Phóng to |
Ông La Phải kể chuyện xử lý tàu bị nạn giữa biển Đông - Ảnh: Hải Luận |
Hiểu lòng dạ sóng biển
Quê ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, chủ năm chiếc tàu câu cá ngừ đại dương, ông từng là thuyền trưởng trải qua mấy lần suýt chết. La Phải hiểu “đời biển” hơn ai hết. Giữa cái chết và cái sống ở biển khơi rất mong manh, có vô vàn bất trắc sẵn sàng chờ đợi bất cứ ai. Hai năm nay, ông tập hợp 15 chiếc tàu đánh cá xa bờ thành đoàn tàu đánh cá giữa biển Đông, do ông làm “tổng chỉ huy” qua đài vô tuyến điện tại đất liền.
Câu chuyện của ông Phải kể ra không chỉ là những đợt trúng đậm cá ngừ mà còn là những lần đối mặt với hung thần của biển cả. Còn nhớ cơn bão dữ năm 1995, trở thành bài học “kinh điển” đối với nghề đi biển của ông và trở thành “tấm áo” bảo vệ các tàu thuyền ở xóm làng sau này. “Lúc đó chưa có thông tin liên lạc hiện đại như bây giờ để nghe tin báo bão từ đất liền với tàu đánh cá đang ở giữa biển. Tàu tui đang đánh bắt, bất ngờ bão ập đến và sóng biển đánh tan nát 10 chiếc tàu của tỉnh Quảng Ngãi, người chết rất nhiều. Mấy ông bạn trên tàu run lẩy bẩy. Tui hô to: “Nếu muốn sống phải nghe lệnh của tui!” rồi lấy cuộn dây thừng bó lưới thành một cục to, cột thả xuống đầu mũi tàu, lấy thêm một phuy dầu, mở nắp cho dầu chảy ra từ từ.
“Tỉnh Bình Định đã vận động những gia đình có tàu đánh cá loại lớn, những ngư dân giỏi đánh bắt để thành lập đoàn tàu đánh cá xa bờ gồm mấy chục chiếc. Đoàn tàu này có tổ chức thống nhất chặt chẽ, mọi phương án dịch vụ hậu cần nghề cá, tiêu thụ sản phẩm đều được tính toán kỹ lưỡng. Đây là đoàn tàu đánh cá mang tính chất “chính quy”, đủ sức vươn ra khơi xa và ở lại sản xuất dài ngày trên biển. Cũng là lực lượng hùng mạnh tham gia bảo vệ biển, đảo của chúng ta”. Đại tá Trương Minh Cường (chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định) |
Lần đó ở nhà, gia đình ông Phải cứ tưởng mọi người đã chết hết rồi, nhưng không ngờ mấy ngày sau thấy thuyền cập bờ... Mọi thứ như một giấc mơ!
Giữa biển có nhau
Năm ngoái, một chiếc tàu đánh cá ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, bị một tàu hàng nước ngoài ủi thẳng vào giữa thân.
“Nhận được điện của anh em báo về, tui yêu cầu ba chiếc tàu đang câu ở gần đó (cách 40 hải lý) xác định vị trí giàn câu nằm dưới biển ở trên màn hình máy định vị, bỏ câu tức tốc đi cứu người bị nạn. Thời gian đó tất cả các tàu phải trực kênh máy Icom, tuyệt đối không được chuyển tần số khác. Tui lệnh cho các tàu nhanh chóng tìm cứu người trước, kiểm tra sức khỏe, nếu có vấn đề thì sơ cứu ngay” - ông Phải kể. Lần đó họ cứu được sáu người.
Lần khác, tàu cá của ông Nguyễn Văn An, huyện Hoài Nhơn bị mắc cạn ở quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ông An lên Icom cầu cứu, bốn chiếc tàu của đoàn ông Phải đến xúm nhau buộc cáp, tăng ga kéo xịt cả khói đen mà tàu ông An vẫn không ra khỏi bãi rạn san hô. Từ biển khơi mọi người gọi về báo cáo sự việc và xin ý kiến. Ông Phải hướng dẫn anh em cách làm qua Icom. Chờ nước xuống cạn nhất, đổ mấy phuy nước ngọt ra, lấy thùng phuy mang xuống biển, buộc dây thừng thật chắc, kè hai bên mạn chiếc tàu. Thủy triều lên cao, phuy nổi lên sẽ kéo luôn chiếc tàu lên khỏi mặt rạn đá san hô. Dùng hai chiếc tàu khác kéo tàu ra ngọt xớt. Họ đã cứu được tàu.
Mỗi phương án xử lý trên biển được ông Phải rút tỉa từ mồ hôi nước mắt và máu của ông suốt mấy chục năm ngang dọc các ngư trường. Lúc có bão to, gió lớn, Đài truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN... báo bão, ông Phải ngồi theo dõi thật chặt hướng đi và sức mạnh của bão. “Tui điện ra thông báo cho từng tàu và yêu cầu tàu phải trực canh Icom 24/24 giờ. Tui xác định chính xác vị trí tọa độ tàu đang hoạt động và vị trí tâm bão, dự định hướng bão sẽ đi tới trong 1-2 ngày tới. Tui sẽ ra lệnh cho tàu chạy lệch theo hướng nào để tránh bão an toàn. Năm 2010, tâm bão đi vào biển Đông chỉ cách đoàn tàu đánh cá của tui 2 độ (cự ly hai ô vuông trên bản đồ báo bão). Tui yêu cầu các thuyền trưởng không được chủ quan, vừa tăng tốc cho tàu chạy nhanh lệch hướng của bão, đồng thời phải chuẩn bị bó lưới và những thùng phuy dầu để sẵn sàng đối phó. Nếu ỷ lại coi chừng trở tay không kịp. Giữa biển khơi không ai lường hết mọi nguy hiểm, lúc khẩn cấp mọi thứ rối như tơ vò”.
Với ông, đó là phút giây quyết định bản lĩnh người chỉ huy.
Việc lập tập đoàn tàu đánh cá xa bờ, có tổ chức và chỉ huy bài bản từ đất liền như ông Phải là một mô hình mới. Ông Xuân Thu, thuyền trưởng tàu BĐ 95190 TS, huyện Hoài Nhơn, bảo: “Trước đây mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy làm nên dễ bị thất bại. Vì tàu cứ đi “mù mù” giữa biển, kiểu làm ăn đơn thương độc mã như vậy bị thua lỗ dài dài, có nguy cơ bán tàu để trả nợ ngân hàng. Lúc gặp sự cố không biết kêu ai đến cứu giúp. Đi làm theo kiểu tập đoàn, mỗi khi có sự cố bất trắc xảy ra, các tàu cùng xúm lại giải quyết”.
Ngư dân khai thác biển sợ nhất bị hỏng máy giữa chừng, trước đây tàu bị gãy láp chân vịt, bánh lái... coi như bó tay, thả tàu cho trôi dạt tự do. Hiện nay đoàn tàu đánh cá của ông La Phải đã trang bị máy hàn trên tàu. “Máy tàu có bị gãy, hư hỏng gì đưa hàn ngay. Nếu ở ngoài biển sửa chữa không được, gọi về tổng đài “khai bệnh” qua Icom, tổng chỉ huy hướng dẫn tháo máy ra sửa từng bộ phận. Trừ trường hợp thay thế phụ tùng trong “bộ lòng” của máy mới chờ mua ở đất liền rồi gửi ra tàu” - ông Huỳnh Vương, thuyền trưởng tàu BĐ 93226 TS, nói về tính hiệu quả đội tàu đánh cá của mình.
Giữa đại dương mênh mông, con người đã mạnh hơn khi kết nối lại cùng nhau...
Kỳ 1: Kỳ 2: Những hải trình khủng khiếpKỳ 3: Sống giữa biển đông
______________________
Nhiều ngư dân đánh cá trên vùng biển vịnh Bắc bộ tâm sự rằng khi mải miết giữa trùng khơi mà nhớ nhà, chỉ cần đặt ống nhòm hướng về phía nam sẽ hiện ra một hòn đảo, tức là họ đang nhìn thấy quê nhà.
Kỳ tới: Điểm tựa Cồn Cỏ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận