Phóng to |
Ảnh minh họa: afranko.com |
Không có việc gì là vô nghĩa
22 tuổi, tôi tốt nghiệp một trường ĐH dân lập tại TP.HCM. Được thông tin của bạn học cũ, tôi xin vào làm chuyên viên cho một trung tâm thuộc Bộ Khoa học - công nghệ. Công việc không đúng chuyên ngành, làm cho cơ quan nhà nước (vốn có tiếng là không năng động), lại thường xuyên công tác xa nhà với mức lương thấp khiến nhiều người bạn của tôi băn khoăn, từ chối. Còn tôi, lý giải cho lựa chọn này chỉ đơn giản là vừa ra trường, có nơi nhận vào đã là may mắn; lương dù ít vẫn tốt hơn ở nhà!
Nửa năm tiếp theo, tôi càng lúc càng cuốn mình vào công việc. Biết xuất phát điểm của mình không bằng đồng nghiệp, lại không muốn có cảm giác lúng túng khi bị khách hàng hay sếp phê bình nên từ việc nhỏ đến việc lớn, nếu thấy sắp đến thời hạn mà vẫn chưa xong, tôi lại tự ngồi gõ tài liệu, tự chạy đi làm thủ tục, tự đón xe từ TP.HCM đến tận Cà Mau tìm hiểu, giải quyết.
Dù khoảng thời gian ấy thật vất vả, nhưng tôi thấy rõ mình trưởng thành và hiểu biết hơn rất nhiều. Có lúc mệt mỏi hay gặp sự cố đến mức muốn nghỉ việc, tôi lại nhủ rằng “khó khăn này là điều hiển nhiên phải có” và cố gắng nghĩ ra vài lý do để vui thích mỗi khi hoàn thành một việc gì đó, dù rất cỏn con và giản đơn!
Một ngày, nhận tin nhắn của sếp “em có thể quyết định dự án này, vì em biết nghĩ cho khách hàng hơn các bạn khác”, tôi thật sự ngỡ ngàng, xúc động và nhận ra những gì mình trải qua không hề vô nghĩa… Tin nhắn ấy không chỉ là niềm vui mà còn là một cột mốc khiến tôi nhận thức được rằng tôi may mắn vì có một lời giới thiệu, nhưng để xứng đáng hơn với bất kỳ điều gì, tôi không ngừng phải tự bước đi mỗi ngày. Và tôi đã nhấc chân bước tiếp trên con đường mới mẻ ấy một cách thật tự tin.
Ai cũng có cơ hội, chỉ là bạn sử dụng nó thế nào
Gần hai năm sau, tôi đã là phó đại diện của cơ quan tại miền Nam. Vượt qua những đồng nghiệp có kiến thức chuyên ngành căn bản khác, tôi được sếp - trước khi nghỉ hưu - đề cử trước ban giám đốc với niềm tin tôi đủ dũng cảm, sự uy tín và kiên nhẫn để phát triển văn phòng đại diện.
Những người bạn học cùng ĐH của tôi lúc này bảo tôi: Mày thật may mắn. Còn tôi, vẫn luôn nhớ mình bắt đầu từ đâu để duy trì thói quen học hỏi mỗi ngày, tự động viên khi gặp khó khăn và chủ động đặt ra mục tiêu để hoàn thành công việc thật cụ thể.
Thế nhưng, một năm rưỡi sau ngày nhận vị trí mới, bác sĩ phát hiện tôi mắc phải căn bệnh hiếm gặp. Nó đã lấy đi toàn bộ sức khỏe của tôi. Bốn tháng nằm chữa trị với hai lần nằm máy thở, một cuộc phẫu thuật khiến tôi trông “bèo nhèo” không thể tưởng. Trở lại cơ quan, tôi thấy mình may mắn khi vẫn được mọi người chia sẻ và tin cậy giữ lại. Không thể đi công tác xa, nhưng kiến thức thực tế cùng với việc nắm rõ hoạt động văn phòng vẫn giúp tôi có thể hỗ trợ đồng nghiệp trong các dự án.
Vậy mà đến lúc này, phần xấu trong tôi lại được dịp trỗi dậy. Mỗi khi mệt mỏi, tôi lại lấy bệnh tật làm cái cớ để thả trôi mình. Tôi đổ lỗi cho sức khỏe, đổ lỗi cho hoàn cảnh đã khiến tôi không thể làm tốt hơn. Sau một năm mãi mà không khỏe hơn như bác sĩ dự liệu, tôi lờ mờ nhận ra có lẽ do được an ủi và ưu ái quá nhiều, tôi hay cảm thấy mình đáng thương thay vì tự khuyến khích mình như trước. Và điều này càng khiến sức khỏe tôi cứ tệ đi khi luôn để mặc mình chìm trong những cơn stress và buồn bực... Tôi quyết định ra đi vì không muốn cách sống này trở thành một thói quen không thể đổi.
Tôi làm hồ sơ, đăng ký thi tuyển làm phóng viên một tờ báo mà có hình dung tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ được vào nơi ấy. Có lẽ cái quyết tâm “nếu sống, phải sống thật ý nghĩa” đã khiến tôi quên hết bệnh tật, lao vào tìm tòi tài liệu, cố gắng phát huy khả năng và vốn hiểu biết ít ỏi của mình để đạt được điều mơ ước.
Công việc chỉ kéo dài vỏn vẹn một năm, nhưng là một năm tôi sống trong hạnh phúc khi được thỏa nguyện đam mê, sức khỏe lại dần tốt hơn vì tôi thấy mình đang “sống”, vì niềm vui cứ chực chờ nở bừng trong tim tôi. Tạm biệt khoảng thời gian ấy, tôi bình tĩnh hơn và chọn nghề nhân sự làm tương lai lâu dài. Nó phù hợp với tình hình sức khỏe và tôi vẫn có thể tìm được niềm vui nhẹ nhàng hơn cho riêng mình.
Nhiều bạn khi chuyển ngành thường cho rằng mình không may mắn vì đã mất thời gian làm công việc cũ quá lâu. Tuy nhiên, nếu biết cách lẩy những điểm mạnh từ công việc cũ, đó sẽ là sự khác biệt nổi trội của bạn để thuyết phục nhà tuyển dụng. Và sau đó hãy học không ngừng như một sinh viên mới ra trường để thành công hơn trong công việc mới.
Không thể tránh khỏi những lúc khó khăn, những lúc bạn xao động trước những biến cố của cuộc đời. Nhưng giờ đây, khi đang là phó phòng đào tạo nhân sự của một công ty châu Âu với hơn 2.000 lao động, tôi chỉ muốn chia sẻ rằng chỉ có học và học, luôn tự khích lệ và không cho phép bản thân được thả mặc bất cứ lúc nào, bạn sẽ có một cuộc sống thật sự ý nghĩa và xứng đáng. Nhấc chân lên, bước đi từng bước một, dù có khi chậm và nặng trĩu, nhưng đến một ngày bạn cũng sẽ gặp ngã rẽ phù hợp nhất cho chính mình!
Bạn có từng hay đang rơi vào hoàn cảnh "sống mòn", "sống làng nhàng"? Bạn có đang mắc kẹt trong việc không xác định được những động lực để phấn đấu? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn cùng TTO qua địa chỉ [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận