29/11/2015 10:13 GMT+7

Sống cùng 
“nhịp thở” quê hương

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Những “cử tri xa xứ” cho dù đã hội nhập thành công vào nước sở tại hay vẫn đang vất vả mưu sinh đều nặng lòng với Tổ quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Viện Koerber - Ảnh: V.V.Thành

Mùa đông khắc nghiệt kéo dài ở Đức luôn là thử thách không nhỏ đối với những người Việt xa xứ. Hơn 20 năm trước, có một người Việt ở Potsdam vừa thất nghiệp. Anh ta lơ ngơ giữa ngã ba đường để chọn cho mình một lối đi: về hay ở lại?

Người đàn ông này đã nắm chặt bàn tay tê tái dưới tuyết rơi để chọn con đường ở lại và khởi nghiệp từ một xe bán imbiss (đồ ăn nhanh) trên đường phố.

Hơn 20 năm sau, người đàn ông đó nay được biết đến là ông Nguyễn Văn Hiền - người sở hữu một trung tâm thương mại lớn với gần 300 gian hàng ngay giữa Berlin, nơi được ông đặt tên là “Đồng Xuân”.

Lịch lãm trong bộ vest được cắt may khéo, ông chủ “Đồng Xuân” cùng hàng trăm người Việt khác đã đến tham dự cuộc gặp thân mật với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được tổ chức nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Đức (từ ngày 24 đến 26-11-2015).

Cuộc gặp cách xa Hà Nội ngàn dặm với hơn 11 giờ bay mà có cảm giác như một cuộc tiếp xúc cử tri diễn ra trong nước với các chủ đề quen thuộc, từ những lo lắng về ngân sách quốc gia, khi đất nước hội nhập sâu rộng hơn, cho đến chuyện hết sức cụ thể là tích hợp môn lịch sử...

Cũng như ở Tokyo, New York và nhiều nơi khác trong các chuyến công du, câu chuyện Biển Đông một lần nữa được những người Việt ở Berlin trăn trở nói ra với người đứng đầu Nhà nước ta.

Về phần mình, ông Hiền dành phần lớn thời gian phát biểu để khoe với Chủ tịch nước rằng cộng đồng người Việt ở Đức mới đây đã tổ chức quyên góp để đóng một chiếc xuồng trị giá 110.000 euro tặng chiến sĩ Trường Sa, trở thành cộng đồng kiều bào đầu tiên trên thế giới thực hiện sáng kiến “đóng xuồng chủ quyền”.

Sự đóng góp tuy nhỏ và mới ban đầu, nhưng được trao gửi từ những chắt bóp khó nhọc giữa mùa đông nước Đức.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong khi trò chuyện với bà con về tình hình Biển Đông đã nhắc đến lời dạy của vua Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần.

Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”.

Người đứng đầu Nhà nước nói chắc nịch trước đông đảo kiều bào: “Ông cha chúng ta như thế, đến đời chúng ta cũng phải thế”.

Không khí cuộc gặp trở nên nóng hơn ngay sau đó khi hàng loạt cánh tay giơ lên xin phát biểu.

Đến từ Đại học Potsdam, TS Nguyễn Văn Cường nhân việc Chủ tịch nước vừa nhắc đến lời dạy của bậc tiền nhân, đã nêu lên kiến nghị cần có sự thận trọng đối với việc tích hợp môn lịch sử sao cho vừa cải cách giáo dục theo xu hướng quốc tế, nhưng vừa giữ được truyền thống để con em chúng ta phải thuộc sử ta, phải biết các thế hệ đi trước đã ứng xử như thế nào mà giữ gìn giang sơn gấm vóc một dải.

Giờ đây, khi đọc tin Quốc hội vừa ra nghị quyết trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”, chắc TS Cường đã có câu trả lời cho mình.

Những “cử tri xa xứ” cho dù đã hội nhập thành công vào nước sở tại hay vẫn đang vất vả mưu sinh đều nặng lòng với Tổ quốc. Nhờ Internet, họ gần như cập nhật tình hình trong nước từng ngày, từng giờ để có thể sống cùng “nhịp thở” với quê hương.

Câu chuyện còn lại là quê hương thật sự rộng mở, chân thành và tạo điều kiện thuận lợi hơn với những khúc ruột ngàn dặm, để nguồn lực to lớn này ngày càng góp phần quan trọng vun đắp quê hương.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên