Giải pháp dùng bao cát quăng xuống khu sạt l ở của An Giang tiêu tốn nhiều tiền nhưng chưa hiệu quả - Ảnh: CHÍ QUỐC
Đoạn đường đến xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, An Giang) dọc tuyến quốc lộ 91 mùa này vắng bất thường.
Đìu hiu xóm sạt lở
Cuộc sống người dân nơi này trở nên lặng trầm hơn nhiều so với trước thời điểm sạt lở. Dưới dòng sông Hậu, các lồng bè nuôi cá cũng thưa thớt sau những lần con nước trở mình cuồng nộ.
Nhìn đoạn đường phía trước nhà, nơi cách đây vài tháng bị sạt lở nghiêm trọng, ông Lê Văn Tuấn (65 tuổi) thở dài. Đoạn đường một thời nhộn nhịp với hàng ngàn xe khách nối đuôi nhau mỗi mùa lễ hội vía Bà giờ chỉ lác đác vài bóng người trong xóm. Những dãy nhà đóng cửa im ỉm...
Khu vực sạt lở được rào chắn cấm xe cộ qua lại, nên cảnh càng thêm hiu hắt. Gió bấc mang hơi nước sông Hậu thổi vào đất liền se sắt lạnh buồn. Với những cư dân sống bên miệng "hà bá" thì lòng dạ cũng đầy ngổn ngang.
"Buôn bán nước uống giờ ế ẩm lắm, ngày nào đỡ cũng chỉ ngót nghét trăm ngàn, toàn bà con trong xóm ghé ủng hộ. Tui rầu hết sức, mấy ngày trước có đoàn đến khảo sát, không biết chừng nào mới khởi công lại" - ông Tuấn than thở về quán nước của mình đang bị... "hà bá" đuổi khách.
Cách đó vài căn nhà, vựa gạo nhà anh Lâm Quang Khắc cũng tình cảnh ế ẩm. Hàng trăm bao gạo ngổn ngang tồn kho khiến anh ngán ngẩm, nhưng vẫn phải cắn răng chịu vì đường bị rào chắn ít ai qua lại.
"Ngày trước còn làm ăn được, có tiền lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Vừa rồi bà xã sinh đứa thứ 3, tui phải mần thêm mấy công lúa để có đồng ra đồng vào trang trải. Thiệt éo le hết sức" - anh Khắc chặc lưỡi chia sẻ.
Vừa dứt lời, điện thoại anh Khắc reo. Mối quen đặt mua bao gạo. Anh mừng rỡ như trẻ được quà...
Chúng tôi gặp ông Trần Văn Đảm (79 tuổi) nằm vắt mình trên chiếc võng cũ kỹ trước thềm nhà. Ông lão cũng như nhiều cư dân vùng sạt lở đã quen dần cuộc sống không tiếng còi xe. Nhà ông may mắn có 40 công ruộng, nên không phải bỏ đi xứ người mưu sinh như chòm xóm.
"Mấy năm nay mần lúa đâu còn ăn như trước, làm một công lúa ba tháng trời dãi nắng dầm mưa lời nhiều lắm cũng chỉ 2 triệu đồng. Rồi lại bị "hà bá" đuổi, hỏi sao dân đây không bỏ đi biệt" - ông Đảm trải lòng.
Những ngày tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rõ khoảng 30 hộ vùng sạt lở thì ngoại trừ vài người có ruộng đất, đa số còn lại đều lưu lạc. Họ đi gần thì Châu Đốc, Long Xuyên, còn xa thì đến tận TP.HCM, Bình Dương kiếm sống.
Câu nói đùa "đi Bình Dương bán nước tương" ám chỉ những cảnh đời nghèo khó phải ly hương làm công nhân, phụ hồ trở thành câu cửa miệng của người xóm sạt lở Bình Mỹ mỗi khi nghe phong thanh có gia đình nào đó rời đi.
Trẻ em đi học ngang qua vùng sạt lở xã Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang - Ảnh: T.NHƠN
Tái định cư trong nỗi lo
Vụ sạt lở nuốt chửng 14 căn nhà cách đây vài năm tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) vẫn còn in hằn trong trí nhớ nhiều người, nhất là cư dân bên sông. Chúng tôi về đây khi dự án kè đang được thực hiện để bảo vệ vùng ảnh hưởng sạt lở.
Ngồi bên những ngôi nhà nứt toác, trơ khung là một phụ nữ đứng tuổi tóc đã hoa râm. Dù không bị ảnh hưởng trong đợt thiên tai đó, nhưng nhà bà đang ở cũng rất gần vành đai sạt lở. Bà từ chối cho chúng tôi biết tên vì sợ bị... "hà bá gọi tên".
"Hi vọng đoạn kè mới sẽ vững chãi để tui yên tâm sinh sống, chứ nhớ cảnh "hà bá" nuốt chửng quá nhiều căn nhà giờ tui vẫn còn rùng mình" - bà nói giọng run run.
Tết nhất sắp đến, gánh nặng mưu sinh lại càng nặng vai người dân vùng sạt lở. Đó là chuyện hàng chục hộ dân được bố trí vào ở khu dân cư Mỹ Hòa (xã Mỹ Hội Đông) phải chật vật mưu sinh và làm sao có tiền xây nhà trên những nền tái định cư.
Dọc tuyến đường vào khu dân cư là những dãy nhà xây dựng dang dở của một doanh nghiệp hứa tài trợ, nhưng cuối cùng vẫn chưa hoàn thành vì họ khó khăn. Một mùa tết lại về và nhiều hộ dân trong đợt thiên tai sạt lở năm nào vẫn chưa thể mơ về một mái ấm đủ đầy.
"Cái bận chính quyền cho bốc thăm chọn nền hoặc chọn nhà, ai bốc trúng nhà cũng mừng. Vậy mà nay chính họ lại rầu thúi ruột vì nhà không biết khi nào mới hoàn thành, phải ở nhờ ở đậu" - bà Hà Thị Triệu, người dân được bố trí tái định cư, chia sẻ.
Đứng gần bên, bà Nguyễn Thị Tua chen ngang: "Tui bốc trúng nền tưởng xui mà giờ hên cậu ơi, không phải đợi chờ mòn mỏi. Mấy người bốc trúng nhà giờ tứ tán hết".
Nhờ bốc trúng nền tái định cư mà hiện bà Triệu, bà Tua đã cất được nhà trên phần đất của mình. Dù vẫn còn nợ tiền của cửa hàng vật tư xây dựng, nhưng trong mắt hai người phụ nữ đã bớt nỗi lo như nhiều hàng xóm của mình.
Bà Tua cho biết dân chịu ảnh hưởng sạt lở phần đông đều nghèo khó, cuộc sống bấp bênh. "Phần lớn bà con đều trồng lúa, thu hoạch rau màu hoặc buôn bán nhỏ kiếm sống. Ai cũng ước ao có cái nhà lành lặn đặng yên tâm đi mần ăn" - bà Tua trải lòng.
Kết thúc câu chuyện, bà Triệu vào nhà lấy thức ăn cho đàn gà nuôi trên nền tái định cư bỏ hoang trong khi bà Tua đẩy xe hàng khuất dần sau lời rao...
Rạng sáng 20-8, đoạn quốc lộ 91 ngang qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang) bị sạt lở với chiều dài khoảng 35m, khiến tuyến quốc lộ qua đây đổ sụp xuống sông Hậu.
Thời điểm sạt lở diễn ra khi cơ quan chức năng đang tiến hành lấp hố xoáy và kè bao cát cho đoạn sạt lở trước đó gần một tháng.
Trong khi đó, vụ sạt lở kinh hoàng ngày 22-4-2017 tại sông Vàm Nao ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang làm 14 căn nhà sụp xuống sông và 108 hộ phải di dời khẩn cấp...
Cần hỗ trợ dân sạt lở ổn định cuộc sống
Vụ sạt lở kinh hoàng ở bờ kênh xáng Tân An, thị xã Tân Châu, An Giang vào cuối tháng 10 vừa qua - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ông Ngô Hoàng Hiếu - chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, An Giang - cho biết cuộc sống người dân hậu sạt lở luôn là vấn đề nhức nhối được địa phương quan tâm.
Về khu tái định cư xã Mỹ Hội Đông, sau khi doanh nghiệp hứa tài trợ rồi bỏ đi vì hết tiền, UBND huyện đã họp lấy ý kiến bà con và đang làm hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để tiếp tục hoàn thiện nhà.
"Hiện 28 hộ chưa có nhà ở. Riêng những hộ ở nơi có nguy cơ sạt lở đã được Sở TN-MT cảnh báo, chúng tôi tiếp tục vận động bà con vào nơi an toàn hơn" - ông Hiếu chia sẻ.
Theo ông Hiếu, toàn huyện Chợ Mới có 16 điểm nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài trên 44km. Trên 600 hộ dân nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở.
"Chúng tôi đã kiến nghị nhiều, nhưng hiện không có vốn nên không thể xây dựng khu dân cư cho bà con. Riêng xã Mỹ Hội Đông có trên 200 hộ hiện có nguy cơ sạt lở cao" - ông Hiếu cho biết.
BỬU ĐẤU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận