10/06/2017 11:27 GMT+7

Sóng gió tạm yên cho Tổng thống Trump

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Không có nhiều diễn biến đặc biệt xuất hiện sau buổi điều trần được kỳ vọng của cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey liên quan tới Tổng thống Donald Trump.

Cựu giám đốc FBI James Comey tuyên thệ trước buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 8-6 - Ảnh: AFP
Cựu giám đốc FBI James Comey tuyên thệ trước buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 8-6 - Ảnh: AFP

Cụm hashtag # ComeyHearings đã dậy sóng trên mạng xã hội Twitter trước và sau buổi điều trần kéo dài hơn hai giờ của ông Comey trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ sáng 8-6 (giờ Mỹ).

Không có bất ngờ

Những người quan tâm chính trị tại Mỹ cũng như toàn cầu kỳ vọng rằng buổi điều trần của ông Comey sẽ xuất hiện những thông tin chấn động hơn nữa. Tuy nhiên ông Comey khiến nhiều người cụt hứng.

Tại buổi điều trần, ông Comey nhìn chung nhắc lại những quan điểm cá nhân xuất phát từ những gì mình đã ghi chép sau lần gặp gỡ Tổng thống Donald Trump vào bữa ăn tối hôm 27-1 ở Nhà Trắng: ông khẳng định người Nga có can thiệp bầu cử Mỹ; ông Trump đã yêu cầu “lòng trung thành” từ mình; ông Trump yêu cầu ông không điều tra cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Michael Flynn.

Trong nỗ lực làm rõ những tiết lộ của ông Comey, thành viên thuộc Ủy ban Tình báo thượng viện đã xoáy sâu vào từng chi tiết trong lời khai, và cái họ nhận được gần như chỉ là những ký ức mơ hồ (dù có ghi chép) theo kiểu một nhân chứng trước tòa.

Trong các câu trả lời của mình, ông Comey thường xuyên đáp kèm theo cụm từ “tôi không biết”. Ví dụ khi được hỏi về lời đề nghị “trung thành”, ông Comey đáp rằng bản thân mình đã “kinh ngạc” (stunned) với điều đó, và lặp lại những gì đã viết ngày 7-6 rằng ông và ông Trump đã hiểu sai khái niệm về “sự trung thành một cách trung thực/chân thành”.

Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất ảnh hưởng tới Tổng thống Donald Trump là biểu hiện “ngăn cản thực thi công lý”, tức yêu cầu nhánh tư pháp như FBI không điều tra một nghi án, thì bản thân ông Comey không đưa ra được bằng chứng cáo buộc. Ông mô tả ông Trump đã dùng từ “hi vọng”, chứ không phải ra lệnh.

Ví dụ thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch (bang Idaho) hỏi vặn rằng: “Ông ấy (Trump) không yêu cầu ông chấm dứt cuộc điều tra...”, thì ông Comey đáp: “Lời lẽ thì không phải vậy. Nhưng tôi thì lại coi như là chỉ thị... tôi coi đó là những gì ông ấy muốn tôi làm”.

“Bất thường trở nên bình thường”

Về phần mình, tổng thống Mỹ tỏ ra im ắng một cách bất thường suốt vài ngày nay, khi “bỏ hoang” trang Twitter của mình từ ngày 6-6, trước khi tố cáo ông Comey dối trá bằng một dòng trạng thái ngày 9-6: “Bất chấp rất nhiều tuyên bố sai lệch và sự biện hộ dối trá hoàn toàn... thì vâng, Comey là một gã chuyên rò rỉ!”.

Trước đó, khi kết thúc buổi điều trần của ông Comey, Đài BBC cho biết khi các phóng viên hỏi rằng liệu những gì ông Comey nói có thật không, Tổng thống Donald Trump không trả lời mà chỉ “đơn giản cười mím môi”.

Mặc dù vậy, luật sư Marc Kasowitz của ông Trump sau đó bác bỏ các cáo buộc mà ông Comey nhắm vào tổng thống Mỹ. Theo Kasowitz, ông Trump không hề tìm cách ngăn cản cuộc điều tra nhằm vào nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, và chính các phát ngôn của ông Comey mới đáng là đối tượng điều tra.

“Hôm nay, ông Comey thừa nhận rằng ông ta đơn phương và lén lút tuồn những thông tin không được phép tiết lộ cho báo chí về những trao đổi đặc quyền của mình với tổng thống. Chúng tôi sẽ giao việc này cho cơ quan chức năng để xác định liệu những rò rỉ ấy có bị điều tra hay không, khi tất cả những vụ rò rỉ khác đều bị điều tra” - BBC dẫn lời luật sư Kasowitz nói ngày 8-6.

Trước đó, ông Comey cũng nói rằng ông sợ ông Trump sẽ “dối trá” về mình nên đã chủ động ghi chép lại cuộc trò chuyện và gửi một người khác để tuồn cho báo chí, mà sau này New York Times là tờ đăng tải.

Một bình luận trên Los Angeles Times ngày 8-6 khẳng định rằng ông Comey sau khi làm “ngôi sao sáng” thì sẽ chỉ có thể vụt tắt mà thôi. Vì chính quyền của Tổng thống Donald Trump có vẻ đã quen với những vụ lùm xùm, và đang đem khái niệm “bình thường hóa những bất thường” vào chính trị, nên sớm muộn gì mọi người cũng sẽ cảm thấy những bất thường trở nên bình thường.

Chính quyền Obama từng tác động ông Comey

Trong buổi điều trần ngày 8-6, ông Comey cũng tiết lộ rằng trong quá khứ, chính quyền cựu tổng thống Barack Obama cũng có tác động tới ông trong cuộc điều tra nhằm vào việc sử dụng email của ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Theo ông Comey, bộ trưởng tư pháp dưới quyền ông Obama khi ấy là bà Loretta Lynch đã yêu cầu ông đừng gọi vụ lùm xùm email của bà Clinton là một “cuộc điều tra”, thay vào đó hãy xem đấy là “một vấn đề” mà thôi.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên