, ngư dân Võ Trung Sơn đã theo nghề lưới biển ven bờ từ mấy chục năm nay. Từ những con cá, con tôm của biển Hòn Cau, anh nuôi sống được gia đình. Con trai anh lớn lên cũng theo nghề biển của cha. 

Trên bãi cát nhỏ, chúng tôi gặp chị Tám đang rủ lưới cho chồng sau chuyến biển. Chị nói cả gia đình mình từ bấy lâu đều trông cậy tất cả vào nghề biển của chồng. Chồng đánh cá, vợ bắt mối tiêu thụ hải sản của chồng.

Ông Phạm Cường, 49 tuổi, một ngư dân khác của xóm 7, tâm sự: “Tôi làm nghề đi biển đã 25 năm nay. Nhờ nghề này mà tôi làm được nhà, nuôi được con học đại học. Giờ nếu không đi biển, tôi không biết làm nghề gì. Nếu vô nhà máy (nhiệt điện) cũng chỉ làm được nghề bảo vệ. Mà nghề này chưa chắc đủ để nuôi vợ, nuôi con ăn học”.

Cuộc sống thanh bình, êm đềm và nhẹ nhàng đã đến với những ngư dân xóm 7 từ bao đời nay. Ngày nay, tuy biển đã ít cá tôm nhưng vẫn đủ cho cuộc sống của họ. Và thành lẽ tự nhiên, biển giã đã thành máu thịt, thành một phần quá đỗi quen thuộc với họ. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, họ vẫn cứ theo nghề biển. 

Anh Sỹ cho chúng tôi biết anh coi biển Vĩnh Tân như người mẹ nuôi đúng nghĩa của mình. “Ngày nào không ra biển vì sóng to gió lớn, tôi lại thấy nhớ nhung thiếu thốn như đứa trẻ thiếu mẹ. Tôi đã sống hài hòa với thiên nhiên nơi này từ lúc mới sinh ra”.

Ông Ba Hùng chèo thuyền thúng đón khách thăm Hòn Cau - Ảnh: ĐỨC TRONG
Ông Ba Hùng chèo thuyền thúng đón khách thăm Hòn Cau - Ảnh: ĐỨC TRONG


Thổ địa Hòn Cau

Ra (đảo) Hòn Cau, chúng tôi gặp vợ chồng lão ngư Ba Hùng (63 tuổi). Sinh ra tại làng chài Phước Thể (Tuy Phong, Bình Thuận) nhưng ông Ba Hùng đã bám trụ, làm ăn ở Hòn Cau từ thủa nó còn hoang sơ cho đến hôm nay, khi mỗi dịp cuối tuần có hàng trăm du khách ghé thăm Hòn Cau. Ông được mọi người ví như “Robinson” của Hòn Cau.

Trước khi ra Hòn Cau “lập nghiệp”, ông Ba Hùng có thâm niên 20 năm làm tài công cho tàu cá. Khi quyết định nghỉ đi biển, ông đưa cả gia đình lên Hòn Cau lập nghiệp. Cả đời gắn với biển, với Hòn Cau nên từng tấc đất trên hòn, từng luồng nước chảy và sản vật ở biển Hòn Cau này ông Ba Hùng đều rành rẽ.

Ban đầu đến Hòn Cau, ông Ba Hùng mở quán bán hàng phục vụ các tàu cá của ngư dân vào đây neo đậu, trú ẩn. Khi du khách đổ về đây, ông Ba Hùng vừa bán hàng vừa trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ.

Ngoài buôn bán, ông Hùng còn là một tình nguyện viên trong việc bảo tồn rùa biển. Ngay sát quán của ông, có một khu vực rùa đẻ trứng. Hôm đến, ông nói vừa có 70 rùa con nở và ông đã thả chúng về biển.

Nhắc đến đặc sản vùng biển Hòn Cau, ông Ba Hùng cho biết nơi đây nổi tiếng với nguồn cá cơm, nhất là cá cơm mồm (loại cá cơm nhỏ nhất nhưng giá trị kinh tế cao). Ông cho hay không chỉ ghe ngư dân địa phương mà nhiều ghe tàu ở các tỉnh khác cũng tụ về đây để khai thác cá cơm.

Khi nghe nhắc đến việc gần 1 triệu tấn bùn cát sẽ đổ xuống vị trí đã cấp phép, ông Ba Hùng nói đó sẽ là một mối đe dọa cho san hô và nhiều loài cá đặc sản sống quanh Hòn Cau.

Không tận diệt

Xã Vĩnh Tân trước đây là xóm 7 của xã Vĩnh Hảo. Từ năm 2003, xóm 7 được tách ra và thành lập xã Vĩnh Tân với ba thôn: Vĩnh Tiến, Vĩnh Phúc và Vĩnh Hưng.

Ông Nguyễn Thanh Sang, chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, cho biết xã có hơn 200 hộ làm nghề đánh cá, chủ yếu là lưới rê và giã cào. 100 hộ làm nghề lưới rê thì đánh bắt hải sản từ Hòn Cau trở vào.

Còn nghề giã cào phải ra xa hơn Hòn Cau vì đây là khu vực bảo tồn, cấm đánh bắt tận diệt. Theo ông Sang, người dân xã ông không ai nghèo (theo chuẩn quốc gia) nhưng cũng chưa có ai thật sự giàu có.

____________________________

Kỳ tới: Vùng biển của tôm giống

ĐÔNG HÀ - 
ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên