02/09/2019 10:27 GMT+7

Sống không giận dữ?

BS NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM - LAN ANH
BS NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM - LAN ANH

TTO - Giận dữ trả giá bằng sức khỏe. Cách nào để kiềm chế cơn giận dữ? Sống không giận dữ không có nghĩa không biết nổi giận, mà phải biết chuyển hóa cơn giận, làm giảm nhẹ sự căng thẳng…

Sống không giận dữ? - Ảnh 1.

Cười nhiều để giải tỏa căng thẳng, stress - Ảnh: T.T.D.

Theo các chuyên gia y tế, khi giận dữ, cơ thể sẽ tự động sản xuất ra những hormone nội sinh vô cùng độc hại, gây rối loạn cơ thể, suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng, nguồn cơn của bệnh tật.

"Giá" của giận dữ

Cuộc sống hối hả, tất bật, nhiều stress khiến "công dân 4.0" dễ nổi nóng hơn trước, có thể chửi mắng, đánh nhau chỉ vì chút va chạm nhỏ, người hiền hòa không chửi mắng thì có khi phải ôm "cục tức" cả ngày.

Nhưng nhiều người không biết rằng những năng lượng xấu mà cơn giận dữ, những nỗi tức giận có thể khiến bạn phải trả giá, có khi đó là hành động bột phát, tức thì ngay đỉnh cao của cơn giận, mà các cụ đã dạy "cả giận mất khôn".

Về lâu dài, theo ông Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Việt Đức, khi sống gồng mình, bon chen hay thù hận, nghi ngờ, đố kỵ hay giận dữ, cơ thể chúng ta sẽ tự động sản xuất ra những hormone nội sinh vô cùng độc hại, gây rối loạn chức năng của cơ thể, gây suy giảm miễn dịch. Đây cũng là nguồn cơn của nhiều căn bệnh như cao huyết áp, tai biến, loét dạ dày, thậm chí ung thư.

Tồn tại song song trong cuộc sống của chúng ta luôn có những cảm xúc âm tính và dương tính. Cảm xúc âm tính mà hằng ngày chúng ta phải đối mặt thường xuyên là "cơn giận dữ". Cuộc sống càng hối hả, nhu cầu càng cao, stress càng nhiều thì cảm xúc âm tính theo đó nhân lên.

Ai trong chúng ta cũng từng giận dữ, thậm chí hay giận dữ, nhưng lại không mấy người biết rằng giận dữ làm tăng đột biến các chất dẫn truyền thần kinh, các hormone kích thích não bộ làm chúng ta rơi vào trạng thái "đánh trả" hay "bỏ chạy". 

Dù chúng ta làm được hay không một trong hai việc đó thì cũng đều nhận được những hậu quả đáng tiếc. Do nếu không giải tỏa được năng lượng tiêu cực, cơ thể phải chịu đựng sự gia tăng nhịp tim, huyết áp.

Để cơn giận lướt qua

Trong cuộc sống, có cảm giác chúng ta "động tới đâu có thể giận ở đó". Ra đường gặp hoặc chính chúng ta chạy xe ẩu, gây kẹt xe, đến cơ quan thì áp lực từ lãnh đạo, có khi bị đồng nghiệp chơi xấu..., chúng ta như bị những cơn giận bủa vây.

Điều làm chúng ta khác biệt đó là biết cách kiềm chế cơn giận dữ. Bản thân cái tên "cơn giận dữ" phần nào đã nói lên tính chất của nó: ào ào đến rồi ào ào đi. Nếu chúng ta biết chủ động phòng tránh, chúng ta dễ dàng có thể để nó đi qua, với thiệt hại ít nhất có thể. 

Với cuộc sống ồn ào hối hả hiện nay, hãy xác định có những lúc giận dữ là chuyện không thể tránh. Vì không thể tránh nên hãy chọn cách đối mặt để nó lướt qua với thái độ tích cực.

Các cách giảm nhẹ cơn giận

* Với những chuyện không đâu xuất phát từ những người không quen biết, bạn hãy hít thở thật sâu và thở ra thật chậm, trong lúc đó hãy nghĩ đến những hậu quả xảy ra nếu không kiềm chế cơn giận, hãy nghĩ đến những mẩu chuyện, mẩu tin mà bạn biết về những hậu quả xảy ra do những cơn giận không đâu.

* Nghĩ đến những điều tốt hơn mà bạn đang có, mỉm cười nhẹ nhàng và tốt hơn nữa là nói lời xin lỗi.

* Với những cơn giận dữ liên quan đến người thân của bạn mang lại, có thể bạn sẽ dễ tổn thương hơn và cơn giận do đó sẽ mạnh mẽ hơn, bạn đang sẵn sàng "bùng nổ" để đáp trả. Nhưng hãy dừng lại một nhịp, chỉ một nhịp thôi để nghĩ về những gì mình có thể mất, những gì người thân của mình sẽ phải chịu sau hành động đó, việc đó có đáng để chúng ta đáp trả người thân, ta có hả hê sau khi đáp trả được... Hãy tìm câu trả lời và cơn giận dữ sẽ qua đi như một cơn áp thấp nhiệt đới.

* Khi giận dữ, bạn có thấy mình gặp các biểu hiện: tim đập nhanh, mặt đỏ bừng, nóng, ra mồ hôi... Khi đó hãy áp dụng một cách rất dễ: đếm, đếm để giây phút giận nhất qua đi, làm bạn bị đánh lạc hướng. Một trong những cách kiềm chế nữa là bạn hãy đi đâu đó một lát, ra công viên, đi dạo hay ra phố, trong lúc đó bạn sẽ có thời gian bình tâm xem xét những bức xúc mình vừa gặp phải, tìm cách giải quyết hợp lý và tránh được những ứng xử bốc trong đỉnh điểm cơn giận.

* Một phương án nữa cũng có thể áp dụng: bạn hãy tìm và làm việc bạn ưa thích khi cơn giận dữ đến. Nếu bạn thích nấu ăn thì nấu ăn luôn là cách giải tỏa stress rất tốt. Nếu bạn thích thể thao, hãy đi tập để tăng hứng khởi. Bạn cũng có thể đi cà phê với bạn thân và kể cho bạn ấy, cùng tìm cách giải quyết bức xúc hoặc mâu thuẫn bạn gặp.

Cái kết của câu chuyện kiềm chế cơn giận dữ là bạn hãy nghĩ sự bao dung mới là sức mạnh, giúp chúng ta luôn sống an yên và thanh thản, bạn nhé.

Căng thẳng, giận dữ dễ đau tim Căng thẳng, giận dữ dễ đau tim

TT - Kết quả của một nghiên cứu vừa trình bày trong hội nghị của Hiệp hội Tim mạch châu Âu năm 2011 tổ chức tại Paris (Pháp) cho biết những người hay bị căng thẳng và giận dữ dễ khởi phát cơn nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong. Kết quả của nghiên cứu đã góp thêm bằng chứng phản ánh thực tế trong cuộc sống hằng ngày về nguy cơ bệnh tim có liên quan đến những cảm xúc tâm lý.

BS NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên