GS Boudarel và nhạc sĩ Trương Tuyết Mai trong lần nữ nhạc sĩ thăm lại mối tình đầu tại Paris năm 1999 - Ảnh: NVCC
Đó là ông Georges Boudarel (1926 - 2003) - một đảng viên cộng sản đã dành cả tuổi trẻ cùng người dân Việt kháng Pháp tại chiến khu D và sau đó là chiến khu Việt Bắc, rồi sau đó lại dành cả phần đời còn lại để dịch, đưa các tác phẩm văn học của Việt Nam ra thế giới, nghiên cứu và viết sách về lịch sử Việt Nam.
GS Boudarel hòa vào đất Việt
Sông Hồng một buổi sáng lộng gió và mưa phùn lạnh căm càng khiến cuộc tiễn đưa của nhóm bạn già với Buđa (tên thân mật mà các đồng chí đã gọi ông Boudarel từ những năm 1950 ở chiến khu) thêm cảm động.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc tròn 101 tuổi bước từng bước run rẩy ra bến sông lộng gió, thả nắm tro cốt người đồng chí của mình xuống sông Hồng.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc cùng làm việc với ông Boudarel ở Cục Địch vận trong những năm 1952-1954 và sau này ở NXB Ngoại Văn (nay là NXB Thế Giới). Trong ngày gặp gỡ và tiễn đưa người bạn chí tình hòa vào đất nước Việt, ông chỉ muốn nói tới Buđa ở khía cạnh một người cộng sản kiên trung, quyết sống chết cho lý tưởng.
"Điều gì đã khiến một chàng trai Pháp ngoài 20 tuổi có thể chịu đựng được cuộc sống kham khổ nơi chiến khu, đi bộ 2.000km đường núi rừng trong hơn 6 tháng trời từ chiến khu D ra chiến khu Việt Bắc? Tôi chỉ có thể nói rằng ông chính là tấm gương cho các thế hệ trẻ Việt Nam về tấm lòng kiên trung, sống chết cho lý tưởng" - nhà văn hóa Hữu Ngọc chia sẻ.
Trong đoàn tiễn đưa GS Boudarel còn có nhạc sĩ Trương Tuyết Mai - người nổi tiếng với ca khúc Huế tình yêu của tôi.
Nữ nhạc sĩ chính là người đã đón bình tro cốt ông Boudarel về nhà mình từ sân bay Tân Sơn Nhất hôm 11-1, đặt lên bàn thờ mà bà đã lập trong nhà mình từ khi ông mất năm 2003.
Ngày 4-2, bà và những người bạn, đồng chí của GS Boudarel đã đưa ông đến cây cầu bắc trên sông Bé thuộc chiến khu D trong kháng chiến chống Pháp để rải một phần tro cốt của GS Boudarel.
Ngày 8-2, bà Trương Tuyết Mai lại cùng những người bạn tiễn đưa mối tình đầu của bà ở bến sông Hồng, Hà Nội, nơi Boudarel cũng từng có vài năm gắn bó.
Nhóm bạn bè văn nghệ sĩ, trí thức người Việt của GS Boudarel tiễn đưa GS Boudarel trong hành trình hòa vào sông nước Việt Nam sáng 8-2 - Ảnh: T.ĐIỂU
Một người chân chính
Đặc biệt, đoàn tiễn đưa GS Boudarel có ông Nguyễn Ngọc Giao - một người bạn Việt Nam thân thiết nhất của GS Boudarel, cùng dạy học với GS Boudarel tại Đại học Paris VII.
17 năm qua, ông Giao lập bàn thờ gìn giữ bình tro cốt của GS Boudarel, đợi ngày thực hiện được tâm nguyện của người quá cố muốn được hòa một phần tro cốt của mình vào sông nước Việt Nam.
Trước đó, ông Giao đã cùng với những người bạn rải một nửa tro cốt của GS Boudarel ở cửa sông Seine nước Pháp.
Nói về người bạn, người anh mình vô cùng trân quý, ông Giao chia sẻ các nhà khoa học khi tìm được tài liệu quý thì thường hay giấu kín làm của riêng, nhưng Boudarel sẵn sàng chia sẻ - một đức tính tận tụy hiếm quý.
Cho nên đối với ông Giao, GS Boudarel không chỉ là một người bạn ân nghĩa của đất nước Việt Nam mà còn là "một người anh, một người chân chính".
Vài ngày tới, phần tro cốt cuối cùng của GS Boudarel sẽ được những người bạn rải trên sông Thu Bồn, khép lại hành trình đi dọc đất nước Việt Nam của Boudarel lần thứ 2, nhắc lại hành trình 2.000km mà Boudarel đã đi từ chiến khu D lên Việt Bắc trong 6 tháng của năm 1952.
Những tác phẩm như Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc... đã được Boudarel dịch sang tiếng Pháp vào cuối những năm 1950 đầu những năm 1960, để từ đó chúng được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài khác.
Vì tham gia Việt Minh nên Boudarel bị kết án tử hình vắng mặt, ông chỉ có thể trở về cố quốc năm 1967 khi có lệnh ân xá. Về Pháp, ông lại bắt đầu nghiên cứu lịch sử, văn học, xã hội Việt Nam.
Boudarel là tác giả của một luận án xuất sắc về cụ Phan Bội Châu và sau đó là những công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam khác như về Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận