Chỉ đạo trên bắt nguồn từ phản ánh của giáo sư Nguyễn Ngọc Trân về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm đang làm thiệt hại hai vụ lúa của nông dân ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang.
Ba ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng, hôm 13-6 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo gửi Thủ tướng cho biết có việc lúa hè thu của bà con ấp 9 - nơi dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua - bị ảnh hưởng do mặn.
Trong đó có 2,23ha diện tích lúa bị ảnh hưởng chỉ đạt năng suất 6 tấn/ha, trong khi năng suất nơi bình thường là 7,6 tấn/ha.
Ước tính thiệt hại khoảng 5 tấn so với các ruộng trong cùng khu vực nhưng không bị ảnh hưởng mặn và đơn vị thi công đã chịu bồi thường cho nông dân toàn bộ thiệt hại là gần 44 triệu đồng.
Bộ này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị thi công có giải pháp cụ thể để độ nhiễm mặn của nước nơi thi công đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguồn cung cát biển ở Sóc Trăng với trữ lượng lớn là kỳ vọng tháo điểm nghẽn cát cho hàng loạt công trình xây dựng giao thông, đặc biệt là cao tốc đang được Chính phủ tập trung đầu tư từ Bắc vô Nam, nhưng nguy cơ tiếp tục tắc do nghi ngại gây hại môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng - nơi có mỏ cát biển - cho biết từ giữa tháng 5-2024 đã phát đi thông báo cho 27 tỉnh thành và ban quản lý dự án giao thông về nhu cầu sử dụng cát biển nhưng đến nay chỉ có một đơn vị của Bộ Giao thông vận tải và một địa phương đăng ký hơn 9 triệu m3.
Thực tế ngoài trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn nhiều câu hỏi mà các bộ, ngành, cơ quan chức năng phải trả lời cho người dân về tính an toàn của cát biển.
Đó là việc đồng loạt khai thác cát biển có làm sạt lở bờ biển để tránh tình trạng chuyển từ sạt lở bờ sông do "cát tặc" sang sạt lở bờ biển?
Tiêu chuẩn quốc gia cát biển sử dụng cho công trình giao thông ở vùng ngọt ra sao khi không đáng ngại vùng nhiễm mặn nhưng rất quan ngại vùng nông nghiệp, thủy sản nước ngọt?
Chưa kể việc Thủ tướng đã giao ba bộ nghiên cứu, đánh giá và trả lời hiện tượng lúa chết nơi cao tốc đi qua ở Vị Thủy (Hậu Giang), tức chưa có một đảm bảo chắc chắn, trong khi chưa có quy định bắt buộc nào về tiêu chuẩn tuyển, rửa cát biển thành cát sạch dùng cho công trình giao thông vùng nước ngọt (hiện chỉ có tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, chưa có tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải) trong khi Việt Nam đã có công nghệ tuyển rửa cát biển không làm đội chi phí giá cát nhưng do chưa có quy chuẩn, nhà thầu sẽ lờ đi.
Để đường đi của cát biển đến công trình cao tốc không còn tắc, giải phóng tình trạng "đói" cát cho hàng loạt dự án cao tốc lâu nay, cơ quan chức năng cần sớm trả lời người dân, đảm bảo chắc chắn cát biển cho công trình giao thông vùng ngọt không gây hại môi trường. Ban hành bộ tiêu chuẩn cát biển sử dụng cho công trình giao thông vùng ngọt.
Đặc biệt cần sớm ban hành quy định để quản lý cát biển, minh bạch nguồn cát biển đảm bảo "truy xuất nguồn gốc cát biển", công khai công trình nào sử dụng cát biển để tránh tình trạng nhà thầu, đơn vị thi công xé rào "dùng trộm" mang lại sự chính danh cho nguồn vật liệu xây dựng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận