06/11/2014 09:12 GMT+7

Đạo nhạc: chuyện biết rồi, nói mãi

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TT - Hai tuần nay, kể từ khi Sơn Tùng M-TP tung ca khúc Chắc ai đó sẽ về (nhạc của phim Chàng trai năm ấy) lên mạng, đợt sóng đạo nhạc lại tuôn trào.

Ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong buổi ra mắt đoàn phim Chàng trai năm ấy - Ảnh: T.T.D.
Một bộ phận công chúng yêu âm nhạc cũng nên có tinh thần tiếp nhận ca khúc mang tính tích cực nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của nghệ sĩ

Nhạc sĩ An Thuyên

Tựu trung thì cũng chỉ là việc dùng beat nhạc (hòa âm, phối khí) của một ca khúc khác mà không ghi xuất xứ, không xin phép.

Từ tháng 6-2014, đợt sóng tố cáo đạo nhạc khá mạnh mẽ khi cư dân mạng phát hiện hàng loạt ca khúc hit của Sơn Tùng M-TP đã dùng beat nhạc của các ca khúc nhạc ngoại (“”, Tuổi Trẻ 6-6-2014).

Nhiều nhạc sĩ đã vào cuộc: lão làng có An Thuyên, Ngô Vĩnh Lai; trẻ hơn có Tuấn Khanh, Trần Mạnh Hùng, Võ Thiện Thanh; trẻ hơn nữa có Dương Khắc Linh...

Trong các nhạc sĩ có uy tín đã nêu ý kiến, họ ở đủ các thành phần: hiệu trưởng trường nhạc, nhà soạn nhạc giao hưởng, giảng viên dạy sáng tác, nhạc sĩ trẻ tiếp cận với âm nhạc thế giới...

Ý kiến chung của họ là: việc dùng beat của một ca khúc khác để viết thêm giai điệu, đó không phải là cách sáng tác của người nhạc sĩ chuyên nghiệp, bởi không thể có những sáng tạo mang cá tính. Nó chỉ là một cách viết nhạc để vui chơi dành cho những người không chuyên nhưng yêu âm nhạc.

Về việc dùng phần hòa âm của một bản nhạc khác, cũng cần nhắc đến một trường hợp đặc biệt, Charles Gounod đã viết thêm một giai điệu vào bản Prelude số 1 của J. S. Bach để có bản Ave Maria nổi tiếng thế giới.

Nhưng đó là một trường hợp ngoại lệ của một thiên tài, và gần 150 năm qua cũng chỉ có mỗi một bản Ave Maria, chứ Charles Gounod và cả thế giới không dùng phương pháp này để sáng tác.

Sơn Tùng và ca khúc Em của ngày hôm qua đã bị loại khỏi chương trình Bài hát yêu thích cũng như không có tên trong danh sách 71 ca khúc được đề cử của Làn sóng xanh dù nằm trong tốp đầu của bảng xếp hạng, vì những ồn ào quanh chuyện đạo nhạc.

Cuối tháng 10 vừa qua, hội đồng thẩm định Bài hát Việt cũng quyết định rút giải thưởng Bài hát tháng đối với ca khúc Tương tư của nhóm FB Boiz cũng với lý do ca khúc này dùng phần beat của một ca khúc Hàn Quốc.

Chuyện này đã nói quá nhiều và chúng ta phải tin vào những nhạc sĩ uy tín, có chuyên môn âm
nhạc cao.

Nếu viết nhạc để chơi và với tính chất vô vụ lợi thì không cần bàn cãi làm gì.

Nhưng khi được dùng để kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ, dùng để biểu diễn có doanh thu, làm nhạc cho một bộ phim... thì đều được xem là những hoạt động mang tính chuyên nghiệp gắn liền với lợi nhuận.

Và khi đã đi vào hoạt động của thị trường thì phải tuân thủ những luật lệ về bản quyền nhằm tôn trọng quyền lợi của tác giả. Chúng ta phải ủng hộ việc nghiêm chỉnh thực thi Luật bản quyền.

Dù chỉ lấy một phần trong đoạn intro của bài Gimme! Gimme! Gimme! để sáng tác bài Hung up (Madonna viết chung với Stuart Price), Madonna cũng phải xin phép và thỏa thuận những vấn đề bản quyền với đại diện của Abba.

Nói về beat, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh lưu ý là đừng lẫn lộn beat và phần hòa âm phối khí.

Beat chỉ là tiết tấu (đơn giản là một drums loop), còn phần mà Sơn Tùng M-TP hoặc FB Boiz dùng lại của các ca khúc nhạc ngoại như đã nói trên là toàn bộ phần hòa âm phối khí đã được thu âm, hay nói nôm na nó như nhạc để hát karaoke.

Thử hỏi, một người viết giai điệu lên beat “karaoke” có thể gọi là nhạc sĩ sáng tác?

Nếu xem ca khúc là một tổng thể hoàn chỉnh gồm giai điệu và hòa âm phối khí thì việc lấy phần hòa âm phối khí của người khác để làm của riêng cho mình bị quy tội “đạo nhạc” hay “ăn cắp nhạc” cũng không có gì là oan uổng.

Tuy nhiên, nếu ca khúc của Sơn Tùng M-TP không được sự tiếp nhận nồng nhiệt của dân nghe nhạc (ca khúc Em của ngày hôm qua tính đến ngày 5-11 có gần 178 triệu lượt nghe trên Zing.mp3 và gần 46 triệu lượt nghe trên YouTube) có lẽ Sơn Tùng đã bỏ “phương pháp sáng tác” này từ lâu.

Bởi thế, công chúng âm nhạc đóng một vai trò khá quan trọng trong việc này.

Nhạc sĩ An Thuyên có một nhắn nhủ rất ý nghĩa: “Với một bộ phận công chúng yêu âm nhạc, cũng nên có tinh thần tiếp nhận ca khúc mang tính tích cực nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của nghệ sĩ”.

Biết bao giờ một bộ phận công chúng âm nhạc của chúng ta hưởng ứng lời kêu gọi của nhạc sĩ An Thuyên, để chúng ta không còn lặp lại điệp khúc: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”?

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên