02/06/2024 11:24 GMT+7

Sớm đưa sâm Việt thành ngành hàng tỉ USD

Nhiều gian hàng sâm Việt tại Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM cuối tháng 5 vừa qua đã bán hết, cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có niềm tin và khả năng để mua loại thảo dược quý hiếm này.

Một củ sâm đẹp, có giá cao được người dân đem đi thi tại hội thi sâm Ngọc Linh do huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức - Ảnh: LÊ TRUNG

Một củ sâm đẹp, có giá cao được người dân đem đi thi tại hội thi sâm Ngọc Linh do huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức - Ảnh: LÊ TRUNG

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp trồng và chế biến sâm Việt đã tìm được các hợp đồng xuất khẩu đi nước ngoài cho thấy tiềm năng của sâm Việt Nam là rất lớn. Sâm Việt được ví như "cô gái ngủ trong rừng" đã đến lúc thức giấc để bước ra thế giới.

Người tiêu dùng gom hết sâm Việt tại lễ hội

Trở về sau sự kiện Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024 cách đây 1 tuần, chị Bùi Thị Triều, chủ showroom sâm Ngọc Linh Hoàng Triều (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), vẫn còn chưa hết vui vì không ngờ người tiêu dùng tại TP.HCM lại quan tâm và chịu chi cho sâm Việt đến thế.

Chị kể rằng trong tất cả các gian hàng của các tỉnh ở lễ hội thì những gian hàng sâm Ngọc Linh của Quảng Nam có lượng khách đến tham quan, mua bán đông gấp ba lần so với các gian hàng khác, lúc nào cũng kín người. Trong đó có người đã biết về sâm Ngọc Linh thì đến mua, còn người chưa biết thì đến tìm hiểu sản phẩm. 

"Quảng Nam có 9 gian hàng mang sâm Ngọc Linh đến TP.HCM thì gian hàng nào cũng bán hết sâm, không phải đem về. Có nghĩa người dân rất hào hứng với sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm này" - chị Triều kể.

Cũng bán sạch lượng trà sâm Ngọc Linh và 3kg sâm củ tươi từ Quảng Nam mang vào lễ hội này và còn ký được vài hợp đồng cung ứng phân phối sản phẩm sâm cho cả nước, ông Trương Đình Kiểm, giám đốc Công ty TNHH KTC Quảng Nam, nghĩ lại vẫn chưa tin "sức mạnh" tiêu thụ của sâm tại thị trường trong nước mạnh đến thế.

"Công ty tôi bán hết sạch trà sâm Ngọc Linh trong ngày đầu tiên. Còn ngày thứ 2, 3 cũng hết rượu củ sâm, kẹo sâm và 3kg sâm tươi, mỗi kg giá 100 triệu đồng cũng được người tham quan lễ hội mua sạch sẽ. Đoàn Quảng Nam tổng cộng bán được 30kg củ sâm tươi trong 3 ngày", ông Kiểm nói.

Chia sẻ thêm nguyên nhân tốc độ bán sâm "vũ bão", ông Kiểm cho rằng vì lễ hội đã tạo sự tin tưởng, sự bảo tín cho người mua. "Khách hàng Việt ngày nay có thu nhập cao ngày một nhiều và quan tâm đến sức khỏe, khi cầm củ sâm thực tế họ tin tưởng, mua sâm không chút hoài nghi. 

Nhiều doanh nghiệp khác còn cháy hàng và phải chi viện thêm. Doanh nghiệp nào cũng mong muốn có 1-2 lễ hội về sâm để thúc đẩy ngành hàng sâm trong nước", ông Kiểm giải thích và bày tỏ mong muốn.

Các gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh thu hút rất đông khách tại Lễ hội sâm quốc tế được tổ chức ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh thu hút rất đông khách tại Lễ hội sâm quốc tế được tổ chức ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đa dạng sản phẩm, nhiều người dễ mua

Sâm Ngọc Linh là ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe nên nhiều hộ nông dân cũng tập trung đầu tư.

Ông Võ Trung Mạnh, chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, nói sâm Ngọc Linh tạo ra "cuộc cách mạng" tại địa phương. Bà con nông dân đang đầu tư rất mạnh để trồng loại dược liệu quý này. Nếu như năm 2022 nông dân huyện vay 39 tỉ đồng thì năm 2023 vay gần 100 tỉ đồng để lấy vốn trồng sâm Ngọc Linh, chuyển từ làm thuê cho doanh nghiệp thành làm riêng cho mình.

"Có 3 xã chuyên trồng sâm, có khoảng 100 nhà có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng/năm. Do họ nhận ra giá trị của sâm và bắt tay với doanh nghiệp để phát triển tiềm năng ngành hàng từ sâm", ông Mạnh nói.

Theo ông Kiểm, trước đây sâm chỉ có người giàu mới dùng đến, mới sở hữu sâm củ trong nhà. Nay người tiêu dùng giàu có tăng lên nhanh nên sẵn sàng chi lớn để mua được củ sâm quý hiếm, chất lượng cao. Cùng với công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ sâm như trà, kẹo, nước sâm... với giá cả phải chăng cũng dễ tiếp cận với người tiêu dùng bình dân.

"Tức là cả về đối tượng khách hàng lẫn hình thức tiêu thụ sản phẩm sâm hiện nay đã khác rất xa. Thay vì trước đây người giàu mới mua được sâm, bây giờ ai cũng có thể mua được sản phẩm sâm nào đó, như trà sâm, tổ yến sâm, nước tăng lực sâm Ngọc Linh, nước uống collagen sâm... Hệ sinh thái sản phẩm phong phú, sản phẩm nào có thành phần sâm là hút khách", ông Kiểm thông tin.

Là doanh nghiệp chủ yếu trồng sâm, chế biến sâm và chiết xuất dược chất saponin trong sâm để làm thuốc y học cổ truyền và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ông Phan Thanh Thiên, tổng giám đốc Tập đoàn Trường Sinh (tỉnh Gia Lai), cho hay doanh nghiệp chưa tính xuất khẩu sâm ra thị trường các nước vì đang tập trung phát triển thị trường nội địa.

Bởi theo ông Thiên, Việt Nam là nước có tiềm năng trồng sản lượng sâm lớn, nhưng đang nhập rất nhiều sâm Hàn Quốc. Điều đó cho thấy việc làm thương hiệu, sản phẩm và tạo niềm tin với người tiêu dùng trong nước chưa được đầu tư xứng đáng.

"Với việc nhiều địa phương và doanh nghiệp, nông dân trồng nhiều loại sâm khác nhau, sắp tới sản lượng sâm của Việt Nam sẽ tăng lên nhanh. Nhưng người tiêu dùng bỏ 100 - 200 triệu đồng ra mua sâm sẽ không có nhiều. Do đó, công ty tôi tập trung chế biến sâm thành các sản phẩm có giá phải chăng hơn để mở rộng tập khách hàng", ông Thiên cho hay.

Người dân Xơ Đăng chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng thuộc xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum - Ảnh: TẤN LỰC

Người dân Xơ Đăng chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng thuộc xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum - Ảnh: TẤN LỰC

Đưa "người đẹp ngủ trong rừng" ra thế giới

Nhiều chuyên gia ví von sâm Việt Nam như "người đẹp ngủ trong rừng" suốt bao lâu nay ít người biết, thế giới càng biết ít hơn về nhân sâm Việt. Trong khi nhiều nghiên cứu đã cho thấy sâm Ngọc Linh của Việt Nam có những hoạt chất tốt cho sức khỏe không thua gì sâm Hàn Quốc nổi tiếng thế giới lâu nay.

Ông Nguyễn Việt Xuân, đại diện Công ty CP sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, cho biết Kon Tum có nhiều vùng trồng được phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh. Hiện công ty có 38ha sâm, liên kết 10 hộ nông dân khoảng 200ha. "Sâm là ngành mang về rất nhiều tỉ USD cho nền kinh tế, nên nhìn chung ở thị trường nội địa, sâm rất tiềm năng, mang lại giá trị lớn", ông Xuân nói.

Một doanh nghiệp sâm ở phía Bắc, hiện đang xúc tiến để tháng 9 tới ký kết hợp đồng xuất khẩu 3 container sâm và các sản phẩm từ sâm sang thị trường Mỹ, chia sẻ sự "mạnh dạn" khi đặt vấn đề chào hàng với một tập đoàn ở Mỹ về giá trị, về lượng chất saponin trong sâm Việt mà các loại sâm khác không có và thuyết phục được họ.

"Nếu chúng ta phát huy hết được các giá trị, sâm đến với mọi nhà, đại chúng hóa sâm, đa dạng sản phẩm từ sâm, tạo được tiếng tăm trong nước. Rồi mới tính đến chuyện chinh phục các thị trường cao cấp. 

Tất nhiên cũng rất cần những cuộc xúc tiến thương mại, hỗ trợ của Nhà nước trước sản lượng sâm trong tương lai có thể đưa Việt Nam tới đỉnh là quốc gia có lượng sâm lớn. Khi đó ngành hàng vốn đã tiềm năng lại rất tiềm năng phát triển", doanh nghiệp này cho hay.

Nhìn rộng về giá trị cũng như tiềm năng, một chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực thực phẩm đánh giá: "Kinh doanh sâm và các sản phẩm có liên quan đến sâm là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là lĩnh vực vô cùng tiềm năng trong tương lai. 

Từ sau COVID-19, một số ngành liên quan đến sức khỏe có cơ hội tăng trưởng mạnh. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 40% thị phần và giá trị thị trường các sản phẩm liên quan sức khỏe, tất nhiên trong đó có sâm. Ngành sâm sẽ là ngành hàng có giá trị tỉ USD và sẽ còn rất phát triển".

Quy hoạch định hướng phát triển sâm Việt Nam

Việt Nam hiện có 5.117 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển, 75 loài khoáng vật và gần 410 loài động vật làm thuốc, trong đó có nhiều loại dược liệu quý được thế giới công nhận như cây hồi, quế, atisô, sâm Ngọc Linh... Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính đạt khoảng 100.000 tấn/năm" - ông Nguyễn Xuân Hoàng, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, thông tin.

Theo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển sâm gồm: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Đến năm 2030 diện tích trồng sâm đạt 21.000ha, 100% diện tích trồng sâm được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; sản lượng khai thác đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn; xây dựng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu và đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt.

Định hướng đến năm 2045: phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Người Việt dùng nhiều sâm Hàn Quốc

Số liệu từ văn phòng đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại TP.HCM, năm 2015 Việt Nam đã trở thành thị trường nhập khẩu nhân sâm lớn thứ 6 của Hàn Quốc và lớn nhất trong ASEAN.

Năm 2015, Việt Nam nhập 1.362 tấn nhân sâm, trị giá khoảng 9,46 triệu USD, tăng 93% về sản lượng và 32% về giá trị so với năm 2010.

Năm 2016, Việt Nam vươn lên là thị trường nhập khẩu nhân sâm Hàn Quốc lớn thứ 5. Giá trị xuất khẩu nhân sâm Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2016 đạt 11 triệu USD và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa, tính từ năm 2018 khi hiệp định FTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, mức thuế suất sẽ về 0%.

Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm từ nhân sâm tăng tới 50% so với năm 2021 và trở thành quốc gia đứng thứ 4 về lượng xuất khẩu nông sản và thực phẩm Hàn Quốc. Đặc biệt, sau COVID-19, sự quan tâm và nhu cầu của người Việt với các sản phẩm sâm Hàn Quốc ngày một tăng.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng ở đỉnh Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng ở đỉnh Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG

Kêu gọi đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh

UBND tỉnh Quảng Nam hiện đang thực hiện đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.

Thêm nhiều sản phẩm chế biến

Ông Võ Trung Mạnh - chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, địa phương trồng sâm Ngọc Linh chủ lực ở tỉnh Kon Tum với diện tích 2.300ha - nói rất ấn tượng với lễ hội vừa diễn ra. Không gian bài trí lễ hội đầu tư khá tốt, khách tham quan tới rất đông và có nhiều khách nước ngoài. Từ đó, hiệu quả quảng bá các loại sâm và dược liệu rất cao.

Đặc biệt, các gian hàng sâm Ngọc Linh gây ấn tượng rất tốt với khách tham quan. Trong đó, không gian mô phỏng vườn trồng sâm Ngọc Linh tự nhiên của doanh nghiệp tỉnh Kon Tum gây được sự chú ý lớn từ du khách.

Sau lễ hội, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum phản hồi được rất nhiều khách tới tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Đây là kết quả rất khả quan, khởi đầu cho sự phối hợp giữa tỉnh Kon Tum và TP.HCM trong việc tổ chức Festival sâm Ngọc Linh tại Kon Tum vào tháng 10-2024.

Đến nay địa phương đã có 28 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, trong đó có 23 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết xúc tiến trồng sâm với người dân. Hỗ trợ nguồn vốn thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia để bà con mở rộng vùng trồng. Đồng thời, kêu gọi đầu tư vào các dự án chế biến sâu những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để nâng cao giá trị dược liệu.

Trồng sâm sẽ là di sản văn hóa phi vật thể

Ông Phạm Viết Tích, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, cho hay tỉnh đã ban hành đề án triển khai thực hiện quyết định số 611 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay diện tích quy hoạch để phát triển trồng sâm là 15.567ha, tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng sâm là 848ha. Nguồn cây giống sâm Ngọc Linh cung cấp cho việc trồng mới đã được cải thiện, trong đó nguồn giống cung cấp chủ yếu từ hai đơn vị do Nhà nước quản lý là Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam với diện tích trồng sâm là 15ha và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My với diện tích 3,5ha.

Ngoài ra lượng cây giống trong nhân dân tại các chốt trồng sâm và doanh nghiệp hằng năm sản xuất được từ 500.000 đến 1 triệu cây giống.

Có bảy tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ, với số lượng hơn 65.000 cây. Ngoài ra có rất nhiều dự án đầu tư bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã triển khai. Về chế biến, có hơn 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sâm với nhiều sản phẩm phong phú.

Đến năm 2030, tổng sản lượng sâm đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350ha/năm). Thu hút từ 100 - 150 tổ chức đầu tư phát triển sản xuất sâm giống, trồng phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ loại sâm này, trong đó có 50% cơ sở sản xuất sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn GMP - WHO.

Và Quảng Nam hiện đang thực hiện đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. Bên cạnh đó đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa "Tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lần đầu tiên tổ chức lễ hội sâm quốc tế tại Việt NamLần đầu tiên tổ chức lễ hội sâm quốc tế tại Việt Nam

Ngày 17-5, họp báo về Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM 2024 diễn ra tại Trung tâm báo chí TP.HCM. Đây là lễ hội sâm quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên