02/11/2018 11:18 GMT+7

Sớm trị bệnh ghiền đồ nhựa

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Chúng ta đang hại mình khi có thêm thông tin từ các nhà khoa học Áo công bố “có rất nhiều vi hạt nhựa trong chất thải của con người”, nhưng con người vẫn thờ ơ với chất độc từ nhựa.

Sớm trị bệnh ghiền đồ nhựa - Ảnh 1.

Một công ty ở Khu công nghiệp Cát Lái, TP.HCM sản xuất bao bì tự hủy cho siêu thị Co.op Mart - Ảnh: T.T.D.

Ai cũng đã biết sử dụng đồ nhựa dùng một lần vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa gây hại môi trường. Nhưng là kiểu "biết rồi khổ lắm nói mãi", biết nhưng không làm gì để thay đổi.

Từ bỏ thói quen

Tôi có thói quen pha cà phê ở nhà để mang đi làm mỗi ngày. Như thói quen, tôi thường dùng ly và ống hút nhựa dùng một lần rồi bỏ. Cuối tháng, tôi đi siêu thị mua tiếp. 

Như thói quen, tôi lấy ly và bịch ống hút nhựa. Sau đó ghé qua các gian hàng khác, tôi đã dừng lại ở chỗ bán bình giữ nhiệt các loại. "Sao mình không mua bình này dùng nhiều lần thay cho đống ly nhựa lẫn ống hút kia? Vừa tiện ích vừa bảo đảm sức khỏe, dùng xong không vứt thành rác…". Từ ngày đó đến nay, tôi dùng chiếc bình này đựng cà phê mang đến chỗ làm.

Một lần, không kịp pha cà phê ở nhà, tôi vẫn mang bình này đi. Dừng xe mua cà phê dọc đường, tôi yêu cầu người bán cho cà phê vào bình của mình. Tôi vẫn thường đi mua hàng ở siêu thị, mang về nhiều túi nilông và thường cất để đựng rác, một cách tiết kiệm và hạn chế xả rác nilông ra môi trường. Cũng có nhiều người chọn cách làm như tôi.

Tôi từng dùng hơn 30 ly nhựa và ống hút nhựa/tháng, chưa kể bịch nilông các loại khi mua đồ ăn… Tôi từng thờ ơ không nghĩ gì đến lượng rác nhựa mình đã vứt vào môi trường. Ngày ngày ra đường, rất nhiều người cũng có thói quen như thế. Bên phải xe treo ly cà phê, bên trái treo hộp xôi (muỗng lẫn bao bì đều bằng nhựa dùng một lần). Cà phê vỉa hè đến cà phê quán sang trọng đều có ly và ống hút nhựa. 

Còn siêu thị, chợ đến tiệm tạp hóa… đi đâu cũng thấy túi nilông. Đáng buồn là tình trạng lạm dụng sản phẩm nhựa ngày càng phổ biến, lan tràn đến mức ngao ngán, nản lòng. Ai cũng thấy "ghê" đồ dùng nhựa nhưng vẫn cứ dùng đồ nhựa, mang túi nhựa về nhà và bỏ vào túi rác ngay sau đó.

Sớm trị bệnh ghiền đồ nhựa - Ảnh 2.

Tác giả bài viết Khánh Hưng

Tác hại: không loại trừ ai

Trong khi đợi chờ những chương trình hành động này nọ, mỗi người nên có một hành động cho riêng mình, tự thay đổi thói quen sử dụng ly, ống hút và các loại túi nhựa. Điều này không khó, giảm dần từng ngày, giảm ngày nào tốt ngày đó, trước hết là vì mình. Chỉ là do chúng ta thờ ơ, phớt lờ hoặc chưa kiên quyết thôi.

Bằng chứng các nhà khoa học nêu ra đó có mấy ai để ý? Thay đổi từ những việc rất nhỏ, quen thuộc cũng là thay đổi đáng kể rồi. Các cửa hàng bán đồ ăn thức uống mang đi nên khuyến khích khách hàng dùng vật chứa của mình bằng kim loại hoặc nhựa tốt bền, thay cho các loại dùng một lần rồi bỏ.

Những việc làm nhỏ (mà rất tốt) đó tôi nghĩ ai cũng làm được. Chỉ cần mỗi người chú tâm một chút thôi, không nặng nhọc hay tốn kém gì cả. Và hãy bỏ ý nghĩ "tác hại sức khỏe kia chắc nó trừ mình ra". Việc làm tốt cho mình, cho người xung quanh sao lại thờ ơ?

Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật cấm các đồ nhựa dùng một lần trên toàn lãnh thổ Liên minh châu Âu. Và giữa những công bố khoa học về hiểm họa vi hạt nhựa, mỗi người chúng ta nên làm gì và có thể làm gì, hay chỉ dừng lại ở chỗ "đọc cho biết"?

Do thói quen lãng phí

bd cẩm phô 3(read-only)

Chị Cẩm Phô

Tôi đã khấp khởi vui mừng khi được biết tin: từ tháng 6-2018, Bộ Tài nguyên và môi trường đã phục vụ nước cho các đại biểu bằng bình kim loại thay chai nhựa. Đại diện bộ này khẳng định tất cả cơ quan trong bộ đã không sử dụng chai nhựa, túi nilông khó phân hủy trong các hoạt động hằng ngày.

Còn nhớ mấy tháng trước, khi trang fanpage của khối Liên minh châu Âu tại VN thông báo mọi thiết bị sử dụng trong các cuộc họp, tọa đàm do họ tổ chức được chuyển sang dùng thủy tinh/inox, tôi từng ước ao có một bộ/ngành nào ở nước ta thực hiện. Nghĩ một cách lạc quan, đã có không ít đơn vị âm thầm gia nhập trào lưu "nói không với rác thải nhựa". Nhưng chừng ấy chưa đủ cứu Trái đất khỏi rác, cứu chính con người khỏi vấn đề ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Về vấn đề này, không nên đổ tội cho các sản phẩm nhựa. Cái chính do con người và văn hóa lãng phí, thích tiện dụng, ưa chuộng sử dụng sản phẩm một lần rồi bỏ của con người. Đặc biệt là khi thực hiện các sự kiện, những chuyến đi xa. Với tâm thế "tiện đường thì mua", "chợt thấy lại thèm", chúng ta dễ thỏa hiệp với hộp xốp, ly nhựa…

Nếu chúng ta đổi từ đồ nhựa sang thủy tinh, giấy, gỗ hay bất cứ vật chất nào khác, kể cả các loại nhựa, túi nilông làm từ thực vật trong khi vẫn giữ nguyên sự lãng phí như cách chúng ta đang sử dụng đồ nhựa dùng một lần, thảm họa đối với môi trường có lẽ còn diễn ra nhanh hơn gấp nhiều lần. Chúng chỉ tốt hơn nhựa vì có thể được dùng lại nhiều lần, mà không cần phải thay mới một khi người sử dụng muốn.

Vậy nên việc cấm sử dụng túi nilông, đồ nhựa sẽ không giải quyết được vấn nạn này nếu nhận thức về tiêu dùng của chúng ta không đổi. Chúng ta đang lãng phí tài nguyên đang ngày một cạn kiệt và tạo những nguồn rác khổng lồ từ sự lãng phí với thờ ơ ấy.

Hiện có những cá nhân, doanh nghiệp đang nỗ lực từng bước hướng tới "tiêu dùng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên". Họ đề xuất khách mua gộp đơn hàng để giảm thiểu bao bì. Họ thực hiện các buổi hướng dẫn làm sản phẩm tái chế, chia sẻ kinh nghiệm, công thức làm nên sản phẩm họ đang bày bán. Có những người trẻ tuổi chịu khó viết "tâm thư", hiến kế cho nhà hàng, quán cà phê nơi họ ghé đến và được phục vụ những món đồ bị bỏ đi sau một lần sử dụng. Không ít bạn mang hộp từ nhà ra siêu thị đựng cá, thịt, túi vải đựng rau củ…

Mỗi một cố gắng của từng cá nhân khi nhận được phản hồi tích cực, ai nấy đều khấp khởi hi vọng về hiệu ứng cánh bướm và rác thải sẽ ít đi.

CẨM PHÔ

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên