20/05/2010 06:32 GMT+7

Sông Krông Nô giãy giụa vì thủy điện

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Krông Nô - dòng sông gắn với bao huyền thoại của Tây nguyên, tưới tắm cho một diện tích không nhỏ đất nông nghiệp của Đắk Lắk, Đắk Nông - mấy năm nay bỗng oằn mình giãy giụa vì dòng chảy đột ngột thay đổi.

bzntPGl0.jpgPhóng to

Đôi bờ dòng sông Krông Nô sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: T.T.

Từ thủy điện Buôn Tua Srah, theo bờ Krông Nô, chúng tôi xuôi về cánh đồng Buôn Choáh (Krông Nô, Đắk Nông), tới Buôn Trấp (Krông Ana, Đắk Lắk), xuôi tiếp ra cầu 14, nơi sông Krông Nô đổ ra Sêrêpok. Không còn cảnh nước chảy ầm réo quanh năm mà thay vào đó là những dòng chảy lúc cạn, lúc xiết làm cho mùa màng thất bát, đôi bờ sạt lở nghiêm trọng.

“Cả tuyến sông này chỗ nào cũng bị thương tích, thủy điện trên thượng lưu đã vắt cạn sức sống của dòng sông đầy kỳ thú và chất thơ thuở nào” - ông Trần Văn Bảy, phó bí thư đảng ủy xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, kể trong niềm tiếc nuối.

“Cá tôm đi đâu hết”

Bao giờ mới có dự án?

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông đã đề xuất UBND tỉnh có báo cáo với Chính phủ và các bộ hữu quan tình hình và đề nghị chấp thuận cho tỉnh tiến hành dự án đầu tư, gồm nhiều biện pháp, công trình kết hợp, để trả lại sự yên bình cho sông Krông Nô.

Theo báo cáo này, vì sự phức tạp kỹ thuật của dự án cần giải quyết, đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông ban hành chủ trương cho nghiên cứu dự án và giao cho một cơ quan chủ trì, khẩn trương (trong mùa khô năm 2010) để trình lên Chính phủ. Do vậy cho đến nay dòng sông vẫn oằn mình chịu trận.

Với lưu lượng nước dồi dào, nguồn thủy sinh phong phú, bao đời nay dòng sông này còn cho nông dân rất nhiều tôm cá và đây cũng là con đường đi lại, giao thương giữa các vùng rất thuận tiện, đồng thời là nguồn nước chính giúp cho huyện Krông Nô góp hơn 50% sản lượng lương thực hằng năm của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên điều đó nay đã không còn.

Ông Huỳnh Tấn Phú (thôn Xuyên Hà, Đức Xuyên, Krông Nô), người có gần 30 năm sống bên bờ sông này, cho biết: “Năm nào hạn lắm cũng không thiếu nước tưới mà lụt nặng cũng không bị ngập cao, chưa bao giờ bị mất đất vì sạt lở. Vậy mà từ cuối năm 2009, lúc thủy điện Buôn Tua Srah chạy hai tổ máy đã cuốn hàng chục hecta đất canh tác của chúng tôi thành bùn, thành cát dưới lòng sông. Có người bây giờ chỉ còn... cái sổ đỏ, còn đất đã bị cuốn đi!”.

Anh Hồ Quốc Bảo, cán bộ địa chính xã Đức Xuyên, cho biết thêm hiện xã Đức Xuyên có 52 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, ít nhất 25ha đất nông nghiệp đã bị dòng sông “nuốt chửng” và có nguy cơ sạt lở tiếp.

Chưa kể, với chế độ thủy văn “một ngày hai mùa” - buổi sáng thủy điện đóng máy thì dòng chảy cạn kiệt, có thể đi bộ qua dòng sông nhưng đến chiều thì đột ngột nước tràn về như lũ, có người đang để máy dưới sông tưới hoặc đi ngang qua sông suýt chết - làm người dân thêm âu lo.

Dọc theo dòng Krông Nô, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh người dân thẫn thờ nhìn dòng sông đổi tính. Tại đoạn sông xã Quảng Phú (Krông Nô), Y Vinh cùng với anh trai đang vác xuồng ra giữa sông để đi câu cá. Y Vinh buồn rười rượi: “Mấy năm trước, thuyền chỉ để ở trong bờ và xuôi ra, nhưng giờ cứ phải vác ra giữa dòng mới đi được”.

Anh trai Y Vinh nói thêm: “Mấy năm trước cá tôm ở đây nhiều lắm, cá lại to nữa nhưng mấy năm nay cá đi đâu hết, không còn nhiều nữa”. Cả cây cầu năm xưa định xây để người dân qua lại có lẽ bây giờ dừng lại vì người ta nghĩ người dân có thể tự lội qua sông được (!). Mấy đứa trẻ đang tắm chỗ mép đá, xưa kia là lòng sông bây giờ như chơi trong vũng nước.

Nước chảy bất thường

Sự trách móc của người dân bên bờ Krông Nô với thủy điện Buôn Tua Srah không phải từ sự võ đoán. Báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT Đắk Nông khẳng định: từ khi Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah chạy hai tổ máy để phát điện thì lưu lượng nước tương ứng xả xuống hạ lưu tối đa lên đến hơn 200m3/giây, cao gấp nhiều lần lưu lượng nước bình thường đã gây ngập úng.

Nhưng ngược lại, từ 23g hôm trước đến 4g ngày hôm sau, nhà máy phát công suất thấp hoặc dừng 1-2 tổ máy đã làm cho lưu lượng nước về hạ lưu tương đối thấp, có khi chỉ còn 0m3/giây khiến sông Krông Nô lại cạn kiệt.

Điều đáng tiếc nhất, theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, vùng bị sạt lở là đất màu mỡ, được nhân dân trồng bắp, lúa, đậu 2-3 vụ năng suất cao và rất cao (bắp lai từ 12-14 tấn/vụ, lúa từ 6-10 tấn/vụ). Ngoài ra, một số công trình đã hoặc đang đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi là kênh tưới và nhà trạm của các trạm bơm Đắk Rền (được đầu tư 55 tỉ đồng), Buôn Choáh (đã được đầu tư 45 tỉ đồng), hiện nay chỉ còn cách bờ sông chừng 20-25m, so với 50m vào một năm trước đây.

Trạm bơm Buôn Sức và D12 cũng bị “treo” miệng cửa vào của ống hút, không thể hoạt động... Sự hùng vĩ của dòng Krông Nô vậy là đã chấm dứt, nhưng câu chuyện cuồng nộ của dòng sông và những thiệt hại của người dân ven bờ thì chắc chắn còn tiếp tục.

Đua nhau khai thác cát

Góp phần làm thay đổi dòng chảy của sông và sự sạt lở hai bên bờ còn do nạn khai thác cát. Hàng trăm bến khai thác cát được hình thành tại các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Nâm N’Đir, Đắk Rồ, Buôn Choáh... đang làm cho dòng sông sâu thêm và phình to ra. Tại xã Buôn Choáh, giáp ranh với huyện Krông Ana, tỉnh Ðắk Lắk chỉ hơn hai cây số nhưng chúng tôi đã đếm được có hơn 10 điểm, bến và hàng chục sà lan hút cát hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm, bình quân mỗi sà lan hút khoảng 100m3 cát/ngày.

Chính quyền xã Buôn Choáh nhiều lần báo cáo lên UBND và các ngành chức năng của huyện Krông Nô và tỉnh Ðắk Nông nhưng vẫn chưa ngăn chặn được.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên