31/12/2014 13:28 GMT+7

​Sơn Mỹ và giải Pulitzer của sự thật

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Vừa đến VN, nhà báo Seymour Hersh lập tức tới khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).

Nhà báo Seymour Hersh bên nền nhà của một thường dân bị sát hại tại khu chứng tích Sơn Mỹ - Ảnh: Trần Mai
Nhà báo Seymour Hersh bên nền nhà của một thường dân bị sát hại tại khu chứng tích Sơn Mỹ - Ảnh: Trần Mai

Đây là lần đầu tiên trong đời ông ghé đến Sơn Mỹ, dù chính ông là người đã viết loạt phóng sự điều tra phơi bày sự thật cho cả thế giới biết vụ thảm sát 504 thường dân vô tội cách đây 46 năm.

Năm 1970, nhà báo Seymour Hersh nhận giải thưởng danh giá Pulitzer nhờ loạt bài điều tra về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Loạt phóng sự, theo ông, là một sự tình cờ. 

Pulitzer của... sự thật

Những người dân Mỹ cũng có trách nhiệm. Họ phải đến những nơi như thế này để hiểu rằng một lần sai lầm sẽ để lại nỗi đau âm ỉ trong lòng biết bao con người. Tôi hi vọng sẽ không còn những vụ việc tương tự xảy ra, bởi đó là điều không thể dung thứ
Nhà báo SEYMOUR HERSH

“Tôi không bao giờ muốn nói về quá trình điều tra của mình, nhưng hôm nay tôi kể cho những người bạn VN nghe câu chuyện đi tìm sự thật ấy. Khi tôi xem những bức ảnh của anh lính tập sự Ron Haeberle chuyên đi chụp ảnh tử thi để báo cáo thành tích, qua trò chuyện tôi biết có khoảng 140 lính Mỹ, chủ yếu ở hai trung đội Bravo và Alpha của đại đội Charlie dưới sự chỉ huy của đại tá Ernest Medina, làm nhiệm vụ càn quét Việt cộng ở Sơn Mỹ nhưng lại nhắm vào những người dân thường không có vũ trang, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em.

Tôi đã đi gặp hơn 50 người lính tham gia cuộc thảm sát vào ngày 16-3-1968, trong đó có bốn chỉ huy. Trong câu chuyện khởi đầu của tôi lúc nào cũng có hình ảnh những cây dừa ở VN, rồi những cây dừa ở Sơn Mỹ và tận cùng sự thật đã được hé lộ” -  nhà báo lừng danh trải lòng.

Trong cuộc đời làm báo của mình, ông đi rất nhiều nơi, viết và nhận rất nhiều giải thưởng danh giá, nhưng giải thưởng ông quý trọng nhất trong cuộc đời mình chính là Pulitzer năm 1970 bởi với ông, đó là giải thưởng của sự thật kinh hoàng.

“Tôi chưa từng đến đất nước các bạn nhưng lại thấy gần gũi đến lạ. Khi viết bài điều tra, tôi chỉ nghe lời kể của những người lính tham gia vụ thảm sát nhưng lại viết như chính mình đang ở Sơn Mỹ, chứng kiến toàn bộ sự thật” - Seymour Hersh chia sẻ.

Người VN nhân hậu

Tôi có sự thật trong tay

Tâm sự với người dân Sơn Mỹ, nhà báo Seymour Hersh có nói: “Khi điều tra vụ thảm sát Sơn Mỹ, tôi hoàn toàn không sợ một áp lực nào từ chính quyền, bởi tất cả đều phải tôn trọng sự thật và tôi có sự thật trong tay, đó là điều mà người dân Mỹ cần phải biết”.

Có lẽ chính vì vậy mà ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Việc đến VN thăm chứng tích Sơn Mỹ của nhà báo Seymour Hersh hàm chứa giá trị rất lớn, bởi chính ông đã góp phần phơi bày sự thật của vụ thảm sát 504 thường dân vô tội, đưa sự thật ấy đến với những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới”.

77 tuổi, trái tim ấm và ngọn lửa nhiệt huyết chưa bao giờ bị thời gian thổi tắt. Hàng chục năm sau loạt bài viết chấn động về Sơn Mỹ, ông mới đặt chân đến đất nước VN.

Tôi hỏi ông biết gì về VN, ông nở nụ cười đôn hậu rồi nói: “Tôi biết đất nước các bạn trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhưng khi đặt chân đến nơi này, tôi còn biết người VN thân thiện và rộng lượng”.

Mỗi lần xem những bức ảnh, nghe câu chuyện của những người trong cuộc ở Sơn Mỹ, đôi mắt Seymour Hersh lại ngấn nước. Ông dành hơn hai giờ xem đi xem lại bộ phim mà bất cứ ai đến Sơn Mỹ đều được xem để hiểu rõ về ngày kinh hoàng của mảnh đất này. Những bức tượng, mái nhà, đồng ruộng mô phỏng trong khuôn viên của khu chứng tích “hút” lấy ông.

Và khi ở trong khu chứng tích, ông mang cảm giác có lỗi vì mình là một công dân Mỹ. Nhưng nhờ sự thân thiện của người dân và đặc biệt là ông Nguyễn Thành Công - giám đốc khu chứng tích Sơn Mỹ, người may mắn sống sót trong vụ thảm sát - đã làm nhà báo Seymour Hersh mở lòng và vui vẻ hơn rất nhiều.

Ông Công nói: “Với người dân Sơn Mỹ, nhà báo Seymour Hersh là một phần không thể thiếu của nơi này. Ban quản lý khu chứng tích nói riêng và người dân Sơn Mỹ nói chung rất vui được đón ông tại đây. Bao năm qua chúng tôi luôn mong được gặp người Mỹ nhân hậu và trách nhiệm này”.

“Tôi đã nhiều lần nói với chồng phải đến Sơn Mỹ trước khi quá muộn và chúng tôi đã quyết định đến đất nước của các bạn sau một đêm trằn trọc” - vợ ông, bà Elizabeth, chia sẻ.

Đi cùng vợ chồng nhà báo Seymour Hersh còn có hai người con, cả hai sinh ra sau ngày người cha viết loạt phóng sự điều tra chấn động về Sơn Mỹ và sau này khi lớn lên, họ phải thốt lên rằng tại sao những người lính Mỹ lại có thể ra tay tàn nhẫn đến vậy.

Trước sự đón tiếp nồng hậu của những người dân Sơn Mỹ, cả gia đình Seymour Hersh phải thốt lên: “Người VN nhân hậu, tôi chỉ có thể nói như thế”.

Seymour Hersh nói sau chuyến đi này ông sẽ có thêm những bài viết nữa, “nhưng những bài viết đó không phải khơi dậy nỗi đau, tôi sẽ nói cho cả thế giới biết người VN không sống trong hận thù của quá khứ mà đang hướng tới tương lai bằng một tinh thần của dân tộc yêu chuộng hòa bình”.

Cuốn sổ lưu niệm ở khu chứng tích từ nay có thêm những dòng chữ của nhà báo Seymour Hersh, đó là lời nguyện ước một thế giới không có chiến tranh và người dân sẽ sống trong yên bình, hạnh phúc, sẽ không còn những đau thương mất mát bởi họng súng vô tri.

=

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên