22/12/2019 09:49 GMT+7

Sớm đưa bãi cọc Cao Quỳ vào danh mục đề xuất xếp hạng di tích

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Thêm một bãi cọc ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vừa phát lộ được dự đoán là bãi cọc của chiến địa đánh quân Nguyên Mông lần thứ ba năm 1288, mang đến một hình dung sống động hơn về "hào khí Đông A".

Sớm đưa bãi cọc Cao Quỳ vào danh mục đề xuất xếp hạng di tích - Ảnh 1.

Phát lộ bãi cọc dự đoán từ trận đánh Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288 - Ảnh: T.Đ.

Mong sao chiến công Bạch Đằng vang dội, hào khí Đông A năm nào sẽ lại tuôn chảy trong mạch ngầm của thời đại ngày nay và càng ngày càng tỏa sáng, giúp chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Di sản quý giá nhất chính là sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI (phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia)

Câu thơ nổi tiếng trong cuốn Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh về giai đoạn lịch sử hào hùng chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13 của dân tộc: "Mênh mông một dải Bạch Đằng / Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh" đã được GS Nguyễn Quang Ngọc - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - đọc tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ do Viện Khảo cổ học Việt Nam và UBND tỉnh Hải Phòng tổ chức ngày 21-12.

Câu thơ đã nói hộ lòng hứng khởi của bao nhà khoa học, người dân Hải Phòng nói riêng và người dân nước Việt nói chung trước thông tin phát lộ bãi cọc hơn 700 tuổi.

Một dấu ấn về chiến thắng Bạch Đằng của nhà Trần

Đại diện Viện Khảo cổ học Việt Nam - đơn vị vừa tiến hành khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, TS Bùi Văn Hiếu cho biết sau hai tháng khai quật 3 hố với tổng diện tích gần 1.000m2, các nhà khoa học đã phát hiện 27 cọc, đường kính 10-40cm, chủ yếu làm bằng gỗ sến và lim. 

Điểm đặc biệt là chân cọc không đẽo nhọn giống bãi cọc ở di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (Quảng Yên, Quảng Ninh) mà là mặt bằng. Các cọc được đóng bằng phương pháp nào vẫn chưa có lời giải đáp.

PGS.TS Doãn Đình Lâm (Viện địa chất thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) dự đoán một số cọc được cắm xuống bùn, một số cọc phải đào hố chôn trong địa hình rất rắn.

Dựa trên kết quả khai quật, giám định đồng vị phóng xạ cacbon 14, tư liệu lịch sử, ông Hiếu cho rằng bãi cọc Cao Quỳ có thể liên quan đến cuộc chiến trên sông Bạch Đằng của nhà Trần năm 1288.

Đối chiếu với lịch sử, các nhà lịch sử và nhà khảo cổ cho rằng bãi cọc dùng để ngăn quân Nguyên tiến theo dòng lạch triều mà buộc phải tiến theo sông Đá Bạc vào sông Giá để ra cửa Bạch Đằng, vì thế mà rơi vào trận địa mai phục của quân nhà Trần.

TS Trần Đình Thành - cục phó Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL - cho rằng sử sách đã có nhiều công trình nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng của nhà Trần, nhưng còn ít dấu ấn vật chất được phát hiện qua khảo cổ học. Vì vậy, bãi cọc Cao Quỳ mở ra hướng nghiên cứu mới một cách tổng thể về chiến thắng này.

GS Nguyễn Quang Ngọc đánh giá việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ đã xác định rõ hơn những nghiên cứu từ trước đến nay về chiến thắng Bạch Đằng là đúng, có cơ sở.

Còn TS Lê Thị Liên - nguyên trưởng phòng nghiên cứu khảo cổ dưới nước (Viện Khảo cổ học) - cho biết những hố khai quật cho thấy nhiều tầng dày chứa than, mảnh chèo nhỏ, những hàng cọc cắm dày và chắc chắn không khác gì Vạn lý trường thành dưới nước của nước Đại Việt, giúp tấn công, phòng thủ, che chắn cho quân ta.

Cùng với bãi cọc ở Quảng Ninh được phát hiện trước đây, bãi cọc Cao Quỳ cho thấy một thế trận giăng khắp nơi, gồm cả thế trận của dân chứ không chỉ của quân đội, như thiên la địa võng, một thế trận với chiến thuật cực kỳ thông minh của tướng Trần Hưng Đạo, làm nên một chiến thắng mang tầm vóc thời đại và thế giới.

Sớm đưa bãi cọc Cao Quỳ vào danh mục đề xuất xếp hạng di tích - Ảnh 3.

Các cọc vừa phát lộ có niên đại 1270-1430 - Ảnh: T.Đ.

Có thể làm hồ sơ di tích thế giới?

Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu đã cùng đề xuất sớm xây dựng hồ sơ công nhận bãi cọc Cao Quỳ là di tích, có thể kết hợp cùng với di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng của Quảng Ninh để trở thành khu phức hợp di tích quốc gia đặc biệt. Một số đại biểu còn tin rằng có nhiều khả năng xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho khu phức hợp này.

Ủng hộ đề xuất của các nhà nghiên cứu, cục phó Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành đề nghị TP Hải Phòng sớm đưa khu vực bãi cọc Cao Quỳ vào danh mục kiểm kê, để xếp hạng di tích cấp thành phố và đề xuất xếp hạng di tích quốc gia. 

Thậm chí ông Thành tin rằng có thể đề xuất UNESCO công nhận khu phức hợp di tích trải rộng ở vài địa phương là di sản thế giới, sau khi có kết quả nghiên cứu tổng thể về di tích chiến thắng Bạch Đằng. Trước mắt, ông Thành đề nghị TP Hải Phòng sớm chuyển đổi khu vực đã được khai quật thành đất di sản, cắm mốc, dựng rào để khoanh vùng bảo vệ.

GS Vũ Minh Giang - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cũng bày tỏ tin tưởng di tích chiến thắng Bạch Đằng có thể được công nhận là di sản thế giới, bởi chiến thắng của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng lần thứ 3 có ý nghĩa quốc tế to lớn, buộc nhà Nguyên phải hủy bỏ kế hoạch xâm lược Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, mở ra giai đoạn suy yếu và tan rã của đế chế này.

Ông Giang đề xuất TP Hải Phòng tiếp tục mở rộng phạm vi khai quật quanh bãi cọc Cao Quỳ để tìm kiếm những di vật liên quan đến những trận chiến năm xưa chứ không chỉ tìm các cọc. Ông cũng lưu ý nên dùng biện pháp kỹ thuật để xác định phạm vi phân bố các bãi cọc và quy mô tổng thể của di tích Bạch Đằng. Ông hi vọng thời gian tới, các nhà khoa học liên ngành khảo cổ học, lịch sử, địa chất sẽ cùng phối hợp nhằm "lập lại bản đồ chiến trường Bạch Đằng năm xưa" để dựng ở bảo tàng cho khách tham quan.

Tiếp tục khảo sát các bãi cọc khác

Ông Lê Văn Thành - bí thư Thành ủy Hải Phòng - cho biết ông đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL khẩn trương hoàn thiện thủ tục công nhận bãi cọc Cao Quỳ là di tích cấp thành phố; đề nghị Thủ tướng công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Đồng thời, thành phố sẽ mời các nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát các bãi cọc khác quanh xã Liên Khê, dọc theo sông Đá Bạc.

Tái hiện lịch sử nhà Trần tại Huế Tái hiện lịch sử nhà Trần tại Huế

TT - Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm văn hóa Huyền Trân vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt trên tổng diện tích 28,38ha tại vùng núi Ngũ Phong, thuộc phường An Tây, cách trung tâm TP Huế khoảng 5km về phía đông nam, với tính chất là nơi để tôn thờ, tưởng nhớ công đức công chúa Trần Huyền Trân và là trung tâm du lịch sinh thái.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên