Son phấn đồi Cù

NGUYỄN HÀNG TÌNH 10/11/2011 00:11 GMT+7

TTCT - Muốn tìm cảm giác hoang vu, người Đà Lạt hồi trước thường lên điểm thật cao để nhìn trời đất Đà Lạt, mà ngã năm Đại học là chỗ đáp ứng được điều đó.

Bên dưới là trọn cơ thể đồi Cù nõn nà khoe ra, với giữa lòng chập chùng kia là cái hồ nước cổ xưa của phố núi bước ra từ sơn nguyên, kẻ một vạch trong thanh mang cái tên buồn: hồ Tổng Lệ.

Phóng to
Thò đầu nhìn vào... đồi Cù - Ảnh: N.H.T.

Màu xanh kia của đồi Cù bây giờ là màu xanh nhung lụa, được son phấn lên bằng thứ cỏ mềm mại để giúp trái banh golf lướt đi nhẹ nhàng, đưa từ Thụy Sĩ sang trồng, thay cho cỏ lá tre tự nhiên cố hữu của đồi núi Đà Lạt.

Cái hàng rào bằng nhiều loại cây xanh lồng trong kẽm gai vòng quanh trọn đồi Cù nhắc người ta cái giới hạn vào ra, ngoại bất nhập. Còn những cú đi bệnh viện thường xuyên vì sưng đầu của người dân qua đường bởi những đường banh golf lạc lối cho thấy sự phi khoa học của một sân golf nằm ngay trong lòng phố xá đông đúc...

***

Cứ nhìn xuống đấy, tôi lại không quên những lần kẻ nhập cư là tôi được thả người ra thảm cỏ lá tre mộc mạc, tựa lưng vào gốc thông già trên ngọn đồi này mà thưởng cho mình những giấc ngủ an lành, tự do của hơn hai mươi năm trước. Không thể quên những khi từ ngôi trường đại học nhìn ra đồi Cù này, băng trên nó để như cưỡi khói sương xứ lạnh mà “ra phố”.

Ngày đó, tôi còn thấy người trẻ ở Đà Lạt cuối tuần hay lên đồi Cù cắm trại, trẻ con thả diều, các chàng thợ hình mang máy ảnh lững thững theo du khách, cùng bóng dáng những con ngựa tung vó qua đồi... Và cũng khó để quên những tấm bưu thiếp du lịch phổ biến về Đà Lạt lúc ấy là hình ảnh du khách cầm chiếc dù hoa rực rỡ thong dong trên đồi Cù, hay những đôi gái trai tự tình thật nên thơ dưới bóng thông ngàn. Và đồi Cù vào đầu mỗi mùa mưa là cả một ngọn đồi mênh mông hoa dại, trào lên nhiều sắc màu tự nhiên...

Nhưng cũng chính chúng tôi của những năm liền ngay sau đấy, với việc làm thêm kiếm tiền trọ học, đã góp phần cùng người ta cày xới tung đồi Cù lên để trồng xuống thứ cỏ quý tộc đổi kiếp phận ngọn đồi thân thương của người Đà Lạt.

Nhiều năm sau này khi cuộc “gả” đồi Cù đã rồi, không thể xoay chuyển trở lại ban đầu, người ta bắt đầu tiếc thương cho nó. Người Đà Lạt bắt đầu những cơn nhớ dai dẳng về một ngọn đồi. Quả thật bạn rất khó dửng dưng khi chứng kiến những cô cậu học trò Đà Lạt ngày nay vạch lá hàng rào ken dày kia để thò đầu vào mà nhìn trộm đồi Cù ở quê xứ mình.

Nghẹn ngào khi thấy các cụ hưu trí cũng như những nàng hồng thắm xinh chiều đến chạy tập thể dục, dừng lại, rón rén dõi mắt vào bên trong ngọn đồi. Và càng tội cho bao kẻ có tình với phố núi này, hễ cứ tạt lên Đà Lạt như ông bạn Duy của tôi - một họa sĩ, ông bạn Tuấn - một thi sĩ... bảo chở vòng quanh đồi Cù cho được. Bây giờ vòng quanh đồi Cù là để ngắm cái... hàng rào che kín ngọn đồi này chứ có được bước vào đó đâu. Muốn được đặt chân lên đồi Cù nay phải có nhiều ngàn đôla, để sở hữu một tấm thẻ thành viên đánh golf ở sân này cho một năm.

Nếu đứng cả ngày trên véranda của quán cà phê cao nhất ngã năm Đại học này, sẽ nhận ra có ngày sân golf nằm trên ngọn đồi di sản này vắng lạnh, chẳng có khách nào chơi cả. Dù lượng thẻ hội viên đăng ký ở sân golf này thống kê được là 260, nhưng nghe đâu nhiều người cả năm không một lần ghé đánh. Và chừng ấy tay golf cũng chỉ là thiểu số so với hai chục vạn dân Đà Lạt và hai triệu lượt du khách hàng năm tìm lên thành phố du lịch này.

Hằng năm sân golf rộng 63ha nằm ngay trái tim Đà Lạt này đóng vào cho ngân sách nhà nước chỉ hơn bốn tỉ đồng, ít hơn cả khu hồ thung lũng Tình Yêu với mỗi nguồn bán vé tham quan.

Đồi Cù vẫn còn đấy, nhưng sao người ta cứ nhớ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận