28/01/2015 10:35 GMT+7

Sống bằng trái tim người khác

NGUYÊN LINH
NGUYÊN LINH

TT - “Sau khi được ghép tim, tôi thấy mình khỏe như người bình thường. Có lẽ tôi may mắn nhận được một quả tim rất khỏe” - Trần Mậu Đức xúc động nói.

Anh Trần Mậu Đức - bệnh nhân của ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam - và cuộc sống hạnh phúc hiện tại - Ảnh: Nguyên Linh
Tôi đã nhiều lần đến mộ thắp hương, nguyện cầu cho linh hồn anh ấy được siêu thoát. Ngày 1-3 hằng năm, vợ chồng tôi làm mâm cơm cúng giỗ để nhớ ơn người đã khuất. Tôi sống lại là nhờ ân tình của anh ấy, của nhiều người, nên giờ phải gắng sống cho tốt, cố làm việc thiện để đền đáp ân tình

Trần Mậu Đức

Anh là bệnh nhân của ca ghép tim đầu tiên do các bác sĩ Việt Nam thực hiện tại Huế vào năm 2011.

Bốn năm sau ngày Đức (31 tuổi, trú phường Phú Hội, TP Huế) được ghép tim, chúng tôi tình cờ gặp lại anh ở bãi giữ xe của Bệnh viện Trung ương Huế.

Gặp lại người quen, Đức tươi cười: “Tôi  được nhận làm nhân viên giữ xe của bệnh viện được bảy tháng nay. Giờ tôi là lao động chính trong nhà, mỗi tháng kiếm được gần 4 triệu đồng, tạm đủ lo cho vợ con”.

Chúng tôi bất ngờ khi nhìn thấy Đức mập tròn khỏe mạnh, chạy thoăn thoắt sắp xếp hàng trăm chiếc xe máy gọn gàng, khác hẳn với hình ảnh một bệnh nhân yếu ớt, thở đứt quãng ở phòng chăm sóc đặc biệt bốn năm trước.

Đã nói lời trăn trối

Đức kể rằng từ khi sinh ra và lớn lên anh hoàn toàn khỏe mạnh, bạn bè còn ví anh “khỏe như voi”. Năm 2005, thi trượt đại học, Đức đi làm phụ thợ hồ các công trình xây dựng ở Đà Nẵng. Một hôm, Đức bị ngất lịm khi đang làm việc tại công trình nên xin nghỉ việc.

Rồi một lần đi xem chương trình nhạc rock ở Huế, do cổ vũ quá cuồng nhiệt nên Đức bị ngất và được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Tại đây, bác sĩ phát hiện Đức bị bệnh cơ tim giãn, suy tim độ 4, đã điều trị khá lâu nhưng chỉ có giải pháp ghép tim mới cứu được tính mạng.

Đức nói quãng thời gian nằm ở phòng đặc biệt chờ ghép tim là những ngày tháng khủng khiếp nhất cuộc đời anh, bởi từng ngày anh phải chứng kiến những người nằm quanh mình lần lượt ra đi. Trước Đức đã có một bệnh nhân khác được chọn để ghép tim “lần đầu tiên”.

Khi các xét nghiệm gần như đã hoàn tất, chỉ chờ lên bàn mổ thì người nhà người hiến tim lại đổi ý không cho tim nữa nên phải dừng lại. Người bệnh kia suy sụp, chỉ một thời gian ngắn sau thì mất.

“Ở phòng chờ ghép tim anh em cứ hay nói đùa với nhau đây là “phòng chờ chết” bởi vài ngày lại có người chết vì không chờ được trái tim người hiến tặng. Tôi chết điếng người khi nghe bác sĩ nói mình chỉ còn sống được khoảng ba tháng nữa nếu không được ghép tim” - Đức nhớ lại, đôi mắt ngấn lệ. Ngày đó anh rơi vào tuyệt vọng, thương con gái nhỏ mới hai tuổi, người vợ trẻ rồi sẽ sống sao?

“Khi biết sự sống mình chỉ còn tính từng ngày nên tôi đã dặn với mẹ, với chị gái là sau này tôi chết nhờ lo giúp con gái và vợ. Tôi cũng dặn vợ là phải đi bước nữa. Vợ nắm tay tôi khóc, nói sẽ gắng nuôi con lớn khôn. Lúc đó mọi người nghĩ tôi sẽ chết, ai cũng khóc. Rứa mà tôi đã sống khỏe mạnh như ri, khác chi một phép mầu...” - Đức nở nụ cười hạnh phúc.

Gần ba năm trời điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, số tiền tích cóp của đôi vợ chồng trẻ đã đội nón ra đi và món nợ ngày càng phình to. Gia đình Đức sống trong những tháng ngày tuyệt vọng, chờ ngày lo hậu sự.

“Hôm nghe bác sĩ báo tin mình được chọn để ghép tim bởi các chỉ số xét nghiệm đọ chéo đều phù hợp, cả gia đình lóe lên hi vọng vì có một cơ hội sống cuối cùng” - Đức nhớ lại.

Nhờ trái tim người khác, Trần Mậu Đức sống hạnh phúc bên hai cô con gái nhỏ của mình - Ảnh: Nguyên Linh

Và con tim đã vui trở lại

Trở lại câu chuyện đêm sinh - tử, Đức vẫn còn nhớ như in cái cảm xúc khi bác sĩ lao vội vào phòng thông báo anh được chọn ghép tim. Chị Võ Mỹ Nương, vợ Đức, dù đã lấy hết can đảm nhưng tay vẫn run run khi ký vào lá đơn đề nghị mổ thay tim cho chồng, bởi quá nhiều rủi ro đang chờ phía trước.

“Được chọn ghép tim thì mừng lắm, dù rất tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ nhưng vẫn lo bởi mình là người đầu tiên, cơ hội là 50-50. Nhưng nghĩ mình phải lo cho vợ con, tôi quyết tâm phải sống, nên tâm lý rất thoải mái khi lên bàn mổ” - Đức kể.

21g ngày 1-3-2011, đó là thời khắc lịch sử không chỉ của Bệnh viện Trung ương Huế mà cả ngành y tế Việt Nam. GS Bùi Đức Phú - giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, người điều hành nhóm ghép tim - phát lệnh bắt đầu mở ngực người hiến tim. Một trái tim khỏe mạnh được đưa ra khỏi lồng ngực của người chết não và nhanh chóng được chuyển tới phòng ghép tim. 22g, êkip ghép tim do GS Phú chủ trì bắt đầu mở lồng ngực của Đức.

Ca mổ kéo dài trong năm giờ và kết thúc những mũi khâu cuối cùng lúc 3g sáng. Đến 10g sáng 2-3, bệnh nhân Trần Mậu Đức đã tỉnh táo, có thể cử động và trò chuyện được. “Tiếng thở mạnh mẽ và tiếng trái tim đập thình thịch là tín hiệu cho sự thành công của ca mổ” - GS Phú nhớ lại.

Trong câu chuyện kể, Đức nói nhiều đến sự may mắn của đời mình. Đức nói nếu anh không gặp vận may thì anh đã “xanh cỏ” từ lâu. Đức cho rằng may mắn trước tiên là người hiến tim có chỉ số đọ chéo phù hợp với anh, rồi may mắn kế tiếp khi được êkip bác sĩ rất giỏi tay nghề phẫu thuật ghép tim.

“Nếu không gặp bác sĩ Tống Viết Vinh (phó khoa nội tim mạch) và các bác sĩ ở phòng đặc biệt đợi ghép tim đã tận tình chăm sóc, ngày đêm động viên thì tôi không sống đến ngày được ghép tim” - Đức bộc bạch.

Sống bằng tim người khác

Suốt bốn năm nay, tháng nào Đức cũng đến bệnh viện tái khám và phải uống thuốc chống thải ghép hằng ngày. Mỗi tháng tiền thuốc hơn 10 triệu đồng, nhưng bảo hiểm y tế và bệnh viện đã hỗ trợ toàn bộ. Đức kể trước khi ra viện bác sĩ dặn phải sống bảo đảm vệ sinh để chống nhiễm trùng, có chế độ bồi dưỡng đặc biệt, không được lao động nặng. Đức cũng cho biết sau khi ghép tim, tâm sinh lý không thay đổi nhiều, nhưng anh lại sợ độ cao và bóng tối.

Tuy nhiên, do cuộc sống bức bách, Đức chỉ kiêng cữ được vài tháng đầu khi ra viện, sau đó phải lao vào làm việc để kiếm tiền. “Ngày đó, sáng nào tôi cũng thức dậy từ 3g-4g đến chợ đầu mối để lấy rau về cùng vợ ra chợ bán. Thời gian sau thì tôi đi bán kẹo cao su dạo, nhưng thu nhập bấp bênh nên chuyển sang làm bốc vác cho một đại lý sữa” - Đức kể.

“Khi biết tôi đang làm công việc bốc vác nặng nhọc, không phù hợp với người ghép tim, bác Bùi Đức Phú đã tạo điều kiện cho tôi làm nhân viên giữ xe ở bệnh viện”. Công việc hiện tại của Đức là trông giữ xe cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế, với thời gian tám giờ mỗi ngày.

Vào các ngày thứ bảy và chủ nhật, Đức được phòng bảo vệ bệnh viện thuê làm thêm, mỗi tháng tổng cộng được khoảng 4 triệu đồng.

Ghé thăm căn nhà nhỏ của vợ chồng Đức trên đường Nguyễn Công Trứ, Đức giới thiệu: “Vợ tôi là người miền Tây (Hậu Giang). Tụi tôi quen nhau khi cùng làm giày da ở Sài Gòn. Năm 2008, tụi tôi cưới nhau và sinh bé gái Mỹ Hương. Cuộc sống xa quê khó khăn nên vợ chồng trở về Huế sinh sống”.

Bà Hồ Thị Bòn, mẹ Đức, xem việc con trai mình sống lại khỏe mạnh như là đại phúc, vì trước đó “không ai tin là nó sống”.

Sau nhiều năm tìm kiếm, mới đây Đức đã biết được mộ phần của người cho mình quả tim. Đức tâm sự: “Tôi đã nhiều lần đến mộ thắp hương, nguyện cầu cho linh hồn anh ấy được siêu thoát. Ngày 1-3 hằng năm, vợ chồng tôi làm mâm cơm cúng giỗ để nhớ ơn người đã khuất. Tôi sống lại là nhờ ân tình của anh ấy, của nhiều người, nên giờ phải gắng sống cho tốt, cố làm việc thiện để đền đáp ân tình”.

Gần 100 chuyên gia tham gia ca mổ tim lịch sử

Vào tháng 6-2010, Bệnh viện Quân y 103 thuộc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã thực hiện ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam với sự tham gia của bác sĩ Đài Loan. Vì vậy, ca ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế là ca ghép tim đầu tiên được thực hiện bởi êkip bác sĩ toàn người Việt Nam.

Tham gia ca ghép tim lịch sử này có khoảng 100 bác sĩ, y tá, tổ chức thành 10 tổ chuyên trách như: tổ chuẩn bị trước ghép, tổ chẩn đoán chết não, tổ hồi sức chết não, tổ lấy tim, tổ ghép tim, tổ gây mê hồi sức, tổ hồi sức sau mổ...

Bộ trưởng Bộ Y tế bấy giờ là ông Nguyễn Quốc Triệu đã bay ngay vào Huế thưởng nóng cho êkip thực hiện ca ghép tim.

“Chỉ hơn sáu tháng kể từ ngày tôi ký quyết định cho phép Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ghép tim thì đơn vị đã thực hiện thành công. Tôi xin chúc mừng thành tựu lớn lao này. Bệnh viện Trung ương Huế đã làm vẻ vang không chỉ cho ngành y tế mà còn cho người VN” - bộ trưởng nói.

Theo GS.TS Bùi Đức Phú, sở dĩ Trần Mậu Đức mạnh khỏe cho đến nay là do các yếu tố như kỹ thuật ghép hiện đại, tương hợp miễn dịch cao, bản thân Đức trẻ khỏe và quả tim được ghép có chức năng hoàn hảo... Với ca ghép tim thành công cho Đức, Bệnh viện Trung ương Huế là cơ sở y tế đầu tiên của Việt Nam được đưa vào bản đồ ghép tim thế giới.

 

NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên