Nguyễn Bình Nam (áo thun trắng, ôm một em nhỏ) cùng các thành viên trong nhóm tặng quà là cặp sách và áo ấm mới cho học sinh nghèo vùng cao Nam Trà My, Quảng Nam - Ảnh: Hồng Nguyên |
Trong suốt năm năm qua, nhóm bạn trẻ vốn là cựu đoàn viên (Đoàn khối doanh nghiệp Đà Nẵng) này đã “tung hoành” khắp nơi theo phương châm “Đi thật xa - nơi thật khó - đến tận nơi - trao tận tay” những món quà nhân ái.
Người khởi xướng của nhóm là Nguyễn Bình Nam, chủ nhiệm CLB “Bạn thương nhau”. 37 tuổi, là công chức nhà nước nhưng suốt mấy năm qua, cứ hễ đến cuối tuần là Nguyễn Bình Nam cùng nhóm bạn của mình lại khăn gói lên đường.
“Đã đi núi khảo sát” là cụm từ Nam cài đặt sẵn trong điện thoại để nhắn tin trả lời cho bạn bè nếu ai đó rủ rê cuối tuần.
“Én nhỏ” yêu thương
Nam kể cái duyên để “Bạn thương nhau” ra đời là vào tháng 4-2010, tại Liên hoan thanh niên tiên tiến tổ chức ở TP Vinh (Nghệ An), 15 đoàn viên ưu tú là đại biểu của Đoàn khối doanh nghiệp TP Đà Nẵng đã gặp nhau và kết tình “huynh đệ”. Sau liên hoan trở về, nhiều người trong nhóm mới hội ý với một đề xuất “Nên tổ chức một hoạt động thiện nguyện nào đó để gắn kết nhau”.
CLB mang tên “Bạn thương nhau” ra đời. Hoạt động thiện nguyện đầu tiên là đi thăm và tặng quà trẻ tàn tật, mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. “Ban đầu dự kiến chỉ có thể huy động dưới 5 triệu đồng. Nhưng khi kết thúc đợt huy động, số tiền tăng lên đến 9,5 triệu đồng. Đó là một tín hiệu vui mà ai cũng thấy hạnh phúc” - Nam nhớ lại.
Được đà tiến tới, vậy là nhóm của Nam tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động thiện nguyện khác bằng cách kêu gọi thông qua mạng xã hội Facebook. Chỉ tính riêng trong năm 2010, CLB “Bạn thương nhau” đã tổ chức bốn đợt đi trao quà với số tiền vận động được hơn 60 triệu đồng.
Hà Văn Thoong - một thành viên năng nổ của nhóm hiện công tác tại Biên phòng Đà Nẵng - tâm sự: “Có những lúc mấy anh em cũng mệt mỏi lắm, nhưng rồi nghĩ đến các em còn khó khăn thì tan biến hết”.
Sau nhiều chuyến đi từ thiện dọc khắp các tỉnh miền Trung, nhóm bạn trẻ đã quyết định xây dựng cho mình một thương hiệu mang tên “Én nhỏ vùng cao”. Nam nở nụ cười hiền giải thích: “Ban đầu cứ nghĩ mình vận động được chừng nào thì làm chừng đó. Vậy nên tên của chương trình gắn liền với sự kiện, nhưng rồi sau nhiều lần bàn thảo, cuối cùng cả nhóm quyết định đặt tên chương trình là “Én nhỏ vùng cao” - nghĩa là những cánh én đem xuân yêu thương đến với trẻ vùng cao.
“Đi thực địa nhiều lần, bọn mình thấy trẻ ở các vùng biên giới, vùng cao đang rất thiếu thốn và cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Vậy nên cả nhóm quyết định chuyển hướng” - cô bạn trẻ Trần Thị Hồng Nguyên (hiện công tác tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Đà Nẵng) nói thêm.
Huy động xây trường
Quyết định “chuyển hướng” về với trẻ vùng cao, rồi một chiều cuối tháng 7-2012, trên đường đi công tác ngang qua điểm Trường Nước Ui (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), Nam cùng đồng nghiệp không kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh cả cô lẫn trò của điểm trường này co cụm trong giá rét, xung quanh gió hú tứ bề.
“Tháng 7 ở vùng núi này lạnh lắm. Vậy mà cả cô lẫn trò vẫn phải gồng mình để dạy và học”. Nam liền chụp lại mấy tấm hình rồi viết vội mấy dòng cảm xúc đăng lên Facebook cá nhân mình.
