18/10/2023 08:30 GMT+7

Sóng ngầm thị trường xăng dầu - Kỳ 2: Ôm nợ do đổ tiền vào bất động sản?

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Cần phải kiểm tra xem các doanh nghiệp có ứng tạm tiền từ kinh doanh xăng dầu, gồm cả tiền thuế và quỹ bình ổn để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh lĩnh vực khác, như bất động sản, tài chính... dẫn đến nợ đọng thuế.

Các doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế theo công bố của các cục thuế địa phương đặt ra vấn đề hiệu quả kinh doanh - Ảnh: DOÃN HÒA

Các doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế theo công bố của các cục thuế địa phương đặt ra vấn đề hiệu quả kinh doanh - Ảnh: DOÃN HÒA

Đó là yêu cầu của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp xăng dầu khi trao đổi với chúng tôi về tình trạng nợ đọng thuế, chiếm dụng quỹ bình ổn của một số doanh nghiệp đầu mối.

"Nếu doanh nghiệp chỉ thuần túy hoạt động kinh doanh xăng dầu, dù có khó khăn cũng khó có thể nợ thuế lên tới hàng nghìn tỉ đồng, chiếm dụng tiền thuế của dân như vậy. Có những doanh nghiệp đang dùng tiền thuế, quỹ vào hoạt động kinh doanh khác" - một lãnh đạo trong ngành khẳng định.

Nợ thuế, bị ngân hàng siết nợ...

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy nhiều công ty xăng dầu tham gia đầu tư trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng tái tạo, thậm chí "mạnh tay" đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Công ty CP Appollo Oil, được cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu từ tháng 11-2022, có ngành nghề chính là xây dựng nhà ở.

Trên website, Appolo giới thiệu là nhà phát triển dự án chuyên nghiệp, đã đầu tư nhiều dự án bất động sản quy mô lớn tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Trong khi rót vốn vào nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp này lại đứng đầu danh sách các doanh nghiệp nợ thuế.

Có thể kể đến là Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, kinh doanh đa ngành nghề với một hệ sinh thái gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xăng dầu đến bất động sản, khách sạn, năng lượng tái tạo... bị cơ quan thuế Nghệ An thông báo cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn do không nộp tiền nợ thuế lên đến hơn 700 tỉ đồng...

Ngoài vướng nợ thuế, một số công ty còn trở thành con nợ xấu của ngân hàng, bị kê biên thu tài sản.

Chẳng hạn, vào tháng 4-2023, BIDV đã phát đi thông báo về việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá khoản nợ của Công ty CP Dầu khí Đông Phương, với giá trị khoản nợ tạm tính đến hết ngày 11-4-2023 là hơn 1.149 tỉ đồng.

Ngoài một số quyền sử dụng đất, tài sản đảm bảo khoản nợ này còn có nhà máy sản xuất dầu khí Đông Phương.

Chưa hết, tính đến ngày 31-12-2022, theo thông tin từ Cục Thuế TP Cần Thơ, Công ty CP Dầu khí Đông Phương đứng đầu danh sách nợ thuế với số tiền gần 700 tỉ đồng.

Công ty TNHH vận tải thủy đường bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) - đại gia xăng dầu miền Bắc được cấp phép năm 2012 - cũng từng "ôm" khá nhiều các lô trái phiếu doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ 2021 - 2023, Hải Hà Petro đã sử dụng loạt lô trái phiếu làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ở nhiều ngân hàng. Và tính đến tháng 8-2023, doanh nghiệp này nợ thuế hơn 1.700 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp xăng dầu khác là Công ty TNHH Trung Linh Phát, được cấp phép kinh doanh xăng dầu từ năm 2021, cũng vướng nợ xấu ngân hàng.

Cụ thể, cuối tháng 3-2023, MSB đã thông báo thu giữ hàng loạt tài sản của Công ty TNHH Trung Linh Phát do vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Trên website, công ty này giới thiệu đang hoạt động đa ngành: kinh doanh xăng dầu, vận tải, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và xuất nhập khẩu.

Vì sao xăng dầu đầu sổ nợ thuế?

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tại nhiều địa phương nợ thuế xăng dầu gần như đứng đầu trong danh sách nhóm các ngành, lĩnh vực nợ thuế.

Phần lớn số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp là thuế bảo vệ môi trường, là tiền thuế mà người dân phải đóng góp, chi trả trên mỗi lít xăng dầu - do doanh nghiệp xăng dầu thu hộ và phải nộp vào cơ quan nhà nước. Ngoài ra, một số trường hợp nợ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thương nhân đầu mối xăng dầu cho hay tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp xăng dầu ngày càng phức tạp, nhất là khi thị trường xăng dầu có những biến động mạnh những năm trở lại đây.

Trong khi đó, tiền thuế xăng dầu (bao gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) là các khoản "tiền tươi thóc thật", doanh nghiệp thu vào khi xuất bán xăng dầu, có thể thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế ngay.

Do đó, việc để nợ thuế lên đến hàng nghìn tỉ đồng đặt ra nghi vấn rằng một số thương nhân đầu mối đã ứng tạm tiền từ kinh doanh xăng dầu (bao gồm cả tiền thuế, quỹ bình ổn do doanh nghiệp nắm giữ) để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh lĩnh vực khác, như bất động sản, tài chính...

Đến khi thị trường ảm đạm, thanh khoản kém, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khủng hoảng dòng tiền và không có nguồn để bù lại khoản tiền đã "tạm ứng".

"Khi bán xăng dầu, các doanh nghiệp phải thu tiền thuế bảo vệ môi trường và nộp vào ngân sách nhà nước. Nhưng do được nợ thuế nên có thể doanh nghiệp tạm ứng trước khoản tiền này để "bù" vào khoản khác.

Hoặc quỹ bình ổn xăng dầu doanh nghiệp được nắm giữ, hằng tháng báo cáo với cơ quan quản lý. Đến khi làm ăn khó khăn, không hiệu quả do thị trường chung khó khăn, có thể dẫn tới tình trạng chiếm dụng, nợ thuế và ôm luôn quỹ bình ổn" - vị này nói.

Tình trạng nợ thuế xăng dầu diễn ra phức tạp đến mức hồi giữa năm, Tổng cục Thuế đã điểm tên các địa phương có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang nợ thuế lớn như: An Giang, Bến Tre, Cà Mau, TP Cần Thơ, Đồng Nai, TP Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Bình, Thanh Hóa và TP.HCM.

Đặc biệt, để ngăn chặn việc nợ thuế, cơ quan này còn đưa ra loạt biện pháp để thu hồi nợ đọng thuế bảo vệ môi trường bằng cách thường xuyên đôn đốc trong trường hợp nợ thuế đến 90 ngày, áp dụng các biện pháp mạnh hơn như cưỡng chế tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn hoặc các biện pháp cưỡng chế khác theo quy định...

Doanh nghiệp xăng dầu mua bán lòng vòng, rủi ro cao về thuế

Giữa tháng 9-2023, Chi cục Thuế quận Tân Bình, TP.HCM đã chuyển thông tin tới cơ quan công an để điều tra Công ty TNHH Trung Linh Phát, chi nhánh TP.HCM, một trong 38 đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, sau khi phát hiện doanh nghiệp này có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, hóa đơn.

Bộ Tài chính cho hay một số doanh nghiệp xăng dầu có vi phạm trong quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá - Ảnh: KHÁNH LINH

Bộ Tài chính cho hay một số doanh nghiệp xăng dầu có vi phạm trong quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá - Ảnh: KHÁNH LINH

Theo đó, qua rà soát, phân tích hồ sơ khai thuế..., cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp này có doanh thu và thuế VAT đầu ra đầu vào lớn nhưng không phát sinh số thuế VAT phải nộp, có sự chênh lệch giữa doanh thu kê khai thuế VAT và doanh thu xuất hóa đơn và sử dụng hóa đơn VAT mua vào của các doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký và các doanh nghiệp giải thể.

Trong quá trình rà soát, cơ quan thuế phát hiện Công ty TNHH Trung Linh Phát có tình trạng hàng hóa xuất bán lòng vòng, doanh nghiệp bán hàng đồng thời là doanh nghiệp mua hàng. Dù doanh nghiệp hoạt động tại TP.HCM nhưng lại mua hàng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh có nguồn gốc hàng hóa tại TP.HCM.

Cần làm rõ lý do nợ thuế, chiếm dụng quỹ

TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng các doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, miễn là có đăng ký ngành nghề đúng quy định.

Tuy vậy, việc để xảy ra tình trạng vi phạm sử dụng quỹ bình ổn, chiếm dụng quỹ và nợ thuế lớn, cần phải xem lại vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.

"Tôi không hiểu sao lại để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn như vậy, vì hằng quý các doanh nghiệp đã phải chốt sổ báo cáo và tạm nộp các loại thuế, nhưng tại sao lại không có cảnh báo về việc nào từ cơ quan quản lý?

Tôi cho rằng cơ quan thuế cần có thông tin rõ ràng, làm rõ mức độ nợ thuế của doanh nghiệp xăng dầu, phân tích lý do vì sao, để có phương án xử lý" - ông Việt đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Việt, cơ chế hiện nay cho thấy chưa có sự minh bạch của việc sử dụng, quản lý quỹ bình ổn cũng như còn nhiều tranh cãi về hiệu quả vận hành của quỹ này.

Trong khi đó, với cơ chế thiết kế cho phép doanh nghiệp được quản lý quỹ bình ổn được để lại cho doanh nghiệp, lẽ ra việc quản lý và giám sát cần chặt chẽ hơn. Hơn nữa, xăng dầu là lĩnh vực do Nhà nước quản lý và điều tiết, nên cần phải có một cơ chế minh bạch, độc lập, chịu sự giám sát của nhiều bên liên quan

"Cần căn cứ theo các quy định của pháp luật và vi phạm của doanh nghiệp để xem xét việc có đáp ứng các điều kiện kinh doanh về xăng dầu hay không. Trường hợp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện, phải rút giấy phép do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện" - ông Việt nói.

Sóng ngầm thị trường xăng dầuSóng ngầm thị trường xăng dầu

Kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực đặc thù nên lâu nay ít có ai ngoài ngành có được thông tin tường tận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên