20/02/2025 15:31 GMT+7

Sông băng thế giới tan nhanh chưa từng có, một năm mất 270 tỉ tấn

Lượng băng mất đi trong một năm tương đương với lượng nước mà toàn bộ dân số thế giới tiêu thụ trong 30 năm.

sông băng thế giới mất 6.500 tỉ tấn băng chỉ trong 25 năm - Ảnh 1.

Một khu vực sông băng tại Alaska (Mỹ) - Ảnh: ALASKA.ORG

Các sông băng trên thế giới đang tan chảy nhanh hơn bao giờ hết do tác động của biến đổi khí hậu, theo một phân tích khoa học toàn diện nhất từ trước đến nay.

Sông băng toàn cầu mất 270 tỉ tấn mỗi năm

Sông băng, những dòng sông băng giá trên núi, ngoài cung cấp nguồn nước ngọt cho hàng triệu người còn chứa một lượng băng đủ để làm mực nước biển toàn cầu dâng thêm 32cm nếu tan chảy hoàn toàn.

Tuy nhiên theo BBC, kể từ đầu thế kỷ 21, tức chỉ mới khoảng 25 năm, thế giới đã mất hơn 6.500 tỉ tấn băng, tương đương 5% tổng khối lượng.

Tốc độ băng tan đang gia tăng nhanh chóng. Trong vòng hơn một thập kỷ qua, lượng băng mất đi cao hơn một phần ba so với giai đoạn 2000 - 2011.

Nghiên cứu này tổng hợp hơn 230 khu vực từ 35 nhóm nghiên cứu trên toàn thế giới, củng cố độ chính xác về tốc độ băng tan và cách chúng sẽ tiếp tục thay đổi trong tương lai.

Cụ thể từ năm 2000 đến 2023, các sông băng ngoài hai tảng băng chính là Greenland và Nam Cực đã mất trung bình 270 tỉ tấn băng mỗi năm.

Con số khổng lồ này khó hình dung, nhưng theo giáo sư Michael Zemp - giám đốc Trung tâm Giám sát sông băng thế giới và là tác giả chính của nghiên cứu, lượng băng mất đi chỉ trong một năm tương đương với lượng nước mà toàn bộ dân số thế giới tiêu thụ trong 30 năm, giả sử mỗi người dùng 3 lít nước mỗi ngày.

Tại một số khu vực, tốc độ băng tan thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ví dụ, Trung Âu đã mất tới 39% khối lượng băng chỉ trong hơn 20 năm.

Sông băng thế giới mất 6.500 tỉ tấn băng chỉ trong 25 năm - Ảnh 2.

Một tảng băng trôi đang tan chảy - Ảnh: LIVE SCIENCE

Nước cao thêm 1cm, 2 triệu người khốn khổ

Điểm đột phá của nghiên cứu này bên cạnh nằm ở việc khẳng định băng đang tan nhanh hơn, còn ở cách nó tổng hợp dữ liệu từ nhiều phương pháp khác nhau.

Có nhiều cách để đo lường sự thay đổi của sông băng, từ đo đạc thực địa đến hình ảnh vệ tinh. Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng, nhưng khi được kết hợp một cách hệ thống, chúng cung cấp cái nhìn chính xác hơn về tình trạng của các sông băng.

Những ước tính tổng hợp này rất quan trọng, vì chúng không chỉ giúp giới khoa học mà còn hỗ trợ các chính phủ và ngành công nghiệp đưa ra quyết định liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu.

Sông băng mất nhiều thời gian để phản ứng hoàn toàn với biến đổi khí hậu, có thể mất từ vài năm đến hàng thập kỷ, tùy thuộc vào kích thước. Điều đó có nghĩa là băng sẽ tiếp tục tan chảy trong những năm tới.

Tuy nhiên, khối lượng băng mất đi vào cuối thế kỷ này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ con người tiếp tục làm ấm hành tinh bằng việc thải ra khí CO₂ và các khí nhà kính khác.

Nghiên cứu cảnh báo rằng nếu thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu, chúng ta có thể mất một phần tư lượng băng của các sông băng. Nhưng nếu tình trạng ấm lên không được kiểm soát, con số này có thể gần đạt đến một nửa.

"Chỉ cần tránh được mỗi phần mười độ C nóng lên, chúng ta có thể cứu được một phần sông băng và giảm thiểu thiệt hại đáng kể", giáo sư Zemp nhấn mạnh.

Những hệ quả của hiện tượng này không chỉ giới hạn ở sự thay đổi cảnh quan hay hệ sinh thái địa phương. Khi băng tan, hàng trăm triệu người trên thế giới sẽ mất đi nguồn nước ngọt mà họ dựa vào từ nước băng tan theo mùa.

Không chỉ vậy, tác động còn lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Dù chỉ một sự gia tăng nhỏ về mực nước biển - từ băng tan ở các sông băng trên núi, tảng băng Greenland và Nam Cực, cùng với việc nước biển giãn nở do nhiệt độ cao hơn - cũng có thể làm tăng đáng kể tần suất lũ lụt ven biển.

"Chỉ cần mực nước biển tăng thêm 1cm, sẽ có thêm 2 triệu người trên hành tinh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hằng năm", giáo sư Andy Shepherd từ Đại học Northumbria cảnh báo.

Từ năm 1900 đến nay, mực nước biển toàn cầu đã dâng hơn 20cm, trong đó khoảng một nửa diễn ra chỉ từ đầu những năm 1990. Và nếu không có hành động quyết liệt, tốc độ gia tăng sẽ ngày càng nhanh hơn trong những thập kỷ tới.

Sông băng thế giới mất 6.500 tỉ tấn băng chỉ trong 25 năm - Ảnh 3.Nhà giàu Dubai uống đá lạnh 100.000 năm từ sông băng Bắc Cực

Trong bối cảnh Trái đất đang ấm dần lên, việc lấy nước đá từ các sông băng 100.000 năm tuổi ở Bắc Cực để bán cho giới nhà giàu Dubai khiến nhiều người bức xúc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên