Sóng ngầm dưới mặt biển

DANH ĐỨC 09/05/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Vụ tàu ngầm Indonesia thọ nạn mới đây có thể coi là lời cảnh báo về những rủi ro đáng ngại trong vùng biển khu vực, khi mà các “ông lớn” đang thay “đồ chơi” và “luật chơi” trong cuộc chiến dưới mặt biển.

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 được xác nhận bị chìm ở vùng biển phía bắc đảo Bali chiều thứ bảy 24-4, Thông tấn xã Kompas của Indonesia ngậm ngùi loan tin. 

Theo đó, vụ chìm tàu 402 xảy ra trong lúc chiếc tàu ngầm do Đức sản xuất này tham gia cuộc diễn tập nhắm bắn mục tiêu chiến lược của Hải quân Indonesia có sự tham gia của 21 tàu hải quân, 2 tàu ngầm và 5 máy bay. 

Lực lượng diễn tập được triển khai ngay để tìm kiếm tàu ngầm mất tích.

Mất chiếc KRI Nanggala-402, Hải quân Indonesia còn mất đi những người lính dày dạn kinh nghiệm tàu ngầm bậc nhất của họ. Ảnh: Reuters

 

Mất mát lớn lao

Theo kế hoạch, tàu ngầm 402 tiến hành luyện tập mục tiêu ngư lôi vào sáng sớm thứ tư 21-4. 

Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia Laksamana Yudo Margono cho biết trong cuộc họp báo tại Bali sau đó cho rằng cuộc huấn luyện bắt đầu vào khoảng 2h30 sáng theo giờ Tây Indonesia. 

Đến 3h sáng, tàu ngầm 402 được phép lặn xuống độ sâu 13m để chuẩn bị bắn ngư lôi. 13m là độ sâu hoàn toàn ở trong mức an toàn với chiếc tàu ngầm vốn có thể lặn sâu tới 240m này.

Sau khi phóng ngư lôi, tàu sẽ được một tàu hỗ trợ chuyên theo dõi các tàu khác hộ tống - trên tàu này có một đơn vị thủy quân lục chiến Indonesia. 

Tàu hỗ trợ đã đeo bám chiếc 402 ở khoảng cách 50m, khi boong tàu ngầm và tháp liên lạc vẫn còn nhìn thấy được, đúng kế hoạch. Một kế hoạch rất đúng quy trình, an toàn trên hết.

Thế nhưng đến 3h46, theo các giám sát viên, kính tiềm vọng và đèn nhận dạng của 402 từ từ chìm xuống nước và trở nên vô hình. 

Theo Hải quân Indonesia, vào khoảng 4h, tàu 402 phải cho ngập nước ống phóng ngư lôi để chuẩn bị phóng. 

Ông Yudo Margono xác nhận chiếc tàu đã bắn một ngư lôi thật và một ngư lôi huấn luyện không gắn đầu đạn trước khi mất liên lạc, theo CNN 22-4. Tai nạn xảy ra, xác tàu được tìm thấy cách vị trí cuối cùng chỉ khoảng 1,4km, nghĩa là rất nhanh!

Tàu ngầm 402 chở tất cả 53 người: 49 thành viên thủy thủ đoàn, 1 chỉ huy cao cấp và 3 chuyên gia vũ khí. Sĩ quan hải quân cấp cao nhất trong tàu là đại tá Harry Setyawan, chỉ huy trưởng đơn vị tàu ngầm gồm 5 chiếc của Bộ tư lệnh hạm đội 2 - ông này là một sĩ quan tàu ngầm kỳ cựu, tốt nghiệp Học viện Hải quân và nhận nhiệm sở đầu tiên ở chính chiếc 402. 

Chỉ huy trực tiếp tàu ngầm là cấp dưới của ông, trung tá Heri Oktavian.

Nếu tính từ khi chiếc 402 bắt đầu được đưa vào phiên chế Hải quân Indonesia, năm 1981, nhiều thế hệ thủy thủ đoàn và chỉ huy lần lượt kinh qua ở đây có thâm niên công vụ vô giá trong một lĩnh vực mà kinh nghiệm thực sự là chuyện sống còn.

Tại Hội nghị tàu tuần tiễu viễn dương châu Á - Thái Bình Dương 2012, chủ tịch hội nghị, nguyên phó đề đốc Radahkrishnan của Hải quân Ấn Độ, nói riêng với diễn giả đến từ một nước mới bắt đầu trang bị tàu ngầm rằng phải mất 5 năm để các vị trí thuần thục việc vận hành một con tàu, và thêm 5 năm nữa để học "đường đi nước bước" dưới biển cùng chiến thuật tác chiến.

Thêm nữa, thủy thủ đoàn chiếc 402 của Indonesia đã nhiều lần tham gia huấn luyện với hải quân các nước tại những vùng biển xa, như năm 2002 và 2015 tham gia diễn tập CARAT với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cùng hải quân một số nước ASEAN, năm 2004 là diễn tập Hành quân hỗn hợp hải quân ở Ấn Độ Dương, năm 2012 phối hợp với Hải quân Mỹ...

Các diễn tập đó nhằm làm quen và thụ huấn một số kỹ năng hải hành và tác chiến tương tự các đối tác, chưa kể năng lực thông tin liên lạc, vận động thống nhất trong đội hình đa quốc gia, đa phương tiện. 

Có thể mở ngoặc đơn: chính nhờ thường xuyên tham gia diễn tập mà Hải quân Indonesia có thể phối hợp với hải quân Úc, Singapore, Malaysia khá trơn tru trong nhiệm vụ tìm kiếm tàu ngầm bị nạn. 

Kinh nghiệm là cần thiết cho mọi lĩnh vực, nhưng với lĩnh vực tàu ngầm, đó là yếu tố tối thượng: một phó đô đốc Hải quân Pháp, ngay khi có tin tàu 402 mất tích, có thể ngó bản đồ và phán tàu nhiều khả năng đã chìm xuống dưới độ sâu 700m và vỡ tan!

Tại sao?

Diễn biến cũng như lý do thảm kịch khiến toàn thể thủy thủ đoàn thiệt mạng và con tàu vỡ làm ba ở độ sâu khoảng 850m vẫn còn trong vòng điều tra và bí mật, tất nhiên. 

Song, có những dấu hỏi có thể đặt ra. Tại sao lại có một cuộc thao diễn huy động đến 21 tàu? Tại sao thao diễn lại ở vùng biển có độ sâu lớn vậy? Tại sao tập phóng ngư lôi, đặc biệt là lúc 3-4h sáng? Có gì thôi thúc cuộc tập trận này?

21 tàu được huy động là chuyện không bình thường ngay cả với một lực lượng hải quân có quân số đông đến 75.000 người (đông nhất Đông Nam Á), chia thành ba hạm đội 1, 2 và 3, gồm 236 tàu lớn nhỏ - lớn thì đeo chữ KRI, viết tắt của “chiến hạm thuộc Cộng hòa Indonesia”, còn nhỏ hơn, cụ thể là dài dưới 32m, thì đeo chữ KAL, tức “tàu hải quân”.

Còn chuyện diễn tập ở vùng nước sâu hơn 800m là do những vùng biển bao quanh Indonesia có độ sâu rất phức tạp với địa hình đáy biển hết sức đa dạng. 

Vùng biển Bali có chỗ sâu tới 1.590m, trong khi vùng biển quanh Java độ sâu cơ bản chỉ khoảng 46m, rồi hành lang từ biển Banda qua Ấn Độ Dương lại là 1.000-1.500m. Ra chỗ sâu, nhưng chỉ định lặn và phóng ngư lôi ở độ sâu 13m là quá cẩn trọng rồi!

Còn điều gì thôi thúc tập luyện săn ngầm và khi trời chưa sáng thì phải hỏi thiên hạ. Ngày 9-1 vừa rồi, India Today đăng một bài đánh động: “Trung Quốc có thể đang sử dụng các tàu ngầm không người lái ẩn náu dưới đáy biển Indonesia”. 

UUV Hải dực của Trung Quốc đã được sản xuất hàng loạt phục vụ các mục đích dân sự. -Ảnh: freshnewsasia.com

 

Tác giả đưa dẫn chứng: “Hơn hai tuần trước, ngư dân Indonesia tìm thấy một vật thể không người lái dưới nước gần đảo Selayar ở biển Flores của Indonesia, mà theo các chuyên gia là một tiềm thủy đỉnh không người lái (UUV) có tên China Sea Wing. UUV này được tìm thấy gần đảo Selayar ở Nam Sulawesi, cách xa vùng biển Trung Quốc”. 

Đúng là kỳ khôi việc UUV Trung Quốc “lặn” được xa như vậy: khoảng cách từ Selayar của Indonesia tới đảo Hải Nam của Trung Quốc là tới hơn 3.000km.

Chế tạo và sản xuất hàng loạt thiết bị UUV kiểu Sea Wing (Hải dực, nghĩa là “Cánh biển”, chữ “dực” có cả nghĩa “cánh chim” lẫn “cánh quân”) là chuyện bình thường mà Viện đại dương học của Hàn lâm viện khoa học Trung Quốc đã làm, hoàn thành và thử nghiệm chiếc đầu tay trong 30 ngày trên Biển Đông từ năm 2014. 

Công khai thì Sea Wing được sử dụng cho nghiên cứu hải dương học, với các cảm biến đo nhiệt độ nước biển, độ mặn, độ đục, chất diệp lục, hàm lượng oxy, sự thay đổi dòng chảy đại dương... Năm 2015, các thiết bị này từng được triển khai ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và các vùng biển khác ở Tây Thái Bình Dương.

Song nay, sự xuất hiện của những thiết bị này trở nên hơi quá thường xuyên và thường không có thêm các thông tin công khai, minh bạch, nên đã làm xuất hiện nhiều đồn thổi. 

Lấy ví dụ, báo Anh The Guardian 31-12-2020 viết: “Các chuyên gia cho rằng có khả năng thiết bị lặn dưới nước không người lái này của Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển trên tuyến hàng hải chiến lược từ Biển Đông đến Úc... có thể được sử dụng để vạch lộ trình cho các tàu ngầm Trung Quốc”. 

Tức Sea Wing là một phần trong nỗ lực lập bản đồ đáy biển, xác định các vực sâu, hẻm đá ngầm dưới nước, bãi san hô, vách đá...

Việc một thiết bị dân dụng trở thành quân dụng (và ngược lại) cũng không có gì lạ trong quân sử thế giới. Indonesia tổ chức tập trận quy mô cỡ đó, bao gồm cả phóng ngư lôi, không loại trừ mục tiêu (không nói ra) là dò quét các UUV kia!

Xem ra, không chỉ có mặt biển ở Tây Thái Bình Dương là dậy sóng, những sóng ngầm dưới đáy biển cũng đang dồn dập không kém!■

UUV Trung Quốc có thể sẽ sớm trở thành chủ đề nóng mới, không chỉ ở Biển Đông. 

Website nghiên cứu quốc phòng và an ninh RUSI từng bình luận: “Sự cố vật thể lặn dưới nước không người lái chỉ rõ Trung Quốc đang mở rộng thu thập thông tin tình báo”, và: “Những nỗ lực rõ ràng của Trung Quốc nhằm khảo sát trong lãnh hải của quốc gia khác…, sự gia tăng các UUV đặt ra những thách thức mới với các chính phủ. Ngay cả những UUV dân dụng có vẻ vô hại, được sử dụng để thu thập dữ liệu thủy văn, cũng có thể gây ra rủi ro an ninh lâu dài”.

Tác giả liệt kê một vài vụ việc đã được thông tin rộng rãi: Ngày 16-11-2016, một UUV được tìm thấy gần Quảng Ngãi, Việt Nam; 12-2-2019, một UUV khác ở gần mũi phía bắc đảo Bangka, Indonesia; rồi ngày 23-3-2019 ở quần đảo Riau, cũng Indonesia. 

Chiếc này gắn nhãn rõ ràng với dòng chữ “Hải dực - Viện Tự động hóa Thẩm Dương, Trung Quốc, Học viện Khoa học Trung Quốc”. Tác giả bài viết trên RUSI nhận định hai vụ phát hiện UUV liên tiếp ở Indonesia cách nhau một quãng thời gian ngắn cho thấy có khả năng hai thiết bị xuất phát từ cùng một tàu mẹ.

Và đó mới là một số vụ được thông tin công khai. Forbes 22-3-2020 đếm được hơn một chục vụ nữa ở một đại dương khác: “Trung Quốc triển khai 12 UUV ở Ấn Độ Dương”. Theo các nguồn tin có thẩm quyền, “Trung Quốc phóng ra 14 UUV từ tàu khảo sát Xiangyanghong 06 (Hướng Dương Hồng), song 2 chiếc bị trục trặc… Tất cả mang danh nghĩa khảo sát cho dự án hỗn hợp nghiên cứu sinh thái và đại dương thuộc Bộ Tài nguyên”. 

Cụ thể, “theo các nguồn tin Chính phủ Trung Quốc, số UUV không người lái được phóng vào giữa tháng 12-2019 và thu hồi vào tháng 2-2020 đã thực hiện hơn 3.400 quan sát”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận