Phóng to |
Ba lần thoát hiểm
Nghe những tàu câu mực trong làng trúng đậm sau chuyến xa khơi từ Hoàng Sa, ông Dư đạp chiếc xe cũ ra cầu tàu Tam Giang đứng đợi. Nhìn lão ông đầu tóc xoăn tít điểm bạc ấy, ít ai ngờ ông từng là ngư dân lão luyện một thời. Quan sát những người đàn ông trùng trục vác từng bao mực khơi đóng gói mang về từ biển chất lên xe tải, ông Dư chắp tay phía sau lượn vòng rồi cười mỉm. “Vui chứ cháu. Nghề biển phải đến lúc cân - đo - đong - đếm trên bờ như thế này mới biết là miếng ăn còn trong miệng” - ông Dư cười nói. Hơn 40 năm lái tàu, bốn chiếc tàu đóng mới qua tay ông lái đến ngày hỏng hóc vứt bỏ, ông Dư hiểu rõ cái ngọt cái đắng của biển khơi xa.
14 tuổi, lần đầu tiên ông Dư theo cha đi làm chài lưới. Chiến tranh bom đạn loạn lạc nhưng ông cương quyết bám biển trọn đời. Bây giờ tuổi đã xế chiều không còn đủ sức ra khơi, ông nhường chiếc tàu câu mực cho đứa con trai lớn. Quay về hậu phương, bên chiếc máy ICOM tầm xa, ông làm chỉ huy trưởng cho biên đội câu mực của làng chài Tam Giang.
Cầm con mực khơi phơi khô trên tay, ông Dư lắc đầu: “Câu con mực không dễ. Gặp vùng mực không cắn câu thì đói. Phí tổn nợ nần. Nhưng trúng mánh thì sợ cướp bóc, bão bùng”. Đó là câu chuyện âu lo của ông Dư cho những con tàu xa khơi trong làng. Với riêng ông, việc tàu nước ngoài cướp bóc, chặn đường đã trở thành vô nghĩa.
“Năm 2004, bão số 2 vừa dứt, đội tàu chúng tôi bốn chiếc ra vùng Hoàng Sa câu mực. Lúc đi ra không sao, nhưng khi về biết mình có cá mực, một chiếc tàu tiến tới vây bắt chúng tôi. Lúc đó khoảng 12g trưa, bốn chiếc tàu của đội tàu chúng tôi rẽ làm bốn hướng. Chiếc của tôi bị đưa vào tầm ngắm, bị rượt đuổi. Khi chúng ra lệnh dừng tàu, bốn thằng định bước qua giàn phơi mực của tôi. Bất ngờ tôi tống hết ga con tàu, rẽ ngoặt tay lái sang phải, ba thằng ú ớ đeo theo giàn cây khô phơi mực rồi rơi tõm xuống nước. Một thằng khác chới với rồi lộn nhào xuống biển” - ông Dư bình thản kể.
Kéo tôi tới bóng râm bên dưới cầu tàu, nhìn ra phía biển ông Dư kể tiếp: “Sau khi thoát khỏi vòng vây của con tàu cướp, biết chúng sẽ không bỏ qua, tôi tăng tốc hết cỡ 10 hải lý/giờ nhắm đất liền thẳng tiến. Vừa đi vừa gọi đài duyên hải Trung Trung bộ báo tình hình, gọi cho biên phòng biết là tàu tôi bị truy đuổi. Chạy hơn hai giờ, con tàu cướp sau khi vớt bốn thằng vừa rớt xuống biển đã đuổi theo ngay sau lưng. Qua điện đàm, các chiến sĩ biên phòng khuyên tôi nên bình tĩnh xử lý. Chiếc tàu câu chúng tôi lúc này chở đầy cây, giàn phơi đưa ra ngoài trông như con nhím xù lông nên chiếc tàu kia không cách nào cập lái vào được. Nếu tấp vào va chạm tàu chúng sẽ vỡ kính”.
Hơn 40 năm cầm lái, ông Dư biết rõ từng con sóng, thế mạnh yếu của con tàu mình. “Tàu mình nhỏ nên tinh gọn hơn, khi tàu hắn gần cập mạn tàu mình, tôi bẻ lái cho con tàu rẽ vòng cung. Tàu mình nhỏ vòng cung trên biển nhỏ, trở mình rất cơ động, chiếc tàu kia lớn hơn, vòng một vòng xa là mình vọt tới một đoạn rồi. Cứ thế tôi lượn lờ từ trưa đến sẫm tối, khi biên phòng bảo đã đến vùng đặc quyền kinh tế của mình rồi. Chiếc tàu kia hình như cũng nhận ra điều đó, chịu thua đành quay lái” - ông Dư kể trong phấn chấn. Không chỉ một mà đến ba lần lão ngư này chiến thắng trong đối đầu với tàu nước ngoài như vậy.
Luật đời trên biển
Bên chiếc máy ICOM nơi góc nhà, ông Dư phấn chấn khoe với vợ rằng thằng con trai mới đi đánh bắt ở Hoàng Sa hơn 20 ngày đã được hơn 10 tấn mực. Ông Dư mừng vì chuyến ra khơi này nhiều ngư dân trong làng trúng mực khơi chứ không riêng con ông. Lão ngư tâm sự: “Tàu câu mực ở đây đi thành từng biên đội với nhau. Có gì giúp đỡ, tương trợ nhau, ngư dân trên biển mà không đoàn kết thì chết héo. Vùng nào trúng mực, vùng nào mực cắn câu, chủ tàu thông báo về cho tôi. Tôi gọi các tàu khác đến tọa độ đó cùng câu”. Ông Dư lý giải tàu câu mực đi thành từng biên đội thì có gặp tàu nước ngoài họ cũng phải dè chừng. Chiếc tàu của con trai ông ra khơi lần này cùng với bảy chiếc khác trong xóm. Mỗi chiếc tàu câu mực cách nhau 20-30 hải lý giăng hàng ngang trên biển nên rất thuận tiện về thông tin, tương trợ.
Hơn 40 năm đi biển, ba lần bị bão vùi dập suýt bỏ mạng giữa trùng khơi nhưng ông Dư cùng các thuyền viên đều vượt qua. Ông nhớ lại cơn bão hãi hùng nhất trong đời mình: “Đó là bão số 5 năm 1988, khi đó đài chỉ báo bão cách 24 giờ, tàu nhỏ nên không thể chạy thoát. Biên đội tàu của tôi có sáu chiếc thì hai chiếc bị sóng đánh chìm. Đầu giờ chiều nhưng mặt biển đùng đùng nổi sóng. Những cột sóng cao gần chục mét nhấc bổng con tàu lên khỏi mặt nước rồi vụt mạnh xuống xoáy sâu như có ai cầm đuôi tàu đập xuống mặt nước. Nhiều thuyền viên trẻ bắt đầu khóc.
Tôi nói tất cả nếu mất bình tĩnh mình sẽ chết trước khi bão vùi. Bão gần đến, tôi nói anh em chặt hết giàn phơi mực trên nóc tàu, vứt luôn thuyền thúng xuống nước. Anh em mang áo phao sẵn sàng. Can nhựa cột dây kết thành bè đề phòng tàu chìm có cái bu bám". Và họ đã thoát nạn nhờ vào bản lĩnh của người chỉ huy hiểu tận tường "luật" của đại dương. Rồi đúng mười năm sau, cơn bão số 2 năm 1998, hơn 30 thuyền viên cùng ông lại vượt qua một cơn bão biển khác trong phút giây cận kề cái chết.
Bão biển nhiều, bị cướp bóc bao vây rượt đuổi cũng nhiều, ông Dư thấu hiểu và yêu quý những giây phút bình yên của biển cả. “Nghề câu mực rất cô đơn. Không yêu biển không làm được. Trắng đêm một mình trên chiếc thúng chai giữa mênh mông sóng nước cách đất liền hàng trăm hải lý, cảm giác thật hãi hùng. Nhưng thành quả sau một đêm lao động là thúng mực tươi đầy ắp, tôi từng câu được con mực to mổ đôi ra gần bằng chiếc nôi trẻ con. Sướng lắm!” - ông Dư nói trong luyến tiếc.
Ông kể một bạn thuyền của ông tên Oanh từng bị tai nạn mà có lẽ trong đời đi biển chỉ có một không hai. Trong một đêm câu mực, ông Oanh bị con cá hố phóng theo mồi cắm thẳng vào bụng. Giữa biển trời mênh mông, máu ra nhiều nên ông Oanh ngất xỉu. Sáng hôm sau khi thâu thúng, anh em bạn thuyền đã kịp thời cứu chữa và giữ được mạng sống của ông Oanh. “Biển giả không ai biết trước điều gì. Đừng nói tài giỏi mà thoát. Ngư dân sống với nhau rất hào sảng, mở rộng tấm lòng như biển, hoạn nạn có nhau thì mới tồn tại” - ông Dư nhắn nhủ.
Bây giờ trong căn nhà nhỏ gần cảng Tam Giang, ông Dư bảo không còn ra khơi nhưng hồn mình đã gửi vào biển. “Đứa mô ngoài khơi gặp chuyện gì buồn vui hắn cũng nhấc máy tâm sự với tôi. Tôi già rồi. Chỉ mong biển đừng sóng gió cho lớp trẻ đừng bỏ biển mà có tội với tiền nhân!".
Kỳ 1: Kỳ 2: Những hải trình khủng khiếpKỳ 3: Sống giữa biển đôngKỳ 4:Ngư ông và bão dữ Kỳ 5: Điểm tựa Cồn Cỏ
_____________________
Bất chấp hiểm nguy, ngư dân làng chài Cửa Việt vẫn ngày đêm can trường bám biển. Họ lập nên những đội tàu tự quản, giúp nhau hành nghề mưu sinh và giữ vững chủ quyền biển đảo...
Kỳ tới: Đội tự quản giữa trùng khơi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận