Tối 3-12, khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp, nhiều người Hàn Quốc đã lo sợ một thời kỳ đen tối sẽ một lần nữa bao trùm xứ sở kim chi.
Tuy nhiên, chỉ 6 tiếng sau đó, đích thân ông Yoon đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật theo yêu cầu của Quốc hội mà Đảng Dân chủ đối lập đang kiểm soát quá bán số ghế. Trong số những người ngả về phe đối lập, có cả các nghị sĩ thuộc Đảng Quyền lực nhân dân của Tổng thống Yoon.
Diễn biến nhanh chóng, kịch tính này một lần nữa cho thấy trong chính trường Hàn Quốc, không gì là không thể xảy ra và chỉ xoay quanh hai chữ "lợi ích".
Căng thẳng âm ỉ từ lâu
Trong bài phát biểu tối 3-12 khi ban bố thiết quân luật, Tổng thống Yoon đã "kể tội" phe đối lập tại Quốc hội Hàn Quốc. Đó là việc họ theo đuổi luận tội hàng chục quan chức trong chính quyền đương nhiệm, là việc họ thiết lập "chế độ độc tài lập pháp" khi ngăn chặn và cắt giảm đề xuất ngân sách của Chính phủ.
Những việc này, theo ông Yoon, đã làm tê liệt ngành tư pháp Hàn Quốc, làm suy yếu các chức năng thiết yếu của nhà nước, biến đất nước này thành thiên đường của tội phạm ma túy trong khi người dân đối mặt với khủng hoảng sinh kế.
"Hàn Quốc đang trong tình thế khó khăn, khi đất nước có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào và đang trên bờ vực của sự hủy diệt", ông Yoon nhấn mạnh. Trước những nguy cơ đó, ông Yoon tuyên bố áp đặt thiết quân luật để "bảo vệ Hàn Quốc tự do khỏi các mối đe dọa từ Triều Tiên, cũng như nhằm tiêu diệt các thế lực phản quốc đang cướp bóc tự do và hạnh phúc của nhân dân".
Các lập luận của ông Yoon phản ánh một phần sự căng thẳng giữa chính quyền của ông với Đảng Dân chủ đối lập. Trên thực tế, ngọn lửa đối đầu đã âm ỉ từ lâu, đặc biệt từ sau cuộc bầu cử năm 2022.
Trong cuộc bầu cử này, ông Yoon đã thắng nhờ hơn đối thủ Lee Jae Myung của Đảng Dân chủ khoảng 240.000 phiếu bầu.
Thất bại này là một trái đắng khó nuốt trôi với Đảng Dân chủ, khi họ từ vị thế đảng cầm quyền và có người trong Nhà Xanh (Tổng thống Moon Jae In nắm quyền từ tháng 5-2017 đến tháng 5-2022) trở thành đảng đối lập.
Nhưng dù là phe đối lập, Đảng Dân chủ vẫn chiếm nhiều ghế tại Quốc hội hơn Đảng Quyền lực nhân dân.
Kết quả là chính quyền của Tổng thống Yoon đã đối mặt hết rào cản này tới rào cản khác tại Quốc hội trong các vấn đề ngân sách, quản lý nhà nước, luật pháp, cải cách thuế,...
Đảng Dân chủ cũng chủ trương mềm dẻo với Triều Tiên trong khi Tổng thống Yoon tuyên bố sẽ cứng rắn với người láng giềng phía bắc và xích lại gần hơn với Mỹ.
Tại cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4-2024, khoảng cách về số ghế giữa hai bên càng được nới rộng khi phe đối lập giành chiến thắng lớn.
Vị tổng thống thứ 13 của Hàn Quốc đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào cuộc bầu cử trên, với hy vọng Đảng Quyền lực nhân dân sẽ giành được quyền kiểm soát Quốc hội, qua đó thông qua các luật quan trọng để hiện thức hóa các cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, thắng lợi của các đảng đối lập đã khép lại mọi hy vọng, đưa ông Yoon trở thành tổng thống đầu tiên kể từ năm 1987 phải làm việc với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát trong suốt 5 năm nhiệm kỳ của mình.
Lợi ích đảng và lợi ích quốc gia
Nói với Tuổi Trẻ Online, một nhà quan sát chính trị Hàn Quốc cho biết tình thế đối đầu giữa Quốc hội và Nhà Xanh mấy năm qua khiến người dân cảm thấy mệt mỏi.
Trong khi dân thường mong muốn thấy sự đoàn kết trong Quốc hội, muốn có các biện pháp để vực dậy kinh tế và giảm bớt các khó khăn sau đại dịch COVID-19, các chính trị gia của hai đảng chỉ chăm chăm tìm cách hạ bệ uy tín lẫn nhau để chứng minh với người dân họ mới là người có năng lực và trong sạch.
Việc Đảng Dân chủ đối lập kiểm soát Quốc hội chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sâu xa hơn, đó là sự đấu đá chính trị giữa các đảng phái để củng cố vị thế, mở đường cho người của họ tiếp tục ở lại Nhà Xanh.
Sau những kinh nghiệm xương máu khi trải qua các chế độ Park Chung Hee hay Chun Doo Hwan, Hiến pháp Hàn Quốc quy định mỗi tổng thống đắc cử chỉ được có một nhiệm kỳ và không quá 5 năm.
Để duy trì quyền lực cầm quyền của đảng mình, các tổng thống đời sau thường tìm cách củng cố uy tín và dọn đường cho các ứng viên cùng đảng. Mặt khác, với các đảng đối lập và những đối thủ tiềm tàng, họ tìm cách hạ bệ bằng các cuộc điều tra hình sự, truy tố, luận tội.
Điều này khiến cả hai bên rơi vào vòng xoáy của thù hận và trả đũa theo kiểu ăn miếng trả miếng. Hay ví von như giáo sư Cho Youngho ở Đại học Sogang (Hàn Quốc), chính trường Hàn Quốc là một vũ đài của những võ sĩ giác đấu - tức một mất một còn.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Lee Jae Myung liên tục bị nhắm tới trong các năm 2022, 2023 và 2024 trong các cuộc điều tra, cáo buộc tham nhũng và yêu cầu bắt giữ. Song Quốc hội mà đảng ông chiếm đa số đã đứng ra bảo vệ.
Người tiền nhiệm của ông Yoon, ông Moon Jae In thuộc Đảng Dân chủ, bị điều tra vào tháng 9-2024 vì quá trình thăng tiến của con rể sau khi ông nhậm chức. Trước đó, không lâu sau khi ông Yoon lên nắm quyền, một vụ việc liên quan công chức Hàn Quốc đào tẩu sang Triều Tiên năm 2020 cũng đã được xới lại.
Đảng Dân chủ phản đối các động thái trên, cho rằng nó có động cơ chính trị và nhắm tới mục tiêu cuối cùng là hạ bệ uy tín cựu tổng thống cùng đảng này.
"Hạ hồi phân giải?"
Có thể thấy việc Tổng thống Yoon ban bố tình trạng thiết quân luật ngày 3-12 là một giọt nước tràn ly sau nhiều năm liền căng thẳng giữa chính quyền của ông với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Việc thiết quân luật đã được dỡ bỏ nhanh chóng có thể được ông Yoon sử dụng như một ví dụ cho thấy tinh thần "thượng tôn pháp luật" khi làm theo yêu cầu của Quốc hội và Hiến pháp.
Tuy nhiên, nó khó có thể làm nguôi giận các nhà lập pháp đối lập và một bộ phận các nghị sĩ thuộc Đảng Quyền lực nhân dân, những người cũng cần chứng minh với cử tri rằng họ luôn lắng nghe ý kiến của người dân để giữ được ghế cho kỳ bầu cử tới.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, Đảng Dân chủ đã yêu cầu Tổng thống Yoon phải từ chức ngay lập tức. Họ lập luận nếu ông Yoon từ chối, hành động trong đêm 3-12 của ông sẽ cấu thành tội phản quốc, kích động nổi loạn và đó sẽ là cơ sở để khởi động tiến trình luận tội tiến tới bãi nhiệm.
Điều 65 của Hiến pháp Hàn Quốc quy định việc luận tội phải được quá bán số nghị sĩ của Quốc hội đề xuất. Nếu 2/3 tổng số nghị sĩ đồng ý, tổng thống sẽ bị đình chỉ chức vụ và chờ hình thức xử lý của Tòa Hiến pháp với mức cao nhất là phế truất.
Quốc hội Hàn Quốc hiện có 300 ghế, trong đó Đảng Dân chủ đối lập đang kiểm soát hơn 170, tức quá bán để có thể khởi động tiến trình luận tội.
18 nghị sĩ Đảng Quyền lực nhân dân, trong đó có lãnh đạo của đảng này, đã đứng cùng phe đối lập khi thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Lược sử từ Nhà Xanh đến nhà tù
Lịch sử gần đây của Hàn Quốc chứng kiến không ít các cựu tổng thống và kể cả tổng thống đương nhiệm đối mặt với các cuộc điều tra, xét xử và kết án.
Nữ tổng thống Park Geun Hye là người gần đây nhất bị luận tội và phế truất vào năm 2017 sau đó bị kết án tù.
Người tiền nhiệm của bà, ông Lee Myung Bak (nắm quyền từ năm 2008-2013) cũng bị bắt vì liên quan đến hàng loạt cáo buộc hối lộ, lạm quyền, biển thủ, trốn thuế. Ông bị kết án 17 năm tù năm 2020 nhưng được Tổng thống Yoon ân xá vào năm 2022.
Trước đó, cựu tổng thống Roh Moo Hyun (nắm quyền từ 2003-2008) tự tử trong quá trình bị điều tra tham nhũng. Xa hơn, hai nhà lãnh đạo Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo bị kết án năm 1996 cho các tội tham nhũng, phản quốc nhưng chỉ chịu án vài năm tù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận