Sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan chuyển sang màu xanh ngọc kỳ lạ - Ảnh: Bangkok Post
Theo báo Bangkok Post, nước sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh đông bắc Nakhon Phanom của Thái Lan mấy ngày trước bỗng chuyển sang màu xanh lục. Đây là một hiện tượng lạ khiến con sông trông đẹp lung linh nhưng các chuyên gia hết sức lo lắng.
Mực nước sông Mekong ở đoạn này hiện chỉ đạt khoảng 1m - mức thấp nhất trong 50 năm qua. Cồn cát đã xuất hiện giữa lòng sông ở các khu vực Tha Uthen và Muang, một số trải dài đến 2-3km và diện tích đến vài trăm ngàn m2.
Màu nước kỳ lạ của sông Mekong thu hút nhiều người dân hiếu kỳ đến chụp hình, tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu báo trước hạn hán - thiếu nước sẽ hết sức nghiêm trọng trong những tháng tới.
Ông Arthit Panasoon, chủ tịch một nhóm bảo tồn ở Nakhon Phanom, giải thích rằng dù màu nước trông đẹp nhưng đó là một dấu hiệu xấu cho thấy sông đang khô cạn. Các chuyên gia gọi đây là "hiệu ứng dòng nước đói".
Do nước sông hiện đang quá cạn, dòng chảy chậm lại khiến phù sa - vốn thường bị khuấy lên từ lòng sông - chìm xuống đáy và không di chuyển, chính điều này tạo nên màu xanh ngọc của nước.
Thiếu phù sa, năng lượng dư thừa của dòng nước có thể gây sạt lở dưới hạ nguồn, làm bật gốc cây và gây hư hại các công trình cầu đường. Tác động của nó còn lớn hơn cả thủy triều, theo ông Chawalit Witthayanant - một chuyên gia về Mekong.
Sông Mekong đoạn qua Thái Lan chuyển sang màu xanh - Video: Bangkok Post
"Trong vài năm đầu trước hiện tượng này, cá thường xuất hiện nhiều trên sông, nhưng không lâu sau đó chúng sẽ giảm mạnh" - ông Chawalit giải thích.
Hồi tháng 10, dân làng Ban Tamui ở thành phố Ubon Ratchathani đã rất ngạc nhiên khi lượng cá đánh bắt tăng vọt, cùng với đó là màu nước sông Mekong trở nên trong hơn - phù hợp với hiện tượng "dòng nước đói".
Ông Arthit lưu ý rằng mùa khô chỉ mới bắt đầu và cần ít nhất 6 tháng nữa mưa mới quay lại, vậy mà sông Mekong đã cạn đến mức này. Điều đó cho thấy tình hình thiếu hụt nước trong những tháng tiếp theo sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, một loạt đập thủy điện ở Trung Quốc và Lào là thủ phạm khiến nước sông Mekong hạ kỷ lục, ông Arthit nêu nhận định.
Hiện nông dân Thái Lan đang tích cực bơm nước từ sông Mekong vào hồ chứa tích trữ cho mùa khô, trong khi đó, các nhà môi trường nước này lo sợ các dự án đang triển khai sẽ bức tử hệ sinh thái sông Mekong trong nay mai.
"Nếu các dự án mang danh nghĩa 'phát triển' này cứ tiếp tục, đặc biệt là loạt đập thủy điện mới, sông Mekong sẽ đối mặt với cơn khủng hoảng" - báo Bangkok Post dẫn lời ông Niwat Roi-kaeo, chủ tịch nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong ở tỉnh Chiang Rai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận