TTCT - Những ngày này, trong vô số tin tức mang gam màu tối liên quan đến dịch COVID-19, chúng ta cần tìm ra những điểm sáng để hi vọng, sống lạc quan, vượt qua khó khăn. Người Ý và những apphich cầu vồng trên bancông. Ảnh: REUTERS Lạc quan là chìa khóa Tại tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), cuộc sống đang dần trở lại bình thường, các biện pháp phong tỏa kéo dài hơn 2 tháng qua được nới lỏng trước khi chính thức dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 8-4. Các cửa hàng, dịch vụ xe buýt và tàu điện ngầm hoạt động trở lại. Trong một bài phỏng vấn của Reuters, Qiu Xianying - 72 tuổi, người kinh doanh nhỏ - gửi thông điệp tới các nước đang gặp dịch bệnh COVID-19: “Nếu Trung Quốc có thể vượt qua đại dịch, các nước trên thế giới chắc chắn cũng sẽ chiến thắng dịch bệnh dù hiện tại có khó khăn thế nào. Các bạn phải dựa vào sức mạnh ý chí của mình, tìm ra cách khiến virus phải thoái lui, hãy học từ bài học của Trung Quốc để hành động có trách nhiệm, đừng xem thường virus này và đừng đi ra đường mà không đeo khẩu trang”. Tại Ý, trong những ngày phong tỏa cả nước, trẻ em Ý vẽ những bức tranh cầu vồng, người dân in và treo tranh cầu vồng cùng thông điệp Tutto andrà bene (Mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp) trên bancông để cho nhau hi vọng. Việc làm này được người người, nhà nhà hưởng ứng. Người dân ở Madrid (Tây Ban Nha), New York (Mỹ), Vancouver (Canada)… cứ đến 19h-20h là hẹn nhau ra bancông nhà vỗ tay để tri ân và cổ vũ đội ngũ y bác sĩ, những người nỗ lực ngăn chặn COVID-19 cho xã hội. Đây là những câu chuyện tươi sáng giữa rừng tin tức mang gam màu tối gần đây, thời buổi người Việt gọi vui là năm COVID lần thứ nhất. Anh Trịnh Ngọc Thành - chuyên gia làm việc trong lĩnh vực tư vấn xây dựng ở Thụy Sĩ, người vượt qua COVID-19 - cũng khẳng định: hi vọng là cần thiết. Anh Thành được xác định nhiễm COVID-19 vào ngày 18-3 (sau 2 ngày khởi phát sốt). Do không cách ly từ khi bị sốt, con gái 6 tuổi và con trai gần 2 tuổi của anh cũng bị nhiễm bệnh. Bác sĩ hướng dẫn cả gia đình anh tự cách ly và điều trị tại nhà. Anh Thành và con gái lớn tự cách ly trong phòng riêng, còn bé trai nhỏ được mẹ chăm sóc. Những ngày đầu, anh Thành sốt cao, nằm mê man trên giường. Nhờ uống thuốc hạ sốt, anh khỏe hơn và cố gắng vận động nhẹ, thực hiện một số động tác yoga bên cạnh việc bổ sung vitamin C và dinh dưỡng, giữ ấm phổi và lưng để hạn chế ho, đọc sách báo để giữ tinh thần lạc quan. 14 ngày cách ly hoàn toàn trong phòng riêng, anh chỉ liên lạc với vợ con qua tin nhắn, gọi video qua điện thoại dù ở cùng nhà. Thỉnh thoảng, anh nhận được tranh vẽ của con gái cùng mẩu tin nhắn “Con yêu ba” viết trên giấy đẩy vào khe cửa. Khỏe lại và được ngừng tự cách ly từ ngày 29, 30-3, anh Thành cho biết: “Cảm giác được ra khỏi phòng sau gần 2 tuần giam trong phòng lạ lẫm đến mức không thể tả bằng lời”. Từ đây, anh nhắn gửi những người nhiễm khác: “Tôi tin bạn cũng sẽ vượt qua. Không phải quá lo lắng. Cố gắng sống lạc quan. Cuộc đời còn nhiều chỗ đẹp, mình cố gắng vượt qua để còn đi tham quan và ngắm cảnh!”. Ông Rory Mair, chủ nhiệm Văn phòng tư vấn công dân Scotland, nói về niềm tin vượt qua COVID-19 trên trang thirdforcenews.org.uk (kênh thông tin của các tổ chức thiện nguyện và tình nguyện ở Scotland) ngày 3-4 bằng câu chuyện “Hành trình COVID-19, từ tuyệt vọng đến hi vọng (của tôi)”. Mair đã trải qua hai lần ghép tạng, thuộc nhóm dân số dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp. Trong những ngày Scotland phong tỏa vì COVID-19, thị trấn nhỏ nơi ông sống không ai ra đường, không ai dắt chó đi dạo, mọi người ở trong nhà để những người dễ tổn thương như ông được bảo vệ. Mair tri ân nghĩa cử cao đẹp này. Ông cảm thấy biết ơn khi mọi người chấp nhận thay đổi thói quen công việc, hoạt động xã hội của họ và gia đình để cho mình cơ hội tốt nhất về sức khỏe trước một dịch bệnh chết người. Cũng có những lúc ông hoảng sợ vì tiên lượng dài hạn của mình là xấu trước dịch bệnh. Nhưng sau đó, ông nhận thấy lo sợ không phải là hành động lý trí. Thông tin y tế đúng đắn cần thiết cho cộng đồng trong khủng hoảng không kém gì sự sẵn sàng và hiệu quả của hệ thống y tế và các cơ quan hỗ trợ xã hội. Ông dặn lòng: các chuyên gia đã khẳng định virus là không thể ngăn chặn, vấn đề là quản lý nhịp độ và quy mô của sự lây lan. Ông hiểu rằng mình có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào, nhưng ông sẽ được điều trị y tế đầy đủ. Nghĩ thông suốt điều này, nhìn ra đường phố vắng tênh và xem xét tình hình sức khỏe của bản thân, ông yên tâm trở lại. Người Pháp chơi đàn bên bancông trong thách thức Eurobalcon mỗi tuần ở Paris, khi nước Pháp bị phong tỏa để đẩy lùi COVID-19. Ảnh: REUTERS Hi vọng để khỏe, vui Carol Farran, chuyên gia về chăm sóc người cao tuổi của Trung tâm y tế Đại học Rush ở Chicago (Mỹ), đã tìm cách lý giải vì sao một số cụ già sống ở nhà dưỡng lão lại sống khỏe, vui dù bệnh nặng và cô đơn, trong khi những người cùng hoàn cảnh khác lại buồn héo hắt. Trên một bài viết ở tờ The Huffington Post, chuyên gia này ghi nhận sự khác biệt giữa hai nhóm trên chính là hi vọng. Hi vọng ở đây không có nghĩa là lạc quan mù quáng, mà là tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi khả năng có thể xảy đến, chấp nhận biến cố và quyết tâm giải quyết vấn đề như sự chuyển biến từ tuyệt vọng đến hi vọng của ông Rory Mair ở Scotland nói trên. Những người có hi vọng, theo cô Farran, đối diện với thực tế khó khăn bằng tinh thần nỗ lực hết sức: “Họ xem xét hoàn cảnh, đưa ra cách giải quyết. Nếu kết quả không như ý, họ sẽ tìm thứ khác để hi vọng”. Các bác sĩ tâm lý của Bệnh viện Royal Marsden ở London (Anh) nghiên cứu phụ nữ bị ung thư vú ở giai đoạn sớm, và phát hiện nguy cơ ung thư tái phát hoặc tử vong tăng nhiều ở những người thiếu hi vọng. Điều này hóa ra lại không có gì bí ẩn. Những bệnh nhân có hi vọng có xu hướng làm chủ vấn đề bệnh tình của mình, thay vì để người khác quyết định mọi thứ. Họ thường chọn những phương pháp điều trị quyết liệt nhất và chấp nhận tỉ lệ rủi ro của nó, vì việc nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm cho họ sức mạnh để vượt qua khó khăn hiện tại. Trong nghiên cứu Lạc quan và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe thể chất và tâm lý đăng trên tạp chí Thực Hành Lâm Sàng Và Dịch Tễ Học Về Sức Khỏe Tâm Thần (Clinical Practice & Epidemiology in Mental Health) năm 2010, các nhà nghiên cứu cũng kết luận: bằng chứng từ nhiều nghiên cứu cho thấy người lạc quan có chất lượng sống cao hơn so với những người có mức độ lạc quan thấp hay bi quan. Sự lạc quan ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe tâm lý và thể chất qua việc cổ vũ lối sống lành mạnh cũng như hành vi thích ứng và phản ứng nhận thức. Kết quả là người lạc quan có sự linh động cao hơn, có khả năng giải quyết vấn đề và làm rõ thông tin tiêu cực hiệu quả hơn. Trong khi đó, người bi quan có rất ít hi vọng vào tương lai, lại có nguy cơ gặp các vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu cao hơn, chức năng xã hội và chất lượng sống bị giảm sút. Về thể chất, trong một nghiên cứu trên đối tượng người cao tuổi (từ 65-85) thuộc cả hai giới, nhà nghiên cứu Giltay và các cộng sự nhận thấy sự lạc quan có thể giúp tiên đoán rằng các cụ ông cụ bà ít có khả năng tử vong nói chung và tử vong do tim mạch nói riêng. Những dữ liệu này được xác nhận trong một nghiên cứu dài hạn sau đó ở các cụ ông tuổi 64-84, trong đó cho thấy càng lạc quan, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch càng thấp. Hi vọng không chỉ tác động đến bản thân chúng ta, mà còn tác động những người xung quanh. Với hi vọng, bệnh nhân có thể vượt qua nghịch cảnh, có thể không, nhưng nó làm cuộc sống của họ và người thân dễ chịu hơn. Than vãn, muộn phiền bỏ cuộc khi gặp khủng hoảng là việc dễ, cái khó là tìm ra chuyện để tin, để yêu, để cười, để hi vọng. Và để có tâm lý kiên cường, theo trang positivepsychology.com, hãy tập thói quen nhìn nhận đúng khả năng của bản thân (để vượt qua khó khăn vì có nhiều người vẫn rất tự ti về khả năng của bản thân, nhưng nhiều người lại tự tin thái quá). Có nhân sinh quan tích cực về cuộc sống và linh hoạt với mọi biến cố: trước một cú sốc, người tiêu cực nghĩ mọi thứ thật tồi tệ, người suy nghĩ lạc quan nhắc nhở bản thân: những gì xảy đến trong đời đều có lý do, nghịch cảnh là một phần tất yếu của cuộc sống, nó sinh ra là để chúng ta vượt qua và từ đó họ không thấy phiền muộn. Học cách quản lý cảm xúc, rút kinh nghiệm từ quá khứ, tìm sự bình yên cho tâm hồn, chăm sóc bản thân về thể chất, tránh xa điều tiêu cực, tập thái độ không phán xét, khuyến khích tự bản thân giải quyết vấn đề… đều là những bài tập tâm lý giúp rèn luyện tâm lý kiên cường.■ Tags: Dịch COVID-19Hy vọngSống lạc quanVượt qua khó khăn
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Điều động bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương NGỌC AN 24/01/2025 Bộ Chính trị có quyết định điều động, phân công, bổ nhiệm ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - giữ chức vụ phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Cục Điện ảnh yêu cầu cắt cảnh Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu phim Thái 404 Chạy ngay đi Đ.DUNG 24/01/2025 Cục Điện ảnh cho rằng đoạn Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu của người Việt xuất hiện ở phim 404 Chạy ngay đi 'không sai phạm nhưng cắt để tránh gây hiểu sai về ý nghĩa và giá trị di sản'.