Theo lời Nam, khi huy động được hơn 100 triệu đồng thì cả nhóm quyết định khởi công với hi vọng các em nhỏ sẽ có lớp mới trong ngày khai trường. Nhưng không ngờ thời tiết lẫn đường sá quá xa xôi đã khiến công trình “đầu tay” lỗi hẹn.
“Ban đầu dự tính chỉ làm trong hai tháng nhưng nhiều nhóm thợ vừa lên đến nơi đã “ngả mũ” chào thua, khiến thời gian kéo dài... Kết sổ công trình này là hơn 220 triệu đồng. Ban đầu thấy nhiều tiền cũng hoảng nhưng rồi xoay xở cũng qua. Tất cả đều nhờ bạn bè Facebook cả đấy” - Nam tâm sự.
Điều khiến tất cả thành viên trong nhóm cùng đồng tâm hiệp lực là quan điểm: toàn bộ tiền quyên góp đều phải được đưa “đến tận nơi - trao tận tay” không thiếu một đồng. Và tất nhiên toàn bộ kinh phí tổ chức, đi lại đều do các thành viên tự bỏ ra.
Theo anh Đỗ Đức Tình (nguyên phó bí thư Đoàn khối doanh nghiệp Đà Nẵng) - một trong những thành viên trong nhóm, thấy quá sức nhưng các thành viên nhận thấy rằng muốn giúp các em vùng cao theo hướng bền vững chỉ còn cách giúp các em có con chữ. Chỉ có học mới có thể thoát nghèo.
Theo Nam, đến nay CLB này đã huy động được hơn 1,1 tỉ đồng để xây dựng ba điểm trường ở vùng cao Quảng Nam và Quảng Ngãi. “Hễ nghe tin báo có điểm trường nào đó cần sự giúp đỡ là anh em chia nhau đi thực địa khảo sát. Mỗi điểm trường mất từ 2-3 lần đi khảo sát. Khảo sát xong thì chụp ảnh đưa lên Facebook để kêu gọi tài trợ”.
Nói rồi Nam chìa cuốn sổ tay ghi chép khá cẩn thận về những khoản tiền đã huy động được cho điểm trường thứ tư tại xã Trà Cương (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) mà cả nhóm đang vận động. “Đây là điểm trường nằm rất sâu trong núi. Nếu không có lớp học kiên cố thì chắc chắn mùa đông tới học sinh sẽ bỏ học hết vì không chịu nổi rét vùng cao đâu”. Hiện chưa đủ nhưng cả nhóm rất tin tưởng vào sự nhiệt tình của nhiều bạn trẻ trên mạng.
Theo Nam, có nhiều bạn trẻ ngay sau khi đọc thư kêu gọi lập tức chuyển ngay vào tài khoản do Nam đứng tên vài triệu đồng, thậm chí có người hàng chục triệu đồng mà không chút đắn đo. Mới đây nhất có cô bạn ở tận Mỹ sau khi đọc xong thư kêu gọi đã chuyển một thùng quà.
“Nhận về mở ra thì đó là chăn ấm còn nguyên tem. Toàn bộ hiện vật này sẽ được trao tận tay các “Én nhỏ” ở điểm Trường Trà Cương” - Nam nói.
Đến chiều qua 4-4, CLB “Bạn thương nhau” đã huy động được hơn 279 triệu đồng xây dựng trường. Nam cho biết công trình sẽ được khởi công vào cuối tháng này nhằm kịp cho các học sinh có trường mới trong ngày khai giảng.
Theo đánh giá của thầy Nguyễn Trần Vỹ - hiện công tác tại Phòng GD-ĐT Nam Trà My (Quảng Nam), sức lan tỏa của CLB “Bạn thương nhau” rất lớn. Chính CLB này đã giúp học sinh vùng cao Nam Trà My không những được ngồi học trong các căn phòng tươm tất mà họ còn giúp đỡ nhiều học sinh nghèo thông qua những chương trình như “Vầng trăng yêu thương” hay “Tết ấm vùng cao” diễn ra định kỳ cuối năm âm lịch. Cả hai công trình trường học do CLB “Bạn thương nhau” xây dựng tại Nam Trà My hiện đang phát huy hiệu quả rất lớn, nhiều phụ huynh khi đưa con đến các điểm trường này đã rất yên tâm với cơ sở vật chất hiện có và quên đi việc đưa con trở lại rẫy vườn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận