Tổng thống Trump tại Hội nghị hành động chính trị bảo thủ ngày 2-3 - Ảnh: Reuters
Đáng chú ý, phần điều trần của Cohen cho rằng đã biết trước WikiLeaks sẽ công bố các email gây tổn hại chiến dịch tranh cử của đối thủ Hillary Clinton, cũng như một cuộc gặp với luật sư người Nga ngay tại tòa nhà Trump Tower ở New York.
Bắt tay với WikiLeaks?
WikiLeaks, trang mạng nổi tiếng với những vụ công bố thông tin mật gây chấn động thế giới, đã lần lượt công bố những email của Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ và John Podesta - người đứng đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton vào các ngày 22-7 và 7-10-2016.
Hàng chục ngàn email bị phơi bày trên WikiLeaks khiến nữ ứng viên của Đảng Dân chủ trải qua một phen sóng gió, xới lại bê bối sử dụng email cá nhân cho việc công và lưu giữ chúng trên các máy chủ tại nhà riêng, thay vì máy chủ của Chính phủ Mỹ. Các tin tặc Chính phủ Nga bị cáo buộc đứng sau những vụ tấn công này.
Trong khi chiến dịch tranh cử của ông Trump khẳng định họ không liên quan đến việc tấn công và công bố các email trên, Roger Stone - một cộng sự lâu năm của ông Trump - đã bị nhóm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller truy tố hồi tháng trước vì lừa dối Quốc hội về những liên lạc với WikiLeaks.
"Tôi đã ở văn phòng của ông Trump khi thư ký của ông ta thông báo Stone đang gọi tới. Ông Trump đã bật loa ngoài" - luật sư Cohen kể lại trong cuộc điều trần ngày 26-2, cho biết hôm đó là ngày 18 hoặc 19-7-2016.
"Ông Stone thông báo là vừa nói chuyện với Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, xong và Assange nói với ông ta rằng trong một vài ngày tới sẽ công bố một đống email có thể gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary. Ông Trump đã phản ứng lại bằng thái độ kiểu: điều đó chẳng phải tuyệt vời quá hay sao".
Trong một vụ khác, Cohen kể lại đã thấy Donald Jr, con trai cả của ông Trump, nhoài người về phía cha và nói thì thầm vào tai ông những gì mà ông nghe rõ ràng là "cuộc gặp đã được sắp xếp xong xuôi". "Ok, tốt, nhớ cho cha biết sau đó" - ông Trump đã trả lời như vậy. Đó là cuộc gặp tại New York với một luật sư người Nga - người tuyên bố có những thông tin có thể đánh chìm bà Hillary.
Nếu những gì cựu luật sư của ông Trump kể là chính xác, các chuyên gia pháp lý cho rằng nó vẫn chưa đủ mạnh mẽ để buộc tội ông Trump đã thông đồng với người Nga.
Trong vụ WikiLeaks, các công tố viên phải chứng minh được ông Trump hoặc chiến dịch tranh cử của ông đã phối hợp tích cực với người Nga và tuồn những email đánh cắp được, hoặc có những hành động làm thay đổi kết quả bầu cử.
Tháng 1 vừa qua, Văn phòng công tố viên đặc biệt Mueller đã chấp nhận cho ông Trump phản hồi bằng văn bản thay vì trả lời trực tiếp một số vấn đề. Vẫn chưa một ai biết nội dung của những câu hỏi và trả lời trong đó.
Trao đổi với báo New York Times, Peter Zeidenberg - cựu công tố viên liên bang - nhận định nếu Cohen nói sự thật và ông Trump thề trong văn bản gửi đến văn phòng ông Mueller rằng ông không hề biết các cuộc trao đổi giữa ông Stone và nhà sáng lập WikiLeaks, đó có thể là bằng chứng kết tội ông.
Hạ viện "soi" tổng thống
Theo lời của Adam Schiff - chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện thuộc phe Dân chủ, cựu luật sư của ông Trump đã rất hợp tác trong phiên điều trần kín ngày 27-2, rằng "mọi thứ tốt hơn khi không có camera". Cohen sẽ quay lại ủy ban này cho một cuộc điều trần kín nữa vào ngày 6-3 tới.
Sau Cohen, ủy ban do ông Schiff đứng đầu cũng lên kế hoạch gửi trát yêu cầu doanh nhân sinh ở Nga Felix Sater ra điều trần về dự án xây dựng tòa nhà Trump Tower tại Matxcơva, cũng như yêu cầu công tố viên đặc biệt Mueller phải nộp toàn văn kết luận điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ nếu ông này không gửi nó cho Quốc hội.
Việc Đảng Dân chủ nắm Hạ viện đánh dấu một giai đoạn khó khăn cho ông Trump. Hàng loạt ủy ban của Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo đang tìm cách "soi" tổng thống, từ Ủy ban Tình báo như đã nói ở trên đến Ủy ban Tư pháp, nơi giám sát Bộ Tư pháp và Ủy ban Tài chính, nơi đang nhắm vào mối quan hệ giữa ông Trump với Deutsche Bank AG của Đức.
Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ chỉ là một trong số nhiều cuộc điều tra tương tự ở Mỹ. Trong lúc nhóm của ông Mueller đang chuẩn bị khép lại cuộc điều tra kéo dài 2 năm, đã có những tranh luận yêu cầu phải công khai toàn bộ kết luận điều tra.
Theo quy định, ông Mueller chỉ có trách nhiệm nộp toàn bộ báo cáo cho bộ trưởng tư pháp, nêu rõ các lý do vì sao truy tố và không truy tố cá nhân, tổ chức nào đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận