Toàn cảnh Sơn Trà - Ảnh: Lê Phước Chín |
Tại cuộc họp báo do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 27-6, nội dung chiếm 2/3 thời lượng buổi họp vẫn là về việc giải quyết các dự án đầu tư du lịch ở bán đảo Sơn Trà đang gây sốt trong dư luận thời gian qua.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ - người đứng mũi chịu sào - đã phải phân trần: “Bán đảo Sơn Trà hiện có 25 dự án đã và đang triển khai với diện tích đất giao, thuê, giao để quản lý khoảng 1.400ha (giao, trả tiền đất chỉ 77ha; đất thuê trên 800ha và đất giao quản lý trồng, phát triển rừng hơn 500ha), trong đó có 18 dự án du lịch.
Hầu hết các dự án này đã hoàn thành các thủ tục về đất đai, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và lấy sổ đỏ từ nhiều năm trước”.
Và ông Thơ cũng thừa nhận: “Nếu từ đầu không có các dự án này thì chúng ta giải quyết bài toán Sơn Trà không quá khó. Còn bây giờ phải xử lý một số vấn đề khó khăn như vậy thì không thể muốn là được ngay mà phải qua quá trình rà soát, cân nhắc kỹ càng, rồi chọn lựa ra một điểm cân bằng phù hợp, hướng tích cực nhất”.
Cái khó của Sơn Trà hiện nay chính là giải quyết “việc đã rồi” của lịch sử. Bất cứ sự phát triển nào cũng cần phải có quy hoạch, đặc biệt phát triển du lịch càng cần phải chú trọng hơn công tác này.
Sơn Trà là một địa chỉ cần được phát triển du lịch để làm giàu hơn cho Đà Nẵng, song phát triển ở đây không có nghĩa là xây dựng nhiều khách sạn, nhiều phòng lưu trú mà là làm cho Sơn Trà trở thành một bảo tàng sống về đa dạng sinh học rừng và biển để du khách năm châu phải bỏ tiền ra mới được thưởng lãm.
Giá trị lớn nhất mà Sơn Trà đem lại cho du lịch Đà Nẵng nằm ở đó chứ không phải các khách sạn, resort sang trọng với hàng nghìn phòng lưu trú đã được cấp phép xây dựng.
Bản quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà được Chính phủ phê duyệt và công bố vào tháng 3-2017 ra đời sau khi 18 dự án đầu tư khu du lịch trên bán đảo Sơn Trà đã được chính quyền TP Đà Nẵng cấp phép từ trước năm 2012.
Do vậy, gánh nặng giải quyết hậu quả của việc cấp phép tràn lan không theo quy hoạch này đè nặng trên vai những người đương nhiệm. Tất nhiên, chính quyền TP Đà Nẵng phải đứng ra giải quyết chuyện của Sơn Trà chứ không thể đổ trách nhiệm cho ai khác.
Và muốn giải quyết được vấn đề Sơn Trà, rất cần một sự đồng thuận của các nhà đầu tư và chính quyền Đà Nẵng.
Nhà đầu tư cần được nhìn một cách khách quan hơn bởi lẽ họ được chính quyền TP Đà Nẵng trước đây kêu gọi đầu tư và được hưởng quyền lợi theo chính sách đương thời. Xử lý sao cho có lý, có tình là chuyện của lãnh đạo TP Đà Nẵng. Cần thiết phải cấp đất lại cho nhà đầu tư ở những vị trí khác cũng phải làm để giữ uy tín cho Đà Nẵng.
Về phía các nhà đầu tư, cũng cần có sự nhân nhượng để cùng với chính quyền bảo vệ Sơn Trà cho mai sau. Nếu nhà đầu tư và chính quyền Đà Nẵng cùng nhìn về một hướng, chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn và nhà đầu tư cũng giữ được hình ảnh của chính mình trong cộng đồng.
Khách sạn, resort có thể xây ở nhiều nơi, nhưng Sơn Trà chỉ có một. Giữ Sơn Trà là giữ cho du lịch Đà Nẵng phát triển lâu bền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận