TTCT - Theo Hội Thần kinh học Việt Nam, nước ta có 5% dân số trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ. Dân số Việt Nam đang già hóa nên số người mắc bệnh này ngày càng nhiều. Những hành động kỳ lạMột buổi sáng, những người cùng làng thấy ông Nguyễn Đình P. (80 tuổi, ở Hoài Nhơn, Bình Định) tha thẩn trong sân điểm trường mẫu giáo gần nhà đến hàng tiếng đồng hồ. Hàng xóm bước qua hỏi thăm thì bật ngửa khi nghe ông trả lời: "Tôi tìm đường về nhà" trong khi nhà ông cách đó chưa tới 300m. Sau khi thăm khám, bệnh viện kết luận ông P. mắc bệnh Alzheimer làm mất trí nhớ một phần. Người nhà cho biết trước đó ông đã có những triệu chứng rối loạn giấc ngủ như ngủ trưa đến 6h tối, ngủ vào những giờ trái khoáy như 7h tối hoặc 9h sáng.Các bệnh nhân Alzheimer tham gia hoạt động trị liệu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: K.Y.Nhiều người được đưa đến phòng khám về sa sút trí tuệ, khoa thần kinh (BV Đại học Y dược TP.HCM) đều được phát hiện bệnh từ những hành động khác thường. Bà Hằng, một thủ quỹ về hưu được chục năm, than thiếu tiền và vay mượn người thân cả năm không trả. Những người xung quanh khó hiểu vì không thấy bà Hằng bài bạc hay chi tiêu hoang phí, các nguồn thu nhập trước giờ vẫn đủ sống. Sau khi tìm hiểu, họ phát hiện cả năm qua, bà Hằng không rút tiền trong thẻ ATM, cũng không nhớ mình có thẻ ATM và có tiền trong tài khoản ngân hàng, có lương hưu hằng tháng. Người bạn đưa bà đi khám và bác sĩ kết luận bà bị Alzheimer ở tuổi 65.Con gái bà Minh (68 tuổi) kể gần đây mẹ tự nhiên hay lớn tiếng mắng mỏ con cháu bằng ngôn ngữ thô tục dù bình thường bà rất nhẹ nhàng, thương con, quý cháu. Bác sĩ kết luận bà Minh bị bệnh Alzheimer, biểu hiện ngày càng nặng.Bác sĩ Tống Mai Trang, khoa thần kinh (BV ĐH Y dược TP.HCM), luôn yêu cầu người thân trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân phải cùng đi với người bệnh khi tới khám bệnh. Lý do là các bệnh nhân không còn minh mẫn nên không thể trả lời những câu hỏi về tình trạng bệnh. Thân nhân cũng cần cung cấp các thông tin cần thiết như bệnh nhân đang sống với ai, gia đình có mấy người, thời gian đi làm, sinh hoạt của mỗi người như thế nào, ai là người thường xuyên chăm sóc, tiếp xúc với bệnh nhân…Dựa trên từng hoàn cảnh cụ thể, bác sĩ hướng dẫn người nhà cách giúp đỡ và sống chung với người bệnh Alzheimer để cả gia đình không rối loạn vì những triệu chứng ngày càng nặng của căn bệnh này. "Người nhà phải tham gia cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị thì mới có hiệu quả", bác sĩ Mai Trang khẳng định.Chăm người già như chăm em béBác sĩ Nguyễn Thanh Bình, khoa thần kinh và bệnh Alzheimer Bệnh viện Lão khoa trung ương, cho biết sa sút trí tuệ, mất trí nhớ là những hệ quả phổ biến của bệnh Alzheimer. Theo bác sĩ này, người mắc chứng sa sút trí tuệ sống trong không khí gia đình thân quen là tốt nhất. Khi sa sút trí tuệ tiến triển, có những biến chứng về rối loạn tâm thần hành vi, hay bị sặc khi ăn uống, viêm phổi, mất nước thì mới điều trị ở bệnh viện.Để có thể chăm sóc được người sa sút trí tuệ, người thân phải hiểu về bệnh và học các kỹ năng hỗ trợ người bệnh. Đầu tiên là tuân thủ nguyên tắc xử lý khi chăm sóc người mắc sa sút trí tuệ, là "không tranh cãi"; "không nói "không"; và "không yêu cầu".Người nhà cần duy trì tính độc lập, tôn trọng và nâng cao sự tự tin cho người bệnh. Khi nói chuyện với bệnh nhân, người đối diện cần nhẹ nhàng, nói câu ngắn, rõ từng ý một, thông tin tích cực, sử dụng từ ngữ mà người bệnh biết rõ nhất. Người nói chuyện có thể lặp lại nhiều lần một câu, không nói những điều người bệnh không muốn nghe, không thách thức hay tranh luận, không hạ thấp người bệnh.Một ví dụ điển hình mà các bác sĩ thường kể là có bệnh nhân đang điều trị Alzheimer luôn đòi con cháu mua vé máy bay cho ông đi Mỹ. Người nhà càng cản, ông càng đòi rồi hờn dỗi, cáu gắt với con cái. Sau khi được bác sĩ điều trị hướng dẫn, mỗi lần ông đòi đi Mỹ thì con ông sẽ đồng tình, kiểu "ba vô thay áo quần đẹp để đi, hoặc ba qua chào bác hàng xóm rồi đi"… Sau khi thay quần áo hoặc thăm hàng xóm thì bệnh nhân về nhà đi ngủ, quên luôn chuyện đi Mỹ.Ngoài ra, người thân cần phát hiện và xử lý các vấn đề về thính giác, thị giác của người bệnh như khuyến khích họ chỉ tay hoặc ra hiệu để biểu đạt nội dung muốn nói. Người bệnh bỗng dưng quên họ đang nói gì thì người nhà lặp lại từ cuối cùng… Khi yêu cầu người bệnh làm một việc, hãy đưa ra hướng dẫn từng bước một và đừng tin bệnh nhân tự hiểu những gì người xung quanh nói hay làm ngay cả khi họ nói "tôi hiểu rồi". Khi giao tiếp với người sa sút trí tuệ cần loại bỏ những yếu tố làm nhiễu thị giác, âm thanh càng nhỏ càng tốt. Chẳng hạn như nói chuyện ở trong phòng riêng, yên tĩnh, giữ khoảng cách hợp lý.Các bệnh nhân bị sa sút trí tuệ cần giữ khả năng làm việc, hoạt động càng lâu càng tốt. Vì vậy người nhà không nên làm thay tất cả các công việc cho bệnh nhân. Những sinh hoạt cá nhân như tắm, giặt, mặc quần áo, gắp thức ăn…, nếu người bệnh vẫn làm được thì để họ tự làm. Khi cần, người nhà chỉ hỗ trợ một phần như pha nước tắm, giúp cài khuy áo…Người bệnh Alzheimer bị mất trí nhớ, sa sút trí tuệ thường đi lang thang và quên đường về nhà. Bác sĩ Tống Mai Trang cho biết phải mặc định rằng người bệnh có thể đi lạc bất cứ lúc nào ngay cả khi họ nói chỉ qua nhà bên cạnh. Nên để một tờ giấy ghi địa chỉ nhà, số điện thoại của người thân trong túi áo bệnh nhân.Bác sĩ Minh tư vấn: người thân cần nói với hàng xóm biết về tình trạng của người bệnh, nhờ họ gọi cho người chăm sóc nếu thấy người bệnh ra ngoài một mình. Người chăm sóc cần biết được nơi mà người bệnh thích đến như nhà bạn hay nơi làm việc cũ. Người nhà luôn có một bức ảnh mới và chuẩn bị sẵn các thông tin về tuổi tác, chiều cao, cân nặng, màu tóc, các dấu hiệu nhận biết và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.Nếu bệnh nhân cần hỗ trợ sinh hoạt cá nhân, cần tắm cho người bệnh vào thời gian, địa điểm nhất định mỗi ngày. Người chăm sóc cần chuẩn bị trước khăn tắm, quần áo, kiểm tra nhiệt độ nước, đảm báo phòng tắm ấm, đủ ánh sáng, không bị chói. Xà phòng, dầu gội đầu ở nơi dễ lấy, nhà tắm nên có tay vịn và có ghế ngồi tắm. Người bệnh có thể dễ hoảng sợ khi nhìn thấy hình ảnh mình trong gương nên không để người bệnh ở một mình ở đây.Khi tắm, người nhà cần quan sát xem cơ thể người bệnh có bị vết thương hay lở loét hay không; giải thích từng bước tắm, ví dụ "con đang xoa dầu gội đầu lên đầu mẹ"; nhấn mạnh cho họ biết các bộ phận cơ thể cần tắm rửa thường xuyên. Nếu người bệnh không muốn tắm thì để họ làm việc khác rồi thử lại sau. Người bệnh cũng cần sự riêng tư nên có thể đóng cửa, để họ mặc đồ lót khi tắm; cần khen ngợi và động viên mỗi khi họ tự thực hiện được một bước. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy xấu hổ khi tắm cùng với người chăm sóc không phải là người trong gia đình hoặc người khác giới, vì vậy cần lựa chọn người chăm sóc phù hợp.Hội chứng hoàng hôn khá thường gặp ở người sa sút trí tuệ. Những người mắc hội chứng này thường lú lẫn hơn vào buổi chiều, ví dụ cứ chiều đến là bệnh nhân đòi về nhà mặc dù đang ở nhà. Những lúc như vậy, người thân coi như chấp nhận lời đề nghị của người bệnh nhưng chuyển sự chú ý sang một việc khác trước khi về. Như có thể nói bây giờ đi tắm, chuẩn bị quần áo, sang chào hỏi người thân… trước khi về nhà, sau đó có thể đưa người bệnh đi dạo một vòng.■ Theo thống kê từ Liên đoàn bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ thế giới, cứ mỗi 3 giây có một người suy giảm nhận thức tiến triển thành sa sút trí tuệ. Tại Việt Nam, năm 2022 có hơn 500.000 người sa sút trí tuệ, dự báo con số này sẽ tăng lên 1,8 triệu người vào năm 2050.Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính đến năm 2023 số người bị sa sút trí tuệ trên toàn cầu đạt xấp xỉ 55 triệu người, 60% trong số đó thuộc về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp và có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Năm 2019, Việt Nam có 11,9% dân số từ 60 tuổi trở lên và dự báo sẽ tăng trên 25% vào năm 2050.Các chuyên gia nhận định hiện nay độ tuổi được phát hiện mắc sa sút trí tuệ đang có chiều hướng trẻ hơn so với trước. TS.BS Nguyễn Thanh Bình, khoa thần kinh và bệnh Alzheimer, Bệnh viện Lão khoa trung ương, cho hay khoảng 5-10% số bệnh nhân khởi phát suy giảm trí nhớ dưới 65 tuổi, còn lại ở nhóm trên 65 tuổi. Tags: Sa sút trí tuệBệnh nhân AlzheimerAlzheimer
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất nền tảng bán hàng xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam cũng bị đánh thuế NGỌC AN 22/11/2024 Với các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế dù không có hiện diện.
Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM sẽ thành sàn diễn thời trang HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Hạnh phúc - Happy Forever là chủ đề show diễn thời trang thứ hai trong năm 2024 của nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng, sẽ tổ chức ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;