02/11/2017 11:57 GMT+7

Sông Đốc - 20 năm cơn bão Linda

TIẾN TRÌNH - KIỀU OANH
TIẾN TRÌNH - KIỀU OANH

TTO - Thị trấn Sông Đốc, Cà Mau những ngày này ghe tàu như nêm. 20 năm trước, ngày này, xác người la liệt, nhà cửa tan hoang bởi bão Linda. 128 người chết, 1.164 người mất tích, gần 1.000 tàu thuyền hư hại. Thị trấn hoang tàn, đầy tiếng than khóc...

Sông Đốc - 20 năm cơn bão Linda - Ảnh 1.

Trong 20 năm, đội tàu của thị trấn Sông Đốc từ 450 chiếc tăng lên hơn 1.500 chiếc, có công suất lớn hơn, trang bị hiện đại hơn - Ảnh: HUỲNH LÂM

Đúng 20 năm sau, hôm nay một cơn áp thấp cũng đang vần vũ trên đất trời miền Tây. Tàu bè về cửa biển Sông Đốc một phần là tránh bão, một phần do đây là cửa biển ra biển Tây gần nhất ở phía Nam, có dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nên lúc nào cũng tấp nập tàu thuyền.

Nối nghiệp ra khơi

20 năm trước, khi người chồng là ông Danh Sal và con trai chết mất xác ngoài biển, bà Trương Thị Hạnh (nay 52 tuổi) tay ẵm tay dắt hai đứa con là Danh Tiến, Danh Hậu chạy đi tìm chồng, tìm cha. 

Đêm ghe chìm, bạn tàu chỉ vớt được ba người. Cha con ông Danh Sal cùng hai bạn tàu khác không được may mắn như vậy.

Nay, Danh Tiến, Danh Hậu lại nối nghiệp cha, lấy biển khơi làm nhà. Nhưng trong tâm trí bà Hạnh thì những đứa con của bà tiếp tục ra khơi vừa là niềm hãnh diện, vừa là nỗi lo lắng không yên. 

"Đêm nào tui cũng cầu cho anh em nó bình yên" - bà nói.

Ở Sông Đốc, vài nhà thì có một nhà mất người thân trong cơn bão dữ năm đó, bởi đàn ông trai tráng ở đây hầu hết theo nghề biển cả, đàn bà vá lưới hoặc buôn thúng bán bưng.

Cùng số phận chồng mất, con mất như bà Hạnh còn có bà Lê Thị Út, bà Lê Thị Đẹp, bà Nguyễn Thúy Nga... Những người đàn bà son trẻ ngày đó phải một tay chèo chống nuôi đàn con lít nhít với gia sản hoặc không có gì hoặc là đổ nát. 

Ở thị trấn này có những đứa trẻ ra đời sau ngày cơn bão đó, mang những cái tên uất nghẹn: Hận Bão, Hận Biển...

Sông Đốc - 20 năm cơn bão Linda - Ảnh 2. Sông Đốc - 20 năm cơn bão Linda - Ảnh 2. Sông Đốc - 20 năm cơn bão Linda - Ảnh 2.
Sông Đốc - 20 năm cơn bão Linda - Ảnh 2.

Những lúc nhớ con, bà Lê Thị Út ra ngồi bên bia tưởng niệm đồng bào tử nạn trong cơn bão số 5 ở cửa biển Sông Đốc - Ảnh: KIỀU OANH

Đội tàu tăng hơn gấp 3, công suất lớn

Nhưng đó là chuyện xưa. Thuở đó Sông Đốc có chừng 450 tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ. Nay thị trấn có trên 1.500 tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ, trang bị hiện đại, là một trong những cửa biển có đội tàu đánh bắt hùng hậu bậc nhất vùng biển Tây Nam.

Như ông Lê Văn Thiệt (55 tuổi) tàu chìm trắng tay sau bão, được Nhà nước hỗ trợ vay 800 triệu đồng, đóng chiếc tàu mới vào đầu năm 1998. Những chuyến ra khơi của ông thuận buồm xuôi gió, có tiền đóng thêm ghe mới. 

Giờ ông Thiệt có bốn chiếc ghe câu mực đóng mới đều to hơn, chắc hơn, trang bị đầy đủ hơn những chiếc trước. Tới giờ, ông nói vẫn có điều hối tiếc là "khinh thường" những cơn bão biển. 

"Hồi đó do mình chủ quan, bị một lần là sợ dữ lắm rồi. Bây giờ mình luôn theo dõi dự báo thời tiết, nắm hướng di chuyển của bão để tránh" - ông nói.

Cửa biển Sông Đốc nằm trên con đường ngắn nhất ra ngư trường Tây Nam. Từ lâu, thị trấn cửa biển này là nơi neo đậu của tàu cá khắp các tỉnh đánh bắt trong ngư trường. Ngoài đội tàu đánh bắt hùng hậu, đây cũng là nơi có hậu cần nghề cá xôm tụ bậc nhất trong vùng.

Ông Lâm Văn Phú, phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết mỗi năm, đội tàu của thị trấn đánh bắt trên 100.000 tấn hải sản. "Sau 20 năm, không những chúng tôi vượt qua mất mát của bão số 5, mà từ những tổn thương đó, chúng tôi đã vươn lên mạnh mẽ hơn" - ông nói.

"Bây giờ đội tàu của Sông Đốc này đông hơn, to hơn. Cũng từ bão mà tàu bè được trang bị tốt hơn, thông tin liên lạc cũng thông suốt, người ta không còn đi biển dựa vào kinh nghiệm như thế hệ tụi tui hồi đó nữa" - ông Lê Văn Tán (khóm 2, thị trấn Sông Đốc), ngư dân cố cựu ở Sông Đốc, chiêm nghiệm.

3-11, ngày tưởng niệm các nạn nhân

Sáng 2-11-1997, bão nhiệt đới Linda (bão số 5) đi qua vùng bán đảo Cà Mau. Đây là cơn bão gây thiệt hại về người lớn nhất trong vòng 100 năm qua ở VN, số người chết và mất tích lên tới 3.111 người, chưa kể số bị thương.

Ông Trần Hiếu Hùng, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, cho biết ngày mai 3-11, tỉnh sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tại cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh).

Ngoài ra, ở hai cửa biển lớn, có nhiều ghe tàu ra khơi là Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), chính quyền và người dân địa phương sẽ tổ chức buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân.

"Ngoài tưởng nhớ những người đã mất, lễ tưởng niệm còn nhắc nhở mọi người hun đúc ý chí ra khơi, bám biển, tuân thủ các quy tắc an toàn khi ứng phó với thiên tai, không để mất mát như đã từng xảy ra" - ông Hùng cho biết.

TIẾN TRÌNH - KIỀU OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên