Sau một bữa ăn, mỗi người xả thêm vài sản phẩm nhựa vào môi trường. Trong ảnh: bữa ăn sáng của công nhân ở Bình Dương - Ảnh: N.HẠNH
Giảm rác nhựa, mỗi ngày một chút, bằng cách nào? Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc phản hồi về vấn đề này.
Giữa vòng vây sản phẩm nhựa
Ngày càng nhiều tổ chức thực hiện hàng loạt chương trình, các cộng đồng "nói không với túi nilông" được thành lập nhằm đánh động ý thức của con người.
Một vài quốc gia đưa ra lộ trình thực hiện quốc sách về việc cấm dùng túi nilông, ống hút một lần. Nhưng thực tế hạt vi nhựa không chỉ có từ những chiếc túi đựng thực phẩm.
Tôi nhìn quanh mình, đâu đâu cũng thấy nhựa, gắn nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt... hằng ngày của con người.
Từ chiếc điện thoại - vật bất ly thân của mỗi người, ốp điện thoại lắm kiểu, nhiều sắc màu, mẫu mã được cập nhật thường xuyên theo ca sĩ thần tượng, một bộ phim nóng sốt, một bức tranh nổi tiếng... Và hầu hết mọi người đều muốn đổi "áo" cho điện thoại.
Theo lối mua sắm, tiêu dùng này, rác thải từ những vật dụng nhựa theo đó mà tăng, và sẽ tống tất cả ra môi trường. Nếu con người dùng sản phẩm nhựa một cách tiết kiệm hơn sẽ giảm rác nhựa, giảm vi hạt nhựa.
Với áo quần cũng vậy. Người tiêu dùng không quan tâm mấy đến chất liệu, nguyên liệu phụ kiện thời trang, họ lựa chọn vì giá cả, kiểu dáng. Nhựa là một trong những nguyên liệu làm nên những đôi giày, túi xách, phụ kiện thời trang...
Năm 2018, nhiều thương hiệu thời trang cao cấp đồng loạt ra mắt những mẫu túi nhựa trong suốt. Những chiếc túi nhựa hệt-như-túi-nilông-bình-thường dùng để đi chợ hay đựng đồ lặt vặt trong nhà lại được hàng loạt tín đồ thời trang từ Âu sang Á coi là đồ dùng sành điệu.
Xu hướng thời trang này nhanh chóng lan rộng, nhiều nơi "ăn theo" sản xuất và sử dụng tràn lan. Nhất là khi một nhân vật "thần tượng" đang dùng sản phẩm loại này, người hâm mộ sẽ mua ngay những chiếc túi na ná, với giá "mềm" hơn (và tiềm ẩn nguy cơ độc hại cao hơn).
Túi trong suốt, ngoài khả năng chống lại mưa gió còn giúp chủ nhân thể hiện tính cách của bản thân khi để lộ ra những món đồ có trong chiếc túi.
Ai dám chắc mình sẽ nâng niu dài lâu những chiếc túi này, hay sẽ nhanh chóng thành rác như mấy chiếc cốc nhựa, hộp xốp dùng một lần kia?
Đồ nội thất bằng nhựa cũng không thể thiếu đối với con người. Ngay cả đồ gỗ cũng đôi khi được ép cùng nhựa để tạo được kết cấu cứng cáp.
Khi bị vứt bỏ, chính những món đồ vật tưởng như có thể phân hủy thuận theo tự nhiên này lại sẽ phân hủy không ít hóa chất độc hại và vi nhựa ra môi trường.
NGỌC LƯU (Quảng Nam)
Hạn chế và từ chối túi nhựa!
Tôi từng không biết xử lý thế nào với rất nhiều loại túi nilông đựng hàng mỗi khi đi chợ, siêu thị về. Những chiếc túi nilông đủ kích cỡ, màu sắc còn mới tinh tươm vẫn có thể tái sử dụng. Lâu lâu tôi gom lại mang cho chị bán hàng tạp hóa gần nhà.
Vậy rồi, tôi hạn chế và từ chối túi nilông, coi như một cách giảm mang rác về nhà và giảm xả rác ra môi trường.
Nhiều năm nay, mỗi khi mua rau củ ở siêu thị, tôi mang đến quầy cân, đề nghị nhân viên cân từng loại xong cho tất cả vào cùng một túi nilông và dán các tem mã vạch tính tiền bên ngoài, thay cho cách mỗi loại, mỗi túi chỉ vài trái (củ) một cách thừa thãi như trước đây.
Với bắp cải, bầu, bí, tôi yêu cầu nhân viên dán tem tính tiền trực tiếp lên đó. Tôi hạn chế sử dụng túi nilông bằng mọi cách có thể. Mua hàng ở chợ, tiệm tạp hóa, món nào có thể bỏ vào giỏ xe phía trước hoặc có thể dồn chung cùng một túi, tôi trả túi cho người bán.
Những việc này đã làm giảm hẳn lượng túi nilông ở nhà sau những lần mua hàng hóa. Hạn chế hoặc từ chối sử dụng các loại bao bì, túi nilông chính là góp phần làm giảm lượng rác thải ra môi trường.
Hiện tại, giá thành các loại bao bì, túi nilông trên thị trường còn khá rẻ nên vẫn còn kích thích người tiêu dùng bởi rẻ và tiện dụng. Nhà nước có thể tăng thuế các sản phẩm nhựa, khuyến khích người dân chuyển sang dùng các loại bao bì, túi, giỏ khác.
Khi giá thành cao người dân sẽ cân nhắc khi sử dụng, lượng rác thải từ các vỏ hộp, ly nhựa, túi nilông ra môi trường từ đó cũng sẽ giảm đi.
Thử liệt kê vài thứ dễ thấy xung quanh để tự thừa nhận rằng vấn đề: chính nhu cầu tiêu thụ vô tận, văn hóa tiêu dùng lãng phí (mua nhanh, bỏ nhanh) và những tính toán kinh tế quá lớn của loài người là nguyên nhân khiến vi hạt nhựa thành hiểm họa với con người và động vật.
Không quá khó để mỗi cá nhân có thể góp phần giải quyết vấn nạn này. Chỉ cần mỗi chúng ta tiết kiệm hơn trong tiêu dùng sản phẩm có nhựa, tái chế, tái sử dụng thay vì quăng ra môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận