20/08/2019 13:54 GMT+7

Sông nhiễm mặn nghiêm trọng, nhiều nơi tại Đà Nẵng lại mất nước

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Nhiều khu vực tại Đà Nẵng đã bị mất nước, hụt nước nghiêm trọng do sông bị nhiễm mặn khiến nguồn nước thô không đủ để sản xuất nước sinh hoạt.


Sông nhiễm mặn nghiêm trọng, nhiều nơi tại Đà Nẵng lại mất nước - Ảnh 1.

Cửa thu nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ trên sông Cẩm Lệ. Nơi đây nhiều thời điểm nước mặn hơn 10 lần mức cho phép để sản xuất nước thô- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Từ chiều 19-8 và sáng nay, nhiều khu vực dân cư tại Đà Nẵng đã bị mất nước khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Tình trạng mất nước xảy ra tại nhiều khu vực vào giờ cao điểm sử dụng nước, nhất là các hộ dân ở cuối tuyến kiệt, hẻm.

Nước mặn gấp 14 lần mức cho phép khai thác

Theo ghi nhận, một số khu vực mất nước nghiêm trọng như tại tuyến đường Tô Hiệu (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu); đường Ngô Quyền, Thế Lữ (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà)...

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Hương - tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) - cho biết nguyên nhân tình trạng này là do sông Cẩm Lệ đoạn qua Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nghiêm trọng liên tục trong những ngày qua. 

Từ ngày 16-8 đến nay, độ mặn ở đây luôn vượt ngưỡng khai thác nước thô, có thời điểm sông bị nhiễm mặn lên đến hơn 2.666mg/l (vào ngày 19-8, gấp gần 14 lần mức cho phép khai thác), dẫn đến không đủ nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay hoạt động.

Dawaco đã liên tục vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch đưa nước thô về cho 2 nhà máy nước này hoạt động nhưng do công suất tối đa của hệ thống đường ống chỉ chuyển tải nước thô được khoảng 210.000m3/ngày, không đủ nhu cầu thực dụng của thành phố vào khoảng 306.000m3/ngày. 

Từ đó dẫn đến việc suy giảm áp lực và lưu lượng trên hệ thống cấp nước thành phố. 

Sông nhiễm mặn nghiêm trọng, nhiều nơi tại Đà Nẵng lại mất nước - Ảnh 2.

Sông nhiễm mặn nặng, Đà Nẵng phải dựa hoàn toàn vào nước thô lấy từ đập ngăn mặn An Trạch, tuy nhiên đường ống dẫn nước chưa đủ công suất phục vụ sản xuất nước thô nên xảy ra tình trạng hụt nước nhiều nơi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo ông Hương, Dawaco đã liên hệ với Công ty CP Thủy điện A Vương và đề nghị tăng nước xả về sông Vu Gia để đẩy mặn. Đồng thời khuyến cáo người dân có kế hoạch tích trữ nước và sử dụng tiết kiệm trong những ngày tới.

Về lâu dài, Đà Nẵng cũng đang đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước từ trạm bơm An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ đồng thời nâng cấp hệ thống bơm ở An Trạch.

Nhiều sông miền Trung dòng chảy còn 20%

Ông Phạm Văn Chiến - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ - cho biết do lượng mưa suy giảm nên dòng chảy tại các sông trong khu vực đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Số liệu đo được ở các điểm hạ, trung lưu của một số sông như Bến Hải, Thạch Hãn, Thu Bồn - Vu Gia, Trà Khúc trong nhiều tháng qua chỉ bằng 20-60% lượng nước trung bình của các năm.

Sông nhiễm mặn nghiêm trọng, nhiều nơi tại Đà Nẵng lại mất nước - Ảnh 3.

Mưa ít, dòng chảy đo được tại một số nơi còn thấp hơn dữ liệu đo đạc từ trước đến nay. Trong ảnh là một dòng sông khô khốc nước sau khi thủy điện chắn ngang ở Quảng Nam - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Lượng mưa trung bình tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi hồi đầu năm đến nay đều thấp hơn các năm, chỉ từ 350mm - 550mm. Đặc biệt từ tháng 5-7 lượng mưa chỉ xắp xỉ 45-70% so với mọi năm.

"Mưa ít, dòng chảy đo được tại một số nơi còn thấp hơn dữ liệu đo đạc từ trước đến nay. Dòng chảy yếu nên tại một số nơi xảy ra tình trạng sông nhiễm mặn ở mức cao. Có thể thấy trong lịch sử quan trắc chưa bao giờ ở khu vực lại có những dữ liệu "vượt ngưỡng" về nước, nhiệt độ và dòng chảy cũng như tình trạng thiếu hụt nước trên các sông như thời gian qua" - ông Chiến nói.

Ông Chiến cho biết trong thời gian nửa tháng tới đây tình hình cũng không khả quan hơn bởi lượng mưa dự báo cũng không được cải thiện, chỉ 15-30mm. Trừ vài nơi có mưa cục bộ thì nhiều nơi vẫn tiếp tục bị thiếu hụt nguồn nước.

Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng quá tải, bệnh nhân gấp đôi số giường Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng quá tải, bệnh nhân gấp đôi số giường

TTO - Dù quy mô thiết kế 500 giường bệnh nhưng thực tế hiện nay Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng phải tiếp nhận điều trị cùng lúc lên tới 900 bệnh nhân.


TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